13/04/2025 6:23:17

AP2- khẳng định chất lượng đào tạo toàn diện, chuẩn quốc tế tại BCi

Trong màu áo trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh (BCi), những sinh viên năm cuối nghề Cắt gọt kim loại (CGKL) và Điện tử Công nghiệp CĐ K13 sau khi hoàn thành tốt nghiệp phần thi AP1, đã chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp AP2 kết thúc quá trình học tập với thời gian 2.5 năm.  

Kỳ thi đánh giá năng lực toàn diện, khẳng định công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao định hướng theo tiêu chuẩn CHLB Đức của nhà trường trong những năm qua.

Đào tạo nghề xanh – Nhân lực xanh chuẩn quốc tế

Sau sự thành công liên tiếp chương trình đào tạo nghề Cắt gọt Kim loại ( kể từ năm 2021 đến nay), kỳ thi AP2 năm nay bên cạnh sự góp mặt của 26 sinh viên nghề CGKL Cao đẳng khóa 13, còn có sự tham gia lần đầu tiên của nghề Điện tử Công nghiệp Cao đẳng khóa 13 với sự tham gia của 28 sinh viên.

Thí sinh nghề Điện tử Công nghiệp thực hiện bài thi thực hành AP2

Tại Trung tâm công nghệ Công nghệ cao BCi, với hệ thống trang thiết bị, máy móc tiên tiến hiện đại chuẩn quốc tế- một mô hình đào tạo xanh, không ô nhiễm tiếng ồn, không khói bụi, dầu máy, đảm bảo chuẩn quy tắc 5S…  Như một nhà máy thông minh thu nhỏ, với  những máy phay, tiện, CNC tính năng số hóa, tự động hóa…ứng dụng trong đào tạo nghề CGKL, Điện tử Công nghiệp, Cơ điện Tử… mang đến sức sống mới cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội công nghệ toàn cầu.

Ban Giám hiệu BCi kiểm tra đánh giá sản phẩm thực hành của thí sinh nghề CGKL

Thầy Nguyễn Văn Hưng, Trưởng khoa Công nghệ Cơ khí, đồng thời là giảng viên trực tiếp đào tạo các thế hệ sinh viên nghề CGKL cho biết: “ Công nghệ ở doanh nghiệp thay đổi liên tục, nhà trường cũng luôn bắt nhịp và chủ động thường xuyên kết nối với các doanh nghiệp mới, nhằm cập nhật công nghệ, thường xuyên đưa sinh viên tới các doanh nghiệp thực học, thực hành. Nhờ có điều kiện học và thực hành trên nền tảng thiết bị hiện đại của nhà trường, cùng với trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, các em sinh viên nghề CGKL đã hình thành kỹ năng nhanh chóng, có thể tham gia ngay vào  vị trí việc làm liên quan đến nội dung đã được đào tạo”.

Mô hình đào tạo nghề xanh- nhân lực xanh tại BCi

Sinh viên Nguyễn Anh Dũng –  Lớp trưởng CGKL CĐ K13 và các bạn tham dự AP2 cùng thực hiện phần thi lý thuyết chung liên quan đến chuyên ngành chung và lý thuyết riêng về Phay và Tiện. Phần thực hành, sinh viên làm bài thực hành vận hành máy tiện CNC để thực hiện làm sản phẩm thi. Khá tự tin với các phần thi của mình,  sinh viên Dũng cho biết: “ Trước đây em từng nghĩ học nghề CGLK vất vả, nhưng khi được học tại BCi trên nền tảng máy móc số hóa, được thực tập ở các doanh nghiệp lớn như: INNOTEK, SYMKOS, HITACHI ENERGY, em và các bạn trong lớp đã lĩnh hội và cập nhật được các kiến thức, kỹ năng, cũng như hình thành tác phong làm việc trong môi trường doanh nghiệp.

