Nhiều gia đình có nạn nhân được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, được nhận tiền trợ cấp của Nhà nước cũng như của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước.
Tóm tắt: Bài viết dựa trên nghiên cứu “Mạng lưới xã hội trong việc hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin (Qua khảo sát tại huyện Hoà Vang – TP Đà Nẵng)”. Nghiên cứu được tiến hành điều tra 150 mẫu đại diện, tương ứng với 150 người là nạn nhân hoặc là thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam trên địa bàn xã Hòa Nhơn huyện Hoà Vang – TP Đà Nẵng. Có 8 phỏng vấn sâu đại diện của nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, 6 cuộc phỏng vấn bán cấu trúc đại diện của Hội nạn nhân chất độc màu da cam, 3 cuộc thảo luận nhóm tập trung (trong đó, có 2 cuộc thảo luận dành cho đối tượng là nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam và 1 cuộc thảo luận dành cho đối tượng là chính quyền địa phương).
Hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam đối với nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin
Là một tổ chức xã hội mới thành lập, bước đầu Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng đã thu được những kết quả đáng kích lệ trong việc giúp những mảnh đời đang còn gặp nhiều khó khăn, đau khổ và sóng gió. Việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân đã được triển khai thường xuyên liên tục, đặc biệt tập trung vào các dịp lễ, tết, ngày thương binh liệt sĩ 27/7 và ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8 hàng năm.
Tổ chức trợ dưỡng thường xuyên cho 900 nạn nhân của các Nhà tài trợ cá nhân và tổ chức doanh nghiệp với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng (trong đó 20 cháu nhận trợ dưỡng suốt đời và 300 nhận trợ dưỡng thường xuyên 5 năm). Hội cũng đã tổ chức tặng quà và tiền mặt cho 5.000 lượt nạn nhân chất độc da cam/dioxin vào các dịp lễ Tết, ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Tết trung thu… với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Xây mới và sửa chữa gần 80 ngôi nhà tình thương cho gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 1 tỉ đồng, đồng thời Hội cũng hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho gần 4.000 trẻ khuyết tật và trẻ em bị phơi nhiễm chất độc dioxin với 800 triệu đồng, phục hồi chỉnh hình phẫu thuật cho 2 cháu tại Trung tâm và vận động tiền để đưa 1 cháu đi chữa bệnh tại Liên bang Đức, với số tiền gần 500 triệu đồng. Trợ cấp đột xuất cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền gần 500 triệu đồng và trợ cấp học bổng hằng năm cho gần 40 cháu nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Ngoài ra Hội còn giúp đỡ dụng cụ trang thiết bị , xe lăn, xe lắc, phẫu thuật các chỉnh hình và các hiện vật khác như: giường, nệm nước, ghế… cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Hội còn ký hợp tác với các tổ chức từ thiện nước ngoài theo từng dự án: như dự án tổ chức từ thiện Pháp hỗ trợ vốn để sản xuất chăn nuôi bò và heo cho 300 gia đình NNCĐ da cam có hoàn cảnh khó khăn ở Hoà Vang với số tiền 500 triệu đồng. Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) hỗ trợ trang thiết bị tạo nghề, phục hồi chức năng… tại Trung tâm với số tiền gần 600 triệu đồng. Dự án tổ chức của Ford Foudation tài trợ cho quận Hải Châu gần 4 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra các tổ chức và cá nhân nhiều nước như Pháp, Canada, Úc, New Zealand, Mỹ…
Hàng năm Hội nhận nuôi dưỡng gần 100 cháu nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh. Nguồn kinh phí hoạt động do Hội vận động tự trang trải, suốt 4 năm qua đã duy trì tốt các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, dạy nghề, sinh hoạt vui chơi và phục hồi chức năng cho các cháu nạn nhân chất độc da cam.
