Theo luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, khi dự án chưa thực hiện xong thủ tục giải phóng mặt bằng mà Cty xây dựng công trình Hoàng Hà đã huy động vốn, thì dù dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm pháp luật.
Hàng loạt dấu hiệu vi phạm
Như Nghề nghiệp & Cuộc sống Online thông tin trước đó, vợ chồng bà Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Hải Lăng, trú tại quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã làm đơn tố Cty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà (Cty Hoàng Hà) và cá nhân ông Hoàng Văn Lâm – Tổng Giám Đốc doanh nghiệp này.
Theo đó, tháng 12/2021, vợ chồng bà Hạnh có ký hợp đồng hợp tác số 95/HĐHTĐT-2021 mua 2 ô đất Nhà ở hình thành trong tương lai ô số 05, ô số 06 – NO 3.8 của Dự án Đại Kim – Định Công với tổng số tiền là 22.425.000.000 (Hai mươi hai tỷ bốn trăm hai mươi lăm triệu đồng chẵn).
Sau đó, người mua đã thanh toán số tiền 12.675.000.000 cho Cty Hoàng Hà. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ khu đất thực hiện dự án vẫn chưa được triển khai, giải phóng mặt bằng như tiến độ cam kết.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hạnh cho biết, đến thời điểm này (2023), vẫn còn 34 hộ dân chưa di dời nhưng Chủ Dự án là Cty Hoàng Hà đã bán từ 2003. Như vậy, Công ty Hoàng Hà đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi chưa làm đường, chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa làm cơ sở hạ tầng, chưa làm móng, chưa có văn bản chấp thuận của Sở Xây Dựng thành phố Hà Nội đã bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tiến sĩ luật Nguyễn Thị Hằng Nga, Cty Luật Hoàng Hải Anh & Cộng sự nhận định, nếu các thông tin vụ việc là chính xác thì có thể khẳng định rằng Chủ đầu tư đã huy động vốn trái quy định của pháp luật.
Đối với các dự án nhà ở, thì chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai khi thoả mãn hàng loạt các điều kiện. Cụ thể: (i) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó; (ii) đã có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có dự án về việc nghiệm thu móng và có văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc đủ điều kiện huy động vốn.
Khi đất chưa thực hiện xong thủ tục giải phóng mặt bằng mà đã huy động vốn thì dù dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm pháp luật.
Theo quy định của Điều 179 Luật Nhà ở, thì hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc tố Cty Hoàng Hà huy động vốn trái phép, vợ chồng bà Hạnh, ông Lăng còn cho rằng, hành vi của doanh nghiệp này và cá nhân ông Hoàng Văn Lâm – Tổng giám đốc còn có nhiều dấu hiệu khác. Điển hình như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Bán đất trong hợp đồng chênh lệch với giá thực tế; Nhận quyền sử dụng đất không qua đấu giá…
Vợ chồng bà Hạnh cho biết, sau hơn 1 năm thấy dự án bất động, mới phát hiện ra sự thật rằng, người dân vẫn đang sinh sống, chưa được đền bù thì quyền sở hữu. Do vậy, ông Lâm và Cty Hoàng Hà đã bán những ô đất không thuộc quyền sở hữu của mình.
Cũng theo người tố cáo, Cty Hoàng Hà đã không sử dụng tiền nhà đầu tư để xây dựng, phát triển dự án. Toàn bộ số tiền thu được từ hợp đồng hợp tác, ông Hoàng Văn Lâm đã mang đi trả nợ. Điều này được thể hiện rõ trong Báo cáo tài chính năm 2021. “Ông Lâm đã dùng tiền thu từ đi vay (thực chất là tiền thu từ các Hợp đồng hợp tác đầu tư số tiền là: 206.792.822.861 đồng, sau đó lấy tiền này để trả nợ 199.810.193.900đ. Hành vi dùng tiền sai mục đích của ông Lâm đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, vợ chồng bà Hạnh tố cáo.
Nhận định về việc này, Luật sư Nga cho rằng, về trách nhiệm hình sự: Nếu người nào có hành vi sử dụng các thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật và tự nguyện chuyển giao tài sản, rồi chiếm đoạt tài sản thì đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Điều 174 BLHS và khung hình phạt cao nhất là chung thân (giá trị lừa đảo chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên).
Nếu có hành vi để có được tài sản thông qua hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Điều 175 BLHS và khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù (giá trị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên).
Lùm xùm như quanh dự án
Không chỉ các hành vi vi phạm của chủ đầu tư bị tố cáo, liên quan tới dự án Đại Kim – Định Công mở rộng, các nhà đầu tư đang tiếp tục đặt nhiều câu hỏi xung quanh dự án.
Đó là việc, Cty Hoàng Hà nhận làm đoạn đường Đầm Hồng – Giải Phóng (hơn 2km) để đổi đất của dự án Đại Kim – Định Công mở rộng. Tuy vậy, dự án làm đường này không được đấu thầu. Vì vậy, nhà đầu tư cho rằng, đã có sự thông đồng giữa Hoàng Hà và các đơn vị liên quan bỏ qua đấu thầu khiến cho giá làm đường bị đẩy lên quá cao. Vì đoạn đường chỉ có hơn 2km nhưng số tiền định giá đầu tư lên tới 1,3 nghìn tỷ đồng. Theo quy định, với những dự án trị giá trên 1000 tỷ đồng bắt buộc phải tổ chức đấu thầu.
Tiếp đến, khi đổi đường lấy đất thì lại không đấu giá Quyền sử dụng đất dẫn đến giá trị Quyền sử dụng đất được tính theo khung giá Nhà nước thấp hơn thị trường rất nhiều lần, sau đó còn xin giảm hệ số thấp hơn cả khung giá Nhà nước. Trong khí giá đền bù chỉ là 177 nghìn đồng/m2, thì chủ dự án đem bán lại cho các nhà đầu tư với giá 115 triệu đồng/m2 (gấp 650 lần).
Trên thực tế, số tiền 115 triệu đồng/m2 là số tiền nhà đầu tư phải trả cho Cty Hoàng Hà. Tuy nhiên, trong hợp đồng cũng như trên phiếu thu chỉ thể hiện giá đất là 100 triệu đồng/m2. Như vậy, mỗi m2 đất, Cty Hoàng Hà thu chênh lệch 15 triệu đồng. Nếu tính tổng thể số tiền thu chênh lệch từ tất cả các nhà đầu tư thì đây là con số khổng lồ.
Tính đến nay, tròn 20 năm, dự án Đại Kim – Định Công mở rộng vẫn thực sự là một dự án bất động cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Dự án được phê duyệt từ năm 2003, nhưng hiện nay vẫn trong tình trạng bỏ hoang, gây thiệt hại nghiêm trọng, lãng phí, thất thoát tài nguyên của Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, UBND Thành Phố Hà Nội cần khẩn trương thu hồi để đấu giá công khai minh bạch lựa chọn nhà đầu tư có năng lực phù hợp tiếp tục thực hiện triển khai dự án.
Trong khi đó, các hộ dân sinh sống tại dự án cho biết, họ sẵn sàng di dời, bàn giao mặt bằng theo quy định. Nhưng chưa hiểu vì sao, cho đến nay, chủ dự án vẫn chưa làm việc, thống nhất với người dân có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án!?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…
Thu Quỳnh