Trong hành trình trở thành quốc gia số, ngành an ninh mạng Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành ngành công nghiệp trị giá tỷ USD.
Hình thành ngành công nghiệp mới
Bkav là công ty an ninh mạng hàng đầu của Việt Nam, nhưng mới đây, Bkav không chỉ nhìn vào mảng phần mềm diệt virus với doanh thu 200-300 tỷ đồng/năm, mà còn mở rộng nghiên cứu sản xuất, tiến tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav khẳng định, chắc chắn an ninh mạng sẽ là ngành công nghiệp tỷ USD. Trong đó, riêng công ty sản xuất, xuất khẩu camera an ninh, camera AI đặt mục tiêu sẽ trở thành công ty tỷ USD trong 5 năm tới.
Bkav chỉ là một trong nhiều công ty công nghệ nhanh nhạy nắm bắt cơ hội của cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Đề án Chuyển đổi số quốc gia đã được phê duyệt, hình thành chính phủ số, chính quyền số, xã hội số, thì an ninh, an toàn bảo mật trên nền tảng số là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ “phát triển và làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam phục vụ chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia” cũng là một trong những nhiệm vụ mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được Chính phủ giao, theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
“Muốn làm tốt việc này thì chúng ta phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn an ninh mạng. Phải xây dựng một nền công nghiệp an toàn an ninh mạng hùng mạnh”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 với chủ đề “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam – yếu tố then chốt trong chuyển đổi số quốc gia”, tổ chức cuối tuần qua.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ xác định việc tự chủ công nghệ, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn, an ninh mạng là giải pháp căn cơ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
“Phát triển hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng chính là tiền đề phát triển nền công nghiệp an ninh mạng Việt Nam. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp đều có ít nhất một doanh nghiệp, tổ chức an toàn an minh mạng chuyên nghiệp trong nước để bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho mình”, ông Phúc nói.
Ngành công nghiệp an toàn an ninh mạng đứng trước cơ hội lớn khi Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy trở thành một ngành công nghiệp mới. Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp an toàn an ninh mạng; xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quyết định về mua sắm máy móc, thiết bị bảo đảm an toàn thông tin để thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn an ninh mạng trong nước.
Theo ông Ngô Quốc Vinh, chuyên gia bảo mật của Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS), hiện mức đầu tư cho an toàn thông tin của Việt Nam khá thấp, chỉ chiếm 0,04% GDP, trong khi con số trung bình của thế giới là 0,13%, trung bình của ASEAN là 0,06% GDP.
“Nếu tăng mức đầu tư của an toàn thông tin lên 10% tổng mức đầu tư cho công nghệ thông tin, hoặc tăng đầu tư 0,1% GDP cho an toàn thông tin của khối Chính phủ và đầu tư của 800.000 doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi số vào an toàn bảo mật, thì quy mô thị trường của ngành công nghiệp này có thể lên đến hàng tỷ USD”, ông Vinh nói.
Mấu chốt là yếu tố nhân lực
Để nắm bắt cơ hội ngành công nghiệp tỷ USD này, hiện tại sự sẵn sàng về tài chính, sự ủng hộ về chính sách đã rõ ràng, nhưng vấn đề lớn là nguồn nhân lực thì còn yếu và thiếu.
Theo Khảo sát “Niềm tin kỹ thuật số 2021 – Digital Trust Insights 2021”, do PwC thực hiện mới đây, PwC dự báo có tới 3,5 triệu việc làm liên quan tới an ninh mạng vào năm 2021, mà hiện Việt Nam chỉ có chừng 500.000 người, thiếu tới 3 triệu người. Trăn trở lớn nhất đối với toàn ngành an ninh mạng là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng. Có tới 51% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch tuyển dụng nhân sự toàn thời gian cho an ninh mạng trong năm sau, với hơn 22% dự kiến gia tăng nhân sự từ 5% trở lên.
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), thiếu hụt nguồn nhân lực là thách thức từ lâu đối với ngành đảm bảo an toàn an ninh mạng. Chưa kể, chúng ta còn có nguy cơ bị chảy máu chất xám ra các nước phát triển hơn.
Để giải bài toán này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng làm nòng cốt.
“Riêng về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng thì chuyên gia giỏi và nền công nghiệp là quan trọng ngang nhau. Ngoài công cụ thì còn cần các cá nhân xuất sắc, vì công cụ chỉ xử lý được những lỗ hổng đã biết, những lỗ hổng chưa biết thì chỉ có chuyên gia mới xử lý được. Thí dụ như khi tin tặc tung ra một loại virus mới thì công cụ đã có không xử lý được, chỉ có chuyên gia giỏi mới nghĩ ra được vắc-xin để xử lý. Nước nào ít người giỏi, ra vắc-xin chậm thì sẽ gặp nguy hiểm. Đội ngũ này nằm ở các doanh nghiệp là chính”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo baodautu.vn