05/04/2021 10:13:34

Bộ LĐ-TB&XH: 2 phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH sẽ được chốt theo ý kiến thực tế

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, sẽ có hai phương án được đề xuất với mức tăng từ 10 – 15% tùy vào thời điểm là từ ngày 1/7/2021 hoặc 1/1/2022 cho nhiều nhóm đối tượng.

Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án, tăng 10%  từ 1/7/2021 hoặc 15% nếu tăng từ 1/1/2022. Ảnh minh họa

Việc điều chỉnh lương hưu là cần thiết, góp phần cải thiện thêm điều kiện về đời sống cho người nghỉ hưu, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề việc tăng như thế nào, tăng vào thời điểm nào. Dự kiến, sau 2 tuần lấy ý kiến, bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp ý kiến thực tế và trình Chính phủ.

Cụ thể, phương án 1 sẽ điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2021, với mức tăng dự kiến là 10% nhằm bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu cũng như trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH tính toán nếu thực hiện phương án này, số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính là 925.189 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế.

Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế chưa có phân bổ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho việc điều chỉnh. Nếu điều chỉnh Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại các nguồn kinh phí và báo cáo Quốc hội trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, năm 2021 không thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở nên việc điều chỉnh tăng lương hưu trong năm 2021 sẽ tạo tâm lý so sánh giữa người nghỉ hưu và người tiếp tục làm việc, giữa những người nghỉ trước thời điểm điều chỉnh (được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH) và sau thời điểm điều chỉnh (không được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH).

Phương án 2, điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022  với mức tăng 15%, nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát. Bên cạnh đó, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Theo phương án này, Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỉ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp trong năm 2021 thì Chính phủ sẽ xem xét để trình Quốc hội bố trí nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh và đưa vào Nghị quyết về ngân sách nhà nước năm 2022.

Cùng với đó, năm 2022, dự kiến triển khai Đề án cải cách tiền lương, do đó việc thực hiện điều chỉnh lương hưu trong năm 2022 cũng sẽ khắc phục khoảng cách về thu nhập và sự so sánh giữa người tại chức với người nghỉ hưu, giữa người nghỉ hưu trước với người nghỉ hưu sau thời điểm điều chỉnh.

Trong khi đó, nhược điểm là: Trong cả hai năm 2020 và năm 2021 Chính phủ không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH. Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH phải chờ đến năm 2022 mới được điều chỉnh sẽ tạo tâm lý chờ đợi.

Đề xuất này trong Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của Bộ LĐ-TB&XH đang thu hút nhiều ý kiến của người dân và các bộ, ngành. Theo đó, dự thảo sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng từ ngày 18/3, sau đó Bộ sẽ tổng hợp lại, chốt theo ý kiến thực tế và trình Chính phủ để chốt phương án cuối cùng.

Thúy Anh