Hiện tại em đang trong quá trình tìm kiếm những doanh nghiệp phù hợp ứng tuyển vào vị trí việc làm đúng chuyên môn. Khi chính thức bước vào thị trường lao động, cũng chính là đòi hỏi bản thân phải nỗ lực, không ngừng học hỏi từ những chuyên gia, kỹ sư tại doanh nghiệp để phát triển năng lực ngày càng tốt hơn và sẽ thành công với nghề đã chọn”.

Sinh viên Nguyễn Anh Dũng- Lớp trưởng CGKL CĐ K13 khá tự tin với các phần thi AP2 cũng như bước vào thị trường lao động sắp tới

Bổ sung mô- đun vi mạch bán dẫn, “bắt mạch” với nhu cầu doanh nghiệp

Chương trình đào tạo nghề chất lượng cao định hướng theo tiêu chuẩn CHLB Đức, BCi và các doanh nghiệp đồng hành cùng cập nhật công nghệ, cũng như nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực ở các vị trí việc làm.Từ đó linh hoạt đào tạo, bổ sung mô- đun đào tạo, trong đó có nghề Điện tử Công nghiệp và một số nghề trọng điểm đang được đào tạo tại trường.

Đối với nghề Điện tử Công nghiệp CĐ K13 – đây là khóa đầu tiên BCi triển khai áp dụng chuẩn tiêu chí theo chương trình CHLB Đức. Sinh viên khá hào hứng với chương trình đào tạo này,  bởi thời lượng thực hành chiếm tới 70%, các quy trình thực hiện kỹ năng bài bản, chuẩn ngay từ đầu và sát với thực tế, sát với các quy trình doanh nghiệp đang thực hiện.

Sinh viên Võ Hoàng Giang, lớp Điện tử Công nghiệp CĐ K13 bày tỏ:  “ Chúng em được học nghề theo định hướng CHLB Đức có nhiều lợi thế, được tăng cường trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp. Trong 2.5 năm học nghề, đã có 2 đợt trải nghiệm thực học, thực hành tại doanh nghiệp. Mỗi đợt từ 3- 4 tháng cho thấy trình độ chuyên môn được nâng lên rất nhiều ở các lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử , các kỹ năng liên quan đến vi mạch bán dẫn, lắp đặt vận hành dây chuyền sản xuất tự động hóa…”

Sinh viên Võ Hoàng Giang trong phần lập trình bài thi nghề Điện tử Công nghiệp

Nói về việc bổ sung thêm mô- đun đào tạo ở nghề Điện tử Công nghiệp, thầy Trần Trung Hậu, Trưởng khoa Điện- Điện tử cho biết: Chương trình định hướng chuẩn CHLB Đức là 10 mô- đun, nhà trường bổ sung thêm mô – đun thứ 11, nội dung chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch điện tử bán dẫn. Nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn hiện nay đang được các doanh nghiệp FDI tại KCN Bắc Ninh, Bắc Giang quan tâm và có nhu cầu tuyển dụng lớn. Chính vì thế, việc bổ sung mô- đun điện tử vi mạch bán dẫn ở nghề Điện tử Công nghiệp, cùng một số ngành nghề khác đã và đang mở thêm cơ hội vị trí việc làm cho sinh viên, giúp sinh viên sẵn sàng thích ứng với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Nghề Điện tử Công nghiệp được bổ sung mô- đun vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Mỗi đợt trải nghiệm, nhà trường cử giảng viên cùng đi theo sinh viên vừa học hỏi công nghệ, vừa giám sát sinh viên học tập, đồng thời bổ sung các nội dung đào tạo cho phù hợp với doanh nghiệp. Các công ty lớn như LG, Luxshare là nơi sinh viên BCi được thực học, thực hành và có sự tiến bộ nhanh chóng về kỹ năng nghề nghiệp. Thầy Hậu nhấn mạnh.

