15/04/2025 4:42:22

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (LIC):

“Cần thúc đẩy hiệp định song phương các nước, thống nhất tiêu chuẩn công nhận văn bằng”

Quốc tế hóa giáo dục nghề nghiệp đang là xu hướng tất yếu, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Từ thực tiễn trong các chương trình phối hợp đào tạo với các đối tác là các doanh nghiệp, trường học của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (LIC) đã chia sẻ với Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống những hiệu quả thiết thực, cũng như những rào cản trong việc công nhận, cấp song bằng hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ

Dẫn đầu xu hướng Quốc tế hóa

PV: Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế, được biết LIC có sự phối hợp các doanh nghiệp nước ngoài, các trường đại học, cao đẳng ngoài nước, cụ thể là Trung Quốc trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông có thể cho biết cụ thể LIC đã phối hợp đào tạo với những doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng nào của Trung Quốc và ở những ngành nghề nào? 

PGS. TS Nguyễn Tiến Đông: Trong bối cảnh hội nhập giáo dục quốc tế, LIC đã phối hợp với các đối tác Trung Quốc để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, chúng tôi hợp tác với Goertek – một tập đoàn sản xuất điện tử lớn của Trung Quốc, có chi nhánh tại Bắc Ninh (Goertek Vina) với hơn 40.000 lao động và công ty TNHH Hải Chi Thần – doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị thị giác máy tính và rô bốt.

Chương trình đào tạo gồm các ngành như: Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, Cơ khí chính xác đáp ứng yêu cầu của dây chuyền sản xuất hiện đại. Nội dung đào tạo tập trung vào các lĩnh vực như: Lập trình và điều khiển rô bốt (rô bốt công nghiệp, rô bốt cộng tác để tự động hóa dây chuyền sản xuất), AI (trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa quy trình vận hành), và Camvision (thị giác máy tính để kiểm tra chất lượng sản phẩm), hệ thống nhà máy thông minh MES

Về phía các cơ sở giáo dục của Trung Quốc, chúng tôi phối hợp với Học viện kỹ thuật nghề nghiệp Cơ điện Quảng TâyHọc viện nghề nghiệp Giao thông Sơn Đông để triển khai các chương trình liên kết đào tạo. Các Trường sẽ đào tạo bổ sung Tiếng Trung, tiếng Trung chuyên ngành, đào tạo về Lập trình điều khiển rô bốt Camvision, hệ thống SMT, MES, đo kiểm CMM…trên những trang thiết bị thực hành mà điều kiện thiết bị tại nhà trường ở Việt Nam ít hoặc không có.

Từ năm 2024, LIC có gần 20 sinh viên đã tham gia các chương trình này, và 100% được đánh giá cao về kỹ năng và ngôn ngữ, cho thấy sự phù hợp của các ngành nghề đào tạo với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Sinh viên LIC luôn được tiếp cận các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế

PV: Ngoài Trung Quốc, nhà trường còn có sự phối hợp tương tự với những đối tác ở các quốc gia khác không?

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông: Ngoài Trung Quốc, trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã và đang mở rộng hợp tác với các đối tác tại nhiều quốc gia khác để nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, chúng tôi hợp tác với các tổ chức Nhật Bản như mạng lưới hơn 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản – NC Network để triển khai các chương trình đào tạo về nghề khuôn mẫu và gia công chính xác cao, cũng như các kỹ năng quản lý chất lượng, sản xuất tinh gọn. Những chương trình này đã giúp sinh viên ngành Cơ khí và kỹ thuật sản xuất đạt tỷ lệ việc làm 95%, được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao.

Ngoài ra, chúng tôi cũng trao đổi sinh viên và giảng viên với các trường cao đẳng Oita – Nhật Bản, đồng thời đang xúc tiến hoạt động này với các doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhà máy thông minh và tự động hóa.

PV: Được biết, nhà trường và  đối tác Trung Quốc thực hiện mô hình đào tạo “1 + 1 + 1”,  ông có thể cho biết phương thức đào tạo cụ thể theo mô hình này?

