11/01/2023 11:04:25

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:

Trọng trách của Đà Nẵng từ góc độ Nhân lực – Việc làm

Trong tầm nhìn chiến lược và định hướng phát triển, Đà Nẵng đã khẳng định được vị thế là một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Bối cảnh kinh tế vùng phát triển nhanh đã tạo áp lực về nhân lực, việc làm ngày càng lớn, yêu cầu chất lượng càng cao. Đây được xem là thách thức không nhỏ cho các cơ sở đào tạo nhân lực tại Đà Nẵng, nơi được xem là “cái nôi” đào tạo của khu vực miền Trung.

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; có diện tích tự nhiên 27.881,7km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước, đứng thứ hai trong bốn vùng KTTĐ. Được thành lập cách đây hơn 24 năm, với mục tiêu sẽ trở thành động lực, đầu tàu cho sự phát triển của các tỉnh, thành phố miền Trung, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước – Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng sự phát triển và đóng góp của vùng KTTĐ này còn chưa được như kỳ vọng.

Một trong những nguyên nhân đã được chỉ ra cho thấy, vùng KTTĐ miền Trung chưa thể vươn mình mạnh mẽ là do vấn đề nhân lực. Tỷ lệ lao động lành nghề, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thấp; thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao… đã khiến miền Trung trở thành “vùng trũng” trong phát triển so với các vùng KTTĐ khác của đất nước.

Đà Nẵng – đô thị hạt nhân trong phát triển vùng, nơi được xem là “cái nôi” đào tạo của khu vực miền Trung, dù đã phát triển và nỗ lực không ngừng, nhưng đến nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu chung trong vấn đề nhân lực – việc làm của cả vùng.

Với lợi thế dân số trẻ, có khoảng 80 trường ĐH, CĐ và cơ sở dạy nghề, nhưng thực tế yêu cầu chất lượng nhân lực cao đang đặt ra thách thức lớn cho Đà Nẵng. Nguyên nhân do nhu cầu lao động tăng và có sự dịch chuyển lớn, tình trạng mất cân đối giữa đào tạo và tuyển dụng, chưa có sự kết nối giữa nghiên cứu dự báo thị trường lao động để định hướng đào tạo.

Yêu cầu nhân lực đang đặt ra thách thức lớn cho Đà Nẵng khi chưa cân đối được giữa đào tạo và tuyển dụng.

Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp còn thụ động, trông chờ nguồn nhân lực sẵn có để tuyển dụng. Doanh nghiệp phản ánh chất lượng lao động không đáp ứng, phải đào tạo lại, trong khi đó mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo còn lỏng lẻo…

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho thấy, định hướng phát triển KT-XH và dự thảo quy hoạch Trung tâm Việc làm Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhu cầu lao động tăng thêm đến năm 2025 là hơn 250.000 người, và đến năm 2030 là 450.000. Trong đó, nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế mũi nhọn ở Đà Nẵng như du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin có tốc độ tăng nhanh.

Theo lãnh đạo thành phố, để đạt được những mục tiêu đề ra, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột chính, bao gồm: Du lịch, Công nghiệp công nghệ cao, Kinh tế biển và chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Nhìn nhận thách thức trong thực hiện mục tiêu, lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng, lao động đang và sẽ là “nút thắt cổ chai” lớn đối với phát triển kinh tế của thành phố. Cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề tồn tại về cơ cấu và chất lượng lao động hiện nay, có kế hoạch dự báo cụ thể và chủ động tạo nguồn lao động trên cơ sở hợp tác hiệu quả với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Các kỹ sư, kỹ thuật viên tay nghề cao làm việc tại dây chuyền sản xuất máy tính bảng đầu tiên của TP.Đà Nẵng tại Nhà máy Trung Nam EMS

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cho rằng, cần có một “địa chỉ đỏ” để kết nối “3 nhà” gồm: Nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp. Cùng với đó, để gỡ bỏ rào cản về nhận thức và cơ chế, chính sách, thì cần sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp; các trường đại học cần xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận với thị trường, tăng kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho sinh viên; các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp để góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo TP.Đà Nẵng, ông Takeshi Takeuchi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng cho rằng, “cái bắt tay” giữa “3 nhà” chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề nhân lực và việc làm, vốn còn nhiều bất cập hiện nay.

Theo ông Takeshi Takeuchi, nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế mũi nhọn tại Đà Nẵng như du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin có tốc độ tăng nhanh. Thế nhưng, nhân lực hiện tại thiếu tay nghề cao, chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ nhằm có kế hoạch và tiếng nói chung trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, chính quyền thành phố nên có một diễn đàn, nơi các cơ sở đào tạo gặp gỡ với các giám đốc hay chuyên gia nhân sự của các công ty dịch vụ. Thực tế, các cơ sở đào tạo hiện nay đều rất nỗ lực đưa doanh nghiệp đến gần với nhà trường hơn, nhưng để đáp ứng được nhu cầu thực tế thì nhà trường và doanh nghiệp phải cùng bắt tay nhau hợp tác.

Có thể thấy, dưới góc nhìn của Chính quyền – Doanh nghiệp – Chuyên gia, “cái bắt tay” của “3 nhà” là thực sự cần thiết để giải quyết bài toán nhân lực cho không chỉ Đà Nẵng, mà còn cả khu vực miền Trung. Tuy nhiên, “cái bắt tay” ấy diễn ra như thế nào, để giúp người lao động có được tay nghề giỏi, không ngừng sáng tạo, tự tin hội nhập… thì cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm của Nhà khoa học – Nhà quản lý và Doanh nghiệp.

Giang Sơn – Nhất Ngang