Giảng viên doanh nghiệp cùng giám sát, kiểm tra, đánh giá tốt nghiệp

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao định hướng theo tiêu chuẩn CHLB Đức ở nghề CGKL và Điện tử Công nghiệp, với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, BCi là cầu nối người học đến với doanh nghiệp và các doanh nghiệp là nền tảng vững chắc cho sinh viên phát triển kỹ năng sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Từ mục tiêu đó, người thầy của doanh nghiệp không chỉ giám sát, hướng dẫn sinh viên khi thực hành tại doanh nghiệp mà còn tham gia vào quá trình ra đề thi, kiểm tra, đánh giá tốt nghiệp ở cả 2 học phần: AP1 và AP2.

Giảng viên BCi và doanh nghiệp luôn gắn kết đồng hành đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Giảng viên Nguyễn Duy Tuyến (Công ty Hitachi Energy) kiểm tra thí sinh ngành CGKL đánh giá: “ Từ ghế nhà trường đến doanh nghiệp là cả quy trình đào tạo bài bản, BCi là môi trường tuyệt vời giúp các em sinh viên nghề CGKL có được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp bài bản. Đặc biệt là tuân thủ về an toàn lao động, có thái độ cầu thị trong học tập, luôn trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, các kỹ năng trong xử lý, vận hành máy móc công nghệ để làm ra được các sản phẩm hoàn hảo khá thuần thục.

Kết thúc khóa học với thời gian 2.5 năm, hầu hết sinh viên CGKL theo tiêu chuẩn CHLB Đức đều nắm vững kiến thức, vận dụng tốt kỹ năng nghề nghiệp trong thực tế đời sống sản xuất tại doanh nghiệp. Sinh viên BCi là những kỹ sư thực hành, có vai trò nòng cốt trong các vị trí việc làm quan trọng tại doanh nghiệp”.

Sinh viên CGKL và Điện tử Công nghiệp cùng Ban lãnh đạo BCi trong ngày khai mạc thi tốt nghiệp AP2

Còn giảng viên Hồ Thế Hùng (Công ty Sunwoo) đánh giá: “ BCi đã trang bị cho các em sinh viên các kỹ năng cơ bản, khi đến doanh nghiệp được tiếp cận các dòng máy khác biệt hơn hẳn ở trường, cũng hiện đại với tính năng thông minh hơn… Nhưng với sự cần mẫn, chăm chỉ và đặc biệt tập trung lắng nghe giảng viên doanh nghiệp chỉ dẫn, các em đã bắt nhịp nhanh chóng về các kỹ năng vận hành máy và gá máy trong sản xuất. Công ty Sunwoo đánh giá cao kỹ năng nghề nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp của sinh viên BCi, doanh nghiệp luôn có mong muốn hợp tác lâu dài với nhà trường, tạo cơ hội cho các bạn trẻ có môi trường làm việc thân thiện, phát huy tối đa khả năng của mình tại doanh nghiệp”.

 

Giảng viên doanh nghiệp tham gia giám sát thí sinh tốt nghiệp AP2 nghề CGKL

Chương trình đào tạo phối hợp 2,5 năm và kỳ thi tốt nghiệp được thực hiện với sự hợp tác giữa trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh và khối doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chương trình đào tạo gồm 10 mô- đun chuyên môn được hiệu chỉnh từ Chương trình đào tạo đã được Phòng Thủ công nghiệp Erfurt/ CHLB Đức công nhận tương đương với Quy định Đức về Giáo dục nghề nghiệp và Chương trình khung nghề CGKL tại Đức ( tên nghề bằng tiếng Đức: Zerspannungsmechaniker/-in) cho phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp địa phương và điều kiện triển khai tại Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh.

Sinh viên tốt nghiệp nghề CGKL và Điện tử Công nghiệp sẽ được công nhận và cấp chứng chỉ tương đương tiêu chuẩn thi tại Đức

Quy trình thi tốt nghiệp được áp dụng theo định hướng quy trình thi đã được Phòng Thủ Công nghiệp Erfurt/ CHLB Đức công nhận tương đương tiêu chuẩn thi tại Đức.

Khóa đào tạo phối hợp được hỗ trợ bởi Chương trình “ Đổi mới Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam”. Chương trình do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức ( BMZ) ủy thác Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp thực hiện.

Minh Thủy