Ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 tại điểm cầu Hà Nội (đặt tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội). Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực, năng động của Tổng cục GDNN và sự hưởng ứng tích cực, tâm huyết của các Bộ, ngành, địa phương cho Hội giảng.
Tìm tòi, phát hiện những nhân tố quyết tâm đổi mới GDNN
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp nên thay vì tổ chức trực tiếp đã phải chuyển sang hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
“Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Tổng cục GDNN đã có sự chuẩn bị tích cực, năng động, các bộ, ngành, địa phương cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia Hội giảng với tinh thần “Đổi mới, sáng tạo, thích ứng, hội nhập, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận và biểu dương.
Dẫn câu nói “văn ôn, võ luyện”, Thứ trưởng cho rằng, các nhà giáo cũng cần có môi trường để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng giảng dạy. Hội giảng là dịp để các nhà giáo GDNN tỏa sáng, thể hiện tài năng, trí tuệ, bản lĩnh, và lòng yêu nghề của mình, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đây cũng là dịp để phát hiện những nhân tố quyết tâm đổi mới GDNN, tôn vinh những nỗ lực, cống hiến của nhà giáo GNNN.
“Thông qua Hội giảng, các cơ quan quản lý nhà nước có đánh giá tổng quan về quá trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, đo lường xem so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, năng lực trình độ nhà giáo GDNN của chúng ta đến đâu”, Thứ trưởng cho biết.
Nhấn mạnh những điểm mới của Hội giảng lần này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị các đoàn, các nhà giáo phải nắm vững để thực hiện tốt. Thứ trưởng cũng lưu ý, các bộ phận kỹ thuật phục vụ cho Hội giảng phải theo sát diễn biến, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu kết nối kỹ thuật, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra.
Kết nối – Công khai trong mọi hoạt động
Chia sẻ thông điệp “Đổi mới, sáng tạo, thích ứng, hội nhập” của của Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng cho biết: Thông điệp này hướng đến mục tiêu cao nhất mà Đảng và Chính phủ đã đề cập đến trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đó là, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là “chìa khóa” để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trên cơ sở đó, các hoạt động của Hội giảng từ khâu chuẩn bị cho đến khi kết thúc sẽ được thiết kế xoay quanh 2 trục: kết nối và công khai. Kết nối để gắn kết các thành viên hướng tới mục tiêu lớn nhất và công khai để đảm bảo tôn chỉ, mục đích của hội thi, nhất là khi đối tượng tham gia là nhà giáo.
Trong đó, đối với hoạt động chuyên môn, sự kết nối được thể hiện thông qua việc thiết kế một trục thông tin xuyên suốt đối với các chủ thể tham gia bao gồm: Thành viên giám khảo, nhà giáo tham gia dự thi, ban tổ chức Hội giảng đến lãnh đạo đoàn. Sự kết nối còn được thể hiện qua việc cập nhật các bài trình giảng lên kho học liệu để trở thành tài liệu dùng chung mà các nhà giáo có thể khai thác tham khảo phục vụ công tác chuyên môn.
Đối với các hoạt động bên lề, tinh thần kết nối và công khai cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt. Chẳng hạn, đối với hoạt động thiết kế dạy học trực tuyến, yêu cầu kết nối được đặt ra rõ ràng từ đầu khi các bài giảng được phê duyệt thông qua hội đồng của các địa phương. “Chúng ta đã huy động được hơn 600 bài giảng trực tuyến từ các vòng sơ loại để có thể chọn ra hơn 100 bài giảng chất lượng trình lên Hội đồng Trung ương. Các bài giảng này sẽ được công khai trên một trang riêng để xem xét, đánh giá, bình luận những sản phẩm tốt nhất được lựa chọn”, bà Nguyễn Thị Việt Hương thông tin.
Các hoạt động bên lề khác như hội thảo, tọa đàm, triển lãm số cũng đều bám sát yêu cầu đảm bảo tính