Suốt 5 năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng đã quan hệ rộng rãi với các tổ chức chính trị, từ thiện xã hội của nhiều nước, tiếp đón và làm việc với hơn 400 tổ chức, cá nhân nước ngoài đến thăm tìm hiểu về nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, từ Thủ Tướng Brian Cowen của Ireland , tổ chức Chữ Thập Xanh, Thụy Sĩ, Tàu Hoà Bình Nhật Bản…v.v
Tổng số tiền Quỹ vận động mà Hội đã tích luỹ được trong 5 năm qua để giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam lên tới 25 tỷ đồng, cụ thể: Từ các nhà hảo tâm, tổ chức, công ty xí nghiệp trong nước là 10 tỷ đồng, từ các tổ chức quốc tế thông qua các dự án ước tính 9 tỷ đồng, nhà tình thương, hỗ trợ sản xuất xoá nghèo 2 tỷ đồng, tặng quà, thiết bị, học bổng, khám bệnh miễn phí 4 tỷ đồng.
Hội còn phối hợp hành động được coi là biện pháp quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, điển hình như: Hội đã phối hợp với Sở Ngoại vụ và Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị, Sở GD – ĐT, Sở Y tế, Hội LHPN thành phố và các Công ty, xí nghiệp, các nhà doanh nghiệp, các Hội từ thiện, Hội phụ nữ và Hội bảo trợ phụ nữ nghèo và trẻ em bất hạnh, Công ty bảo hiểm nhân thọ để vận động chăm sóc giúp đỡ nạn nhân.
Đặc biệt Hội còn tổ chức lập trang Web chuyên ngành để truyền tải nhiều tin bài, các hoạt động của Hội ở địa phương và từng năm Hội còn tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ trực tuyến trên Trung tâm Truyền hình Đà Nẵng, các cuộc triển lãm tranh ảnh nghệ thuật tại Trung tâm Nhà văn hoá thành phố đã thu hút được dư luận trong và ngoài nước quan tâm nhiều đến các hoạt động của Hội về việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân.
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy để các nhà tài trợ và các tổ chức nước ngoài đến thăm giao lưu và tìm hiểu, cũng như có nhiều cơ hội để tạo nguồn giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam. Việc làm này đã được lãnh đạo Bộ Lao động thương binh xã hội, Trung ương Hội, Sở Lao động thương binh xã hội TP. Đà Nẵng cùng các tổ chức quốc tế khi đến thăm Trung tâm đánh giá cao và nhân rộng mô hình hoạt động cho các tỉnh thành khác.
Hoạt động của Chính quyền địa phương và một số tổ chức khác đối với nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin
Kết quả điều tra cho thấy, trung bình có gần 70% trong tổng số 150 người trả lời nhận định đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, đa phần những sự hỗ trợ mà họ nhận được là được vay vốn, hỗ trợ về thuốc men, tiền trợ cấp, hỗ trợ giống và nhân công, tặng quà sách vở, quần áo. Cụ thể như sau:
Bảng 1. Sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội đối với nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam
STT | Khoản hỗ trợ | Tỷ lệ được nhận sự hỗ trợ (%) |
1 | Được vay vốn | 56,0 |
2 | Hỗ trợ vốn, công cụ, nhân công | 59,0 |
3 | Hỗ trợ kiến thức, kĩ thuật | 40,0 |
4 | Miễn giảm các loại thuế | 80,0 |
5 | Miễn giảm học phí | 89,0 |
6 | Hỗ trợ thuốc men, khám chữa bệnh | 70,0 |
7 | Tặng qùa, sách vở, quần áo | 96,0 |
8 | Thăm hỏi, động viên, chia sẻ tinh thần | 80,0 |
9 | Tiền trợ cấp | 56,0 |
Trung bình | 69,5 |
Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra
Hiện nay, đời sống của các nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đều gặp rất nhiều những khó khăn, theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương thì hiện tại Hoà Nhơn có trên 13.000 nghìn dân, chủ yếu sống bằng nghề nông, trên địa bàn xã có tới 228 đối tượng bị nhiễm chất độc da cam và trên 400 đối tượng nghi nhiễm, để tạo điều kiện phát triển tốt cho các nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, chính quyền địa phương luôn luôn quan tâm, động viên thăm hỏi, chia và có những chính sách hợp lý đến từng hộ gia đình. Hiện tại chính quyền địa phương đang áp dụng các mức hưởng chế độ ưu đãi khác nhau cho từng đối tượng trên địa bàn như: 160.000/tháng, 180.000/tháng, 210.000/tháng, 240.000/tháng…
