26/09/2020 7:43:14

Bộ GD-ĐT: Năm 2021 thi tốt nghiệp THPT vẫn theo hình thức thi trên giấy

“Bộ GD-ĐT thống nhất về cơ bản sẽ giữ ổn định kỳ thi 2021 như năm 2020 cả về phương thức, tổ chức các bài thi, chấm thi…Không có bất kỳ thay đổi, xáo trộn nào.” – PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết.

Từ năm 2021 – 2025, Bộ GD-ĐT thống nhất về cơ bản sẽ giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020

Cụ thể, với những thành công, ưu điểm của kỳ thi năm 2020, trong giai đoạn tới, từ năm 2021 – 2025, tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ GD-ĐT thống nhất về cơ bản sẽ giữ ổn định kỳ thi như năm 2020 cả về phương thức, tổ chức các bài thi, chấm thi… Đặc biệt, ở kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020 không có bất kỳ thay đổi, xáo trộn nào.

Theo đó, Năm 2021 vẫn thi trên giấy, đồng thời cũng là năm chuẩn bị điều kiện để thử nghiệm thi trên máy tính theo lộ trình thích hợp.

Sau năm 2021, về cơ bản vẫn giữ phương thức tổ chức như năm 2020. Tuy nhiên, trong thời gian này, Bộ tích cực tập trung hai việc quan trọng: xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú hơn và chuẩn hóa hơn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng chuẩn bị để tổ chức thi trên máy tính.

Việc tổ chức thi trên máy tính phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thứ nhất là Bộ phải xây dựng và ban hành cho được quy chế thi trên máy tính. Thứ hai, phải xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm phòng máy tính, đường truyền, thiết bị giám sát, phần mềm thi trên máy, đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành việc thi trên máy.

Ngoài ra, cần trang bị cho các em kỹ năng sử dụng, thao tác phần mềm thi trên máy tính, làm sao để khi đi vào thực tiễn các em phải có sự sẵn sang, không bỡ ngỡ.

Đó là các vấn đề rất quan trọng để có thể tổ chức thi trên máy tính. Chuẩn bị các điều kiện nhưng phải tiến hành thử nghiệm rồi mới mở rộng dần thi trên máy tính với những địa phương đủ điều kiện cơ bản. Nơi nào chưa đủ điều kiện, chưa sẵn sàng thì vẫn thi trên giấy như hiện nay.

Đặc biệt, dù ở phương thức thi nào, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo sự trung thực và độ tương đồng, công bằng giữa hai hình thức thi, bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Dự kiến, việc thi trên máy tính sẽ do các trung tâm khảo thí đảm nhận. Các trung tâm khảo thí này có thể trực thuộc đại học, Sở GD-ĐT hoặc của các cá nhân trong xã hội. Việc vận hành, quản lý, giám sát sẽ dựa vào Quy chế thi trên máy tính do Bộ GD-ĐT ban hành.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết ở những kỳ thi tiếp theo Bộ sẽ tiếp tục ra đề thi thống nhất trên cả nước, các địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh GDTX.

Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định.Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục sử dụng các phương thức: tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ GD&ĐT công nhận hoặc do các tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá… và kết hợp giữa các phương thức trên.

Thúy Anh (Tổng hợp)