Trong dịch Covid-19, khi nhiều học sinh, sinh viên tham gia thiện nguyện để giúp đỡ mọi người thì những bạn trẻ này lại có những cách tham gia chống dịch rất thông minh và hữu hiệu.
Từ máy sát khẩu tự động giá sinh viên đến “board game” chống dịch
Nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng với máy sát khuẩn tự động. Ảnh: NVCC
Năm ngoái, một nhóm sinh viên của Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng quyết định đẩy mạnh quá trình ứng phó với Covid-19 bằng cách sản xuất máy sát khuẩn tay tự động giá rẻ cho bệnh viện tại địa phương. Ấn tượng bởi thiết kế giá thành thấp của sinh viên, Sở Y tế Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng đã đặt tổng cộng 65 máy sát khuẩn đặt tại các bệnh viện và khu vực kiểm soát Covid-19 ngoài trời của thành phố. Sau đó, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã hỗ trợ tài chính để nhóm sản xuất thêm 12 máy, lắp đặt tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn trường.
Tận dụng thời gian học online tại nhà hồi năm 2020, Võ Đức Minh – sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Nguyễn Anh Kiệt – sinh viên ĐH Cần Thơ – đã sáng tạo bộ trò chơi “board game” (trò chơi dạng thẻ bài cho giới trẻ) tên Korona Board Game.
Dựa trên bộ bài 54 lá được thiết kế tượng trưng cho một số loại virus, dịch bệnh và cách phòng chống. Trò chơi này truyền đi thông điệp “cẩn trọng trước đại dịch”. Hiện đã có hơn 300 bộ sản phẩm được bán ra thông qua các nền tảng thương mại điện tử, nhà sách.
Võ Đức Minh và Nguyễn Anh Kiệt với dự án Korona Board Game – Ảnh: M.V
Ý tưởng độc đáo và hợp xu thế này giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – CiC 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Được rót vốn 15.000 USD và mang về những kinh nghiệm, các mối quan hệ sau cuộc thi, nhóm đang dùng những nguồn lực này để chuẩn bị cho “trận đánh lớn” tiếp theo.
Dự án về sức khoẻ tinh thần của nhóm học sinh cấp 3
4 học sinh TP.HCM vừa triển khai dự án về sức khoẻ thể chất và tinh thần với mong muốn sẽ “thắp sáng” được giai đoạn trưởng thành của mỗi người trẻ về mặt sức khỏe.
Hiện, dự án đang diễn ra dưới hình thức các bài viết, video đăng tải trên fanpage để phù hợp tình hình giãn cách xã hội. Các bài viết đề cập những chủ đề đơn giản, nhưng nhiều học trò chưa biết, như cách chọn dung dịch vệ sinh cho nam và nữ đúng cách, đúng lứa tuổi. Các bạn trẻ cũng đưa ra những chủ đề thời sự hiện nay như xử lý làm sao khi bỗng dưng bị tung ảnh nóng trên mạng xã hội; thế nào là quan hệ tình dục an toàn…
Nguyễn Hiền Trang, Nguyễn Võ Anh Thư (Trường THPT Nam Sài Gòn, Q.7); Nguyễn Ngọc Bình Minh, Phạm Minh Quyên (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3) là những thành viên đầu tiên của dự án.
Không chỉ tìm thông tin khoa học từ các nguồn tài liệu tin cậy, thể hiện nó dưới dạng chữ, hình ảnh, video đơn giản, dễ hiểu, các thành viên dự án cũng chủ động tìm gặp những học sinh từng gặp vấn đề về thể chất, tinh thần. Sau đó nhóm thực hiện các video từ lời kể của các nhân vật, họ đã vượt qua khó khăn ra sao để tăng sự gần gũi.
Nguyễn Diệu Linh (lớp 12, Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội) từng bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). “Em từng rửa tay kỹ đến nỗi đỏ ửng, vì một vài sai lệch nhỏ mà bất an, lo lắng, cáu kỉnh… Bây giờ, khi biết chấp nhận những sai sót như một phần của cuộc sống, em tham gia dự án này để mong hỗ trợ được nhiều bạn trẻ gặp vấn đề tương tự”, Linh kể.
Năm học mới sắp bắt đầu, nhóm đang chuẩn bị chủ đề “Back to School”, tư vấn cho các bạn cùng trang lứa cách cân bằng giữa học tập và giấc ngủ, giải tỏa áp lực học tập, nhất là trong bối cảnh phải học trực tuyến.
PV