Thông qua điều tra và kết quả nghiên cứu, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định về sự giúp đỡ của các tổ chức đối với nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Anh em, họ hàng hay bà con thân tộc, Chính quyền địa phương và các Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ… là những tổ chức có đóng góp đáng kể trong sự giúp đỡ đời sống nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Bảng 2. Sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội đối với đời sống nạn nhân và
thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam
STT | Các địa chỉ giúp đỡ | Tỷ lệ được nhận sự giúp đỡ (%) |
1 | Bà con thân tộc | 82,0 |
2 | Chính quyền | 78,0 |
3 | Hội LHPN | 73,0 |
4 | Hội nông dân | 63,0 |
5 | Hội chữ thập đỏ | 54,0 |
6 | Hội Nạn nhân chất độc da cam | 46,0 |
7 | Hàng xóm | 44,0 |
8 | Trung tâm bảo trợ nạn nhân CĐDC | 38,0 |
9 | Đoàn TNCSHCM | 33,0 |
10 | Trung tâm y tế | 21,0 |
11 | Hội cựu chiến binh | 20,0 |
12 | Các tổ chức nước ngoài | 16,0 |
13 | Các doanh nghiệp | 8,0 |
Nguồn: Tổng hợp từ phiếu điều tra
Đối với Hội Chữ thập đỏ
Hiện nay Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn xã Hoà Nhơn đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực để giúp những nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, Hội thường xuyên đến động viên thăm hỏi, quan tâm từng đối tượng, theo dõi từng hộ gia đình chính sách để hỗ trợ những vật nuôi phù hợp cho từng đối tượng. Đồng thời phối hợp cùng với các ban ngành khác kêu gọi các tập thể, cá nhân trong nước quyên góp của cải vật chất, vốn, trang trải phần nào cho cuộc sống gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Đối với Hội nông dân
Nắm bắt được tình hình trên địa bàn xã Hoà Nhơn, các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam chủ yếu là con em nông dân, đời sống của các gia đình đều gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập gia đình không ổn định, chủ yếu là làm nông, mùa được mùa mất. Chính vì vậy mà Hội nông dân cũng như Hội Chữ thập đỏ nói trên cũng đã phối hợp với đoàn thể ban ngành khác vận động quyên góp trong nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước giúp đỡ gia đình, ngoài ra Hội còn có những hoạt động cụ thể thiết thực.
Đối với Hội phụ nữ
Cũng như tất cả các ban ngành khác, Hội phụ nữ cũng có những đóng góp tích cực nhằm góp phần cải thiện đời sống nạn nhân, tuy không hỗ trợ được nhiều về vật chất như các tổ chức khác, nhưng Hội lại có những đóng góp tích cực về mặt tinh thần, chia sẻ, giúp đỡ gia đình nạn nhân phát triển kinh tế, định hướng và hỗ trợ một phần kinh phí để xoá đói giảm nghèo cho các hộ, Ngoài ra Hội còn kết hợp với sở Y tế địa phương thường xuyên đưa danh sách gia đình nạn nhân và thân nhân lên khám chữa bệnh, kiểm tra sức khoẻ định kì.
Đối với các ban ngành Mặt Trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên
Các tổ chức này cũng là những nhân tố quan trọng trong việc giúp đỡ gia đình nạn nhân và thân nhân bị nhiễm chất độc da cam, các tổ chức này theo đánh giá chung thì đều có sự hợp tác giúp đỡ với nhau, Đoàn thanh niên thường xuyên giúp gia đình nạn nhân về tu sửa nhà cửa, xây dựng nhà tình thương, “ngày công vàng” góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống gia đình nạn nhân.
