Tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế và có sự không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, các khu vực.
Do đó, cần thiết phải ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị của hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy, bảo đảm có mục tiêu, nhiệm vụ và quy hoạch, lộ trình cụ thể để đáp ứng được nhu cầu điều trị, cai nghiện trong thời gian tới.
Cần nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cai nghiện ma túy
Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có khoảng 195 nghìn người nghiện ma túy, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung, trong đó 50% số người người đang ở ngoài xã hội.
Với số lượng người nghiện như hiện nay, nhất là số hiện đang ở ngoài cộng đồng, trong đó khoảng hơn 72 nghìn người có tiền án, tiền sự, chiếm 30% tổng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Chính vì vậy, công tác cai nghiện tập trung rất quan trọng nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của cộng đồng.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến thực hiện Kế hoạch 483/KH-BCA-C04 ngày 7/10 của Bộ Công an về cao điểm tổng rà soát, phát hiện, thống kê, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy và đấu tranh, triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy diễn ra ngày 14/12/2025, Báo cáo kết quả giai đoạn 1 của kế hoạch này, Trung tướng Nguyễn Văn Viện – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) – cho biết, tổng số người nghiện, người nghi nghiện, người sử dụng chất ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện hiện là 285.643 người, tăng 21.607 người so với trước khi thực hiện kế hoạch. Trong đó, có 909 người có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”…
Cục trưởng C04 cho hay, Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp tốt với ngành liên quan về công tác quản lý người sau cai nghiện, người đang cai nghiện… tăng cường công tác xác định tình trạng nghiện. Nhiều Cơ sở hoạt động lâu năm đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị.
Để nâng cao công tác phòng chống và cai nghiện ma túy, bên cạnh nhiều biện pháp khác, theo các chuyên gia rất cần nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cai nghiện ma túy.
Số liệu cho thấy, hiện nay, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập , trong đó có 62 Cơ sở được xây dựng để tổ chức cai nghiện ma túy, 35 Cơ sở tiếp nhận lại từ các loại hình đơn vị sự nghiệp khác để chuyển đổi thành cơ sở cai nghiện ma túy.
Về công suất tiếp nhận: Tổng công suất tiếp nhận của 97 cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay là 57.896 học viên. Tính đến ngày 14/6/2024, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 60.975 người.
Về diện tích phòng ở thực tế: Diện tích xây dựng phòng ở bình quân theo công suất tiếp nhận là 4,4m2/học viên (256.365 m2/57.896 người), trong đó, số cơ sở có bình quân diện tích nhà ở dưới 4m2 là 47 cơ sở (chiếm 48,5%); Có 32/97 cơ sở cai nghiện ma túy có đủ diện tích xây dựng phòng ở để tổ chức hoạt động theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Thực tế tại khu cai nghiện bắt buộc của Cơ sở có thời điểm 1m2/học viên. Đặc biệt, ở một số địa phương, nhiều Cơ sở đưa vào hoạt động lâu năm đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện ma túy; thậm chí một số tỉnh, thành phố ghép các đối tượng tâm thần vào cơ sở cai nghiện ma túy như: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Theo đánh giá chung, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, do nhiều cơ sở cai nghiện ma túy được tận dụng từ nhiều loại hình cơ sở khác đã đưa vào hoạt động lâu năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, hư hại, cần được đầu tư xây dựng, nâng cấp và nhiều cơ sở cai nghiện ma túy chưa bảo đảm việc phân khu theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
4 định hướng lớn trong công tác cai nghiện
Từ thực tế trên, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã xác định 4 định hướng lớn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai trong thời gian tới.
Đầu tiên, các địa phương rà soát, bố trí ngân sách đầu tư để nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, mua sắm trang thiết bị; bảo đảm việc tổ chức cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyển dụng, tập huấn, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy.
Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116/2021/NĐ-CP; chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện.
Thứ tư, thí điểm một số chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người sau cai nghiện, gia đình người sau cai nghiện thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố.
Từ những định hướng lớn này, trong thời gian tới, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho cơ sở cai nghiện ma túy công lập”.
Nghiên cứu, trình Bộ LĐTB&XH trình cơ quan có thẩm quyền chính sách trợ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy.
Ngoài ra xây dựng, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật về cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng…
Nguyễn Thanh