Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab) vừa xử phạt hành chính hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, bởi các sai phạm liên quan đến tuân thủ hợp đồng, báo cáo tài chính…
Gần nhất, ngày 18/10, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàng Minh với mức phạt 130 triệu đồng.
Công tỷ này bị xử phạt do các sai phạm như: Báo cáo không đầy đủ tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật; ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đối với 2 lao động.
Đồng thời, Công ty Hoàng Minh đã không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đối với 2 lao động; đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; thanh lý hợp đồng không theo quy định của pháp luật đối với 3 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Cũng trong ngày 18/10, CTCP Đầu tư và phát triển nguồn nhân lực quốc tế Hùng Vương bị xử phạt với mức phạt 57,5 triệu đồng.
Nguyên nhân, Công ty Hùng Vương đã có lỗi vi phạm đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động trong hợp đồng đưa người lao đồng Việt Nam đi làm việc ở Macao (Trung Quốc) đối với 3 lao động.
Trước đó, hôm 11/10, CTCP Đào tạo nhân lực quốc tế T&G bị phạt 12,5 triệu đồng. Lý do, doanh nghiệp này đã không đăng tải hoặc không cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật về: danh sách nhân viên nghiệp vụ; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Đầu tháng 9, một doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực Đông Anh cũng đã bị Cục Quản lý lao động ngoài nước ban hành kết luận thanh tra và xử lý vi phạm hành chính mức 27,5 triệu đồng.
Nguyên nhân, Công ty này cũng có vi phạm là đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 1 lao động.
Đồng thời, theo kết luận thanh tra, công ty này có tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn cao, chiếm 8,5% tổng số lao động xuất cảnh.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn với lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề như: Sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ… |
Cao Tuấn