Không chỉ đứng lớp với những bài giảng lý thuyết đơn thuần, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (NGGDNN) là một nghề đặc biệt mang sứ mệnh “người đưa đò” kỹ năng, giúp người học đến với những chân trời tri thức, kỹ năng rộng mở để những ước mơ, khát vọng về nghề nghiệp, việc làm – tương lai cuộc đời của mỗi con người thành hiện thực…
100% nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn trình độ đào tạo
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN
“Để thu hút được người giỏi, người tài vào giảng dạy tại trường nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hiện nay dứt khoát phải có cơ chế đặc thù. Không dễ để thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi bởi thị trường đang thu hút những người tài giỏi vào vị trí việc làm với mức lương hấp dẫn.”
“Điều 53 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bao gồm nhà giáo dạy lý thuyết, nhà giáo dạy thực hành hoặc nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành.
Nhà giáo trong trung tâm GDNN, trường trung cấp được gọi là giáo viên; nhà giáo trong trường cao đẳng được gọi là giảng viên. Chức danh của nhà giáo trong cơ sở GDNN bao gồm giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp.
Nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải đạt chuẩn của nhà giáo dạy lý thuyết và chuẩn của nhà giáo dạy thực hành theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
Theo Tổng cục GDNN, tính đến tháng 12 năm 2018, cả nước có 86.910 nhà giáo đang giảng dạy ở 2.957 cơ sở GDNN. Trong đó có: 38.086 nhà giáo giảng dạy trong trường cao đẳng; 18.328 nhà giáo giảng dạy trong trường trung cấp và 15.571 nhà giáo giảng dạy trong trung tâm GDNN; 14.925 nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.
Chất lượng nhà giáo GDNN từng bước được nâng lên cả về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm. Về trình độ chuyên môn: 100% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó, 31,7 % nhà giáo có trình độ trên đại học; 60,1% nhà giáo có trình độ đại học, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề và 8,2% nhà giáo có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề.
Về nghiệp vụ sư phạm: 92% nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, 85% nhà giáo giảng dạy trong các trường trung cấp và 75% nhà giáo giảng dạy trong các trung tâm GDNN đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm. Về kỹ năng nghề: Khoảng 70% nhà giáo GDNN đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành, dạy tích hợp. Trình độ ngoại ngữ: Khoảng 19,1% nhà giáo có trình độ ngoại ngữ B trở lên, trong đó, trình độ B1 Châu Âu hoặc tương đương trở lên chiếm khoảng 3,7%.
Trình độ tin học: Khoảng 71,34% nhà giáo có trình độ công nghệ thông tin cơ bản. Về Phẩm chất đạo đức: Hầu hết nhà giáo có phẩm chất, đạo đức tốt, tận tụy với sự nghiệp đào tạo GDNN. Một số nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và các giải thưởng cao quý khác, hàng ngàn nhà giáo được công nhận nhà giáo dạy giỏi các cấp.
PGS. TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề CTXH Việt Nam
“Giáo viên là người quyết định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do đó cần phải có giải pháp để có được một đội ngũ thật tốt”.
Điều 58 Luật GDNN quy định:
Nhà giáo trong các cơ sở GDNN công lập được hưởng các chính sách sau đây:
- Được hưởng chế độ tiền lương theo chức danh quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật này; phụ cấp ưu đãi theo ngành, nghề, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành, nhà giáo dạy thực hành các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhà giáo cho người khuyết tật theo quy định của Chính phủ;
- Chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách khác đối với nhà giáo theo quy định của Chính phủ.
- Được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Chính phủ.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích nhà giáo đến công tác tại các cơ sở GDNN ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo được biệt phái đến làm việc tại cơ sở GDNN ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Nhà giáo, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học GDNN có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
- Nhà giáo là tiến sĩ, nghệ nhân hoặc có trình độ kỹ năng nghề cao công tác trong cơ sở GDNN công lập, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở GDNN có nhu cầu, có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn để làm việc về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về lao động.
- Nhà nước có chính sách đầu tư đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, phương pháp sư phạm đối với nhà giáo đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật.
20/11 Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm là dịp tôn vinh các nhà giáo, nghề giáo, đặc biệt là NGGDNN, người “đưa đò” lập nghiệp đặc biệt cao quý trong xã hội.
- Quảng Ngãi: 5 trường Cao đẳng tham gia Hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giáo dục nghề nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt những thành tựu đáng tự hào
- Yên Bái: Áp dụng sư phạm kỹ thuật số trong trong giảng dạy và hoạt động GDNN
- Hà Nội: Khai mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2020
- Đến năm 2025, 100% nhà giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn
Minh Thư