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông: Mô hình đào tạo 1+1+1 với đối tác Trung Quốc được chúng tôi triển khai từ năm 2022, cụ thể với Goertek và một số trường cao đẳng tại Trung Quốc. Phương thức đào tạo được chia thành ba giai đoạn rõ ràng:

·        Giai đoạn 1 (1 năm tại Việt Nam): Sinh viên học lý thuyết và kỹ năng cơ bản tại Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, tập trung vào kiến thức cơ sở ngành: Điện tử công suất, khí cụ điện, trang bị điện, đấu nối và vận hành thiết bị tự động hóa, tiếng Trung.

·        Giai đoạn 2 (1 năm tại Trung Quốc): Sinh viên tiếp tục học tại trường cao đẳng đối tác ở Trung Quốc, nơi họ được đào tạo chuyên sâu về công nghệ sản xuất điện tử và ứng dụng IoT, đồng thời học bổ sung tiếng Trung để tăng khả năng giao tiếp trong môi trường làm việc quốc tế. Tại đây, giảng viên của Học viện Goertek cũng tham gia đào tạo văn hoá doanh nghiệp, an toàn, bảo mật, hệ thống MES, SMT,…

·        Giai đoạn 3 (1 năm thực hành): Sinh viên trở về Việt Nam thực tập tại Goertek với những vị trí kỹ sư hiện trường sản xuất để áp dụng kiến thức vào thực tế, làm việc trực tiếp trên các dây chuyền sản xuất hiện đại và hoàn thiện kỹ năng theo vị trí việc làm cụ thể, như kỹ thuật viên tự động hóa hoặc chuyên viên kiểm soát chất lượng.

Mô hình đào tạo 1+1+1 cũng có thể hiểu là sự hợp tác của 1 trường cao đẳng tại Việt Nam, 1 trường cao đẳng tại Trung Quốc và 1 doanh nghiệp Trung Quốc. Mô hình này không chỉ giúp sinh viên nắm vững lý thuyết mà còn thành thạo thực hành, với 100% sinh viên tham gia được đánh giá cao về kỹ năng bởi Goertek, và được tuyển dụng, hưởng mức lương như kỹ sư ngay sau khi tốt nghiệp.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các chương trình đào tạo phối hợp mang tính quốc tế hóa như thế này nói chung, cũng như hiệu quả của các trường trình này tại LIC nói riêng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động?

PGS.T S Nguyễn Tiến Đông: Các chương trình đào tạo quốc tế hóa, như mô hình 1+1+1 với Trung Quốc hay hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc, mang lại hiệu quả rất tích cực. Trước hết, giúp sinh viên tiếp cận công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn làm việc quốc tế, từ đó nâng cao kỹ năng thực hành và khả năng thích nghi với môi trường sản xuất hiện đại. Ví dụ, sinh viên tham gia chương trình với Goertek đã thành thạo vận hành thiết bị tự động hóa và ứng dụng IoT, đặc biệt là hệ thống robot thị giác – Camvision, đáp ứng ngay yêu cầu của các doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh.

Đối với LIC, hiệu quả thiết thực được thể hiện qua các con số 95% sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp, với mức lương khởi điểm trung bình 9-12 triệu đồng/tháng từ các chương trình song hành.

Các doanh nghiệp như Goertek Vina, Luxshare, và ITM Semiconductor đánh giá cao chất lượng sinh viên, với mức độ hài lòng đạt 95%. Hơn nữa, các chương trình này giúp nhà trường xây dựng uy tín, trở thành cầu nối giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp quốc tế, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động tại Bắc Ninh, nơi đang phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, như sản xuất điện tử và tự động hóa.

