20/06/2023 8:25:42

Bộ GD&ĐT “xóa sổ” chương trình đào tạo ĐH chất lượng cao, người trong cuộc nói gì?

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương, việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT sẽ không gây ảnh hưởng đến công tác đào tạo các chương trình chất lượng cao hiện tại, cũng như tuyển sinh và đào tạo trong những năm tới của chương trình này tại Đại học Ngoại thương nói riêng cũng như tại các trường khác.

Như người viết đã thông tin, ngày 15/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành thông tư số 11/2023, bãi bỏ thông tư số 23/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.

Với việc thông tư số 11 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2023 – các chương trình đào tạo mang tên “chất lượng cao” sẽ không còn tồn tại trong đề án tuyển sinh của các trường đại học kể từ năm sau, theo quy định mới.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bãi bỏ này nhằm thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018). Luật cho phép các trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình. Tuy nhiên, trong Luật và Thông tư số 17 năm 2021 quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học không có khái niệm “chương trình đào tạo chất lượng cao”.

Trước đó, ở Thông tư 23, quy định chương trình đào tạo đại học trong nước gồm hai loại hình là đại trà và chất lượng cao. Chương trình chất lượng cao có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà…

Người trong cuộc nói gì?

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, một số ý kiến cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo và tuyển sinh của các các trường.

Đại diện trường Đại học top đầu hiện nay, với các chương trình chất lượng cao đã được triển khai nhiều năm và có không ít thành quả – PGS, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương đã có một số chia sẻ liên quan đến vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm này.

Được biết, hiện nay tại Đại học Ngoại thương có 4 mô hình đào tạo, tương ứng với 4 chương trình, gồm: tiên tiến; chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh; định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế; tiêu chuẩn. Trong đó, trừ chương trình tiêu chuẩn, ba mô hình còn lại đều giảng dạy bằng tiếng Anh, một số dạy bằng tiếng Pháp và Nhật, đạt kiểm định quốc tế – thỏa mãn các điều kiện để tự xác định mức học phí.

Về Thông tư mới ban hành, theo PGS. TS Vũ Thị Hiền, việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018 và thực tế triển khai các chương trình chất lượng cao tại các trường đại học nói chung và Đại học Ngoại thương nói riêng.

Trước đây, Thông tư 23 được ban hành căn cứ trên Luật giáo dục đại học năm 2012, trong đó, Luật này quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng tiêu chí của chương trình, quản lý, giám sát mức thu học phí của chương trình. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không được đề cập đến nữa.

Với sự ra đời của Luật giáo dục đại học 2018, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ phát triển các loại chương trình đào tạo, trong đó có thể có cả các chương trình có tên gọi là chất lượng cao, miễn là đáp ứng các quy định chung về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, thông tư 17 quy định về học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, và các quy định khác có liên quan đến tuyển sinh, kiểm định,…

Trước câu hỏi về ảnh hưởng của Thông tư 11 đến đào tạo và tuyển sinh trong năm 2023 và những năm tới của các chương trình chất lượng cao, PGS. TS Vũ Thị Hiền khẳng định: Việc bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng đến công tác đào tạo các chương trình chất lượng cao hiện tại, cũng như tuyển sinh và đào tạo trong năm 2023 và những năm tới.

Đáng chú ý, bà Hiền cho rằng, với quy định mới, việc xây dựng và phát triển các chương trình chất lượng cao và các loại chương trình khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Từ nay, các trường đại học có thể dùng khái niệm “chất lượng cao” để đặt tên cho chương trình của mình, mà không còn bị ràng buộc bởi các điều kiện quy định trong Thông tư 23.

Và điều quan trọng là, các trường đại học phải khẳng định được chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội về những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng để tương xứng với cái tên đó.

Với trường Đại học Ngoại thương, các Chương trình chất lượng cao đã được xây dựng với chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng cao hơn so với chương trình tiêu chuẩn, và đáp ứng ở mức độ cao hơn hẳn so với các chuẩn quy định tại Thông tư 23.

Theo bà Hiền, các chương trình chất lượng cao của trường đã có sinh viên tốt nghiệp đều được thực hiện kiểm định quốc tế, và đáp ứng các các yêu cầu của một chương trình đào tạo theo quy định. Vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao và thực hiện cải tiến liên tục, kiểm định quốc tế định kỳ theo quy định.

Trước các dư luận về Thông tư số 11, tối 17/6, Bộ Giáo dục và Đào đã phát đi thông tin, trong đó đề cập, Thông tư mới ban hành không có nghĩa là các trường phải dừng triển khai “chương trình giáo dục chất lượng cao”.

Theo Bộ này, Luật Giáo dục năm 2018 không có khái niệm “chất lượng cao” nên việc bỏ các quy định liên quan là hợp lý. Tuy nhiên, việc phát triển các chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các trường đại học, miễn là đảm bảo đúng quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học xây dựng và phát triển các chương trình có chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn chuẩn chung của Bộ. Tuy nhiên, xác trường cần công khai, minh bạch thông tin, cam kết với người học về chuẩn đầu ra của những chương trình này, giải trình với các bên liên quan và xã hội.

“Việc xây dựng và thực hiện các ‘chương trình chất lượng cao’ với yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, các điều kiện cao hơn về đảm bảo chất lượng thuộc quyền tự chủ của các trường”, thông cáo của Bộ cho biết.

Tuấn Việt