Chùa, bà con thân tộc, hàng xóm
Đó cũng là những tổ chức không thể nào không nhắc đến, theo đánh giá của phiếu điều tra thấy rằng hàng năm nhà Chùa thường xuyên trao những suất quà cho những trẻ em khuyết tật bị nhiễm chất độc da cam và những em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà quy đổi ra khoảng 350.000 nghìn đồng. Bà con thân tộc, Hàng xóm họ không những góp phần về của cải vật chất mà còn cả về tinh thần, là chỗ dựa cho những nạn nhân và thân nhân vươn lên trong cuộc sống, những đóng góp của họ được đánh giá rất cao trong bảng đánh giá của nạn nhân và thân nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Trung tâm y tế
Là tổ chức không thể thiếu được của các gia đình nạn nhân, các gia đình nạn nhân đưa người thân đến khám chữa bệnh luôn được quan tâm chăm sóc nhiệt tình chu đáo, hàng năm các cơ sở y tế thường xuyên tổ chức khám định kì miễn phí cho các nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm, góp phần an tâm và làm giảm gánh nặng về kinh tế cho các đối tượng đến khám.
Tổ chức tầm nhìn thế giới
Có thể nói đây là một trong những tổ chức có đóng góp về vai trò to lớn đối với nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam trên toàn quốc, cũng như trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay, hàng năm tổ chức đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng vào chính sách hỗ trợ cho các nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất đọc da cam, riêng tại Đà Nẵng, trong năm 2011 tổ chức đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng vào việc đầu tư xây dựng cơ sở và vật tư phục vụ người khuyết tật, trao các suất quà có giá trị có các em bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn. Riêng xã Hòa Nhơn, Tổ chức tầm nhìn đã trao 100 suất quà, trị giá mỗi suất là 1 triệu đồng. Nhằm xoa dịu bớt nỗi đau và giúp các em và gia đình có nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước
Theo tổng kê của Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, hàng năm có rất nhiều các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia ủng hộ các nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn, các tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu hỗ trợ về quà, tiền mặt và các vật dụng cơ bản như xe lăn cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Ngoài ra các tổ chức nói trên còn nhận nuôi dưỡng một số cháu đến hết đời, nhận và nuôi dưỡng như con của mình (một số gia đình Việt kiều). Một số tổ chức và cá nhân cũng thường xuyên gửi trực tiếp về các gia đình nạn nhân và thân nhân, giúp đỡ đáng kể về mặt kinh tế cho các gia đình nói trên.
Kết luận
Mạng lưới xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nạn nhân và thân nhân có nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam. Nhiều gia đình có nạn nhân được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, được nhận tiền trợ cấp của Nhà nước cũng như của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là từ Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng và tổ chức Tầm nhìn thế giới. Trong điều kiện kinh tế xã hội và cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn thì những sự giúp đỡ trên trở nên thiết thực và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Mặc dù những sự trợ giúp đó chưa cải thiện được nhiều đời sống gia đình nạn nhân song dù ít dù nhiều nó cũng thể hiện được tính tương trợ và sự cố kết trong cộng đồng.
Bên cạnh sự giúp đỡ về mặt vật chất là những động viên về mặt tinh thần của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, họ hàng thân tộc đã góp một phần nào giúp họ vượt qua được nỗi đau về mặt tinh thần, tạo cho họ có niềm tin vào tương lai. Với mục tiêu giảm thiểu những tác động của chất độc màu da cam đối với đời sống cộng đồng. Mạng lưới xã hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc “xoa dịu nỗi đau da cam”, đứng ra đòi lại công lý cho những người vô tội phải gánh chịu tội ác của chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra. Mặt khác, cần phải có những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân và gia đình tiếp cận được sự hỗ trợ từ mạng lưới xã hội để phần nào giảm thiểu tác động của chất độc da cam và cải thiện cuộc sống của họ, cũng chính từ đó các hoạt động của mạng lưới xã hội sẽ ngày một hiệu quả hơn./.
TS. ĐOÀN VĂN TRƯỜNG
Phó Trưởng Khoa Văn hóa – Thông tin,
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.