Rào cản và những kiến  nghị

PV: Theo phương thức đào tạo  “1 + 1+ 1”, sinh viên tốt nghiệp ra trường được phía Việt Nam và Trung Quốc cấp bằng như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông: Theo mô hình đào tạo 1+1+1 với đối tác Trung Quốc, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cao đẳng chính quy của Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, do đây là chương trình đào tạo chính thức thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Bằng này có giá trị pháp lý tại Việt Nam và được công nhận bởi các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế, như Goertek Vina, nơi 95% sinh viên tham gia chương trình đã được tuyển dụng ngay sau tốt nghiệp.

Tuy nhiên, hiện tại, sinh viên không được cấp bằng chính thức từ phía trường cao đẳng đối tác tại Trung Quốc, mà chỉ nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học do trường đối tác cấp, xác nhận việc hoàn thành giai đoạn học tập tại Trung Quốc. Chứng chỉ này có giá trị bổ trợ, chứng minh năng lực chuyên môn và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, nhưng không phải là bằng cấp chính thức theo hệ thống giáo dục Trung Quốc. Chúng tôi đang làm việc với đối tác để tiến tới công nhận song bằng trong tương lai, nhưng điều này phụ thuộc vào các quy định pháp lý giữa hai nước.

PV: Sự phối hợp đào tạo và công nhận bằng cấp giữa nhà trường và các các trường đại học ở Trung Quốc nói riêng, đối tác các nước khác nói chung, theo ông hiện nay có những rào cản gì về mặt thủ tục pháp lý giữa cơ quan quản lý chuyên môn, cụ thể là Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, cũng như phía đối tác các nước?

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông: Hiện nay, việc công nhận bằng cấp giữa Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ và các đối tác quốc tế, như trường cao đẳng tại Trung Quốc hay các trường ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đã được pháp luật Việt Nam cho phép và có hướng dẫn thực hiện cụ thể, tuy nhiên còn một số vướng mắc.

Thứ nhất, về phía đối tác quốc tế, mỗi quốc gia có hệ thống pháp luật và tiêu chuẩn giáo dục riêng. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, các trường không có kiểm định cơ sở giáo dục như ở Việt Nam, nên quy định của việc liên kết hợp tác theo quy định của Việt Nam cần trường đối tác phải có chứng nhận kiểm định này sẽ không thể thực hiện được.

Ngoài ra việc cấp bằng chính thức cho sinh viên quốc tế theo mô hình 1+1+1 đòi hỏi phải tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Nhưng hiện tại, phía đối tác chỉ có thể cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học, không phải bằng cấp chính thức. Tương tự, với các trường ở Hàn Quốc và Nhật Bản, sự khác biệt về khung trình độ quốc gia khiến việc công nhận bằng cấp song phương trở nên phức tạp.

Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý của hai bên còn hạn chế. Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cần làm việc với các cơ quan giáo dục quốc tế để xây dựng cơ chế công nhận chung. Hiện tại, sự đồng bộ này chưa được triển khai hiệu quả. Điều này làm chậm tiến trình quốc tế hóa giáo dục nghề nghiệp và ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên.

PV: Ông có kiến nghị gì trong việc bổ sung, hay đưa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Đại học nhằm tạo cơ hội học tập, phát triển năng lực, kỹ năng tốt nhất cho người học?

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông: Để khắc phục các rào cản trong công nhận bằng cấp và thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục nghề nghiệp, tôi xin đề xuất một số kiến nghị để bổ sung vào Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học như sau:

Thứ nhất, cho phép các cơ sở giáo dục tự chủ trong việc công nhận kết quả học tập của các trường nước ngoài. Quy định tỷ lệ công nhận kết quả của nước ngoài trong mỗi chương trình đào tạo. Các trường có nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của nội dung và đơn vị đào tạo tại nước ngoài.

Thứ hai, tôi kiến nghị Nhà nước thúc đẩy các hiệp định song phương về giáo dục với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản, để thống nhất khung trình độ quốc gia và tiêu chuẩn công nhận văn bằng. Điều này không chỉ giúp sinh viên Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ mà còn tạo điều kiện cho hàng nghìn sinh viên khác tiếp cận cơ hội học tập và làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên hội nhập.

Cảm ơn ông!

Thu Thủy (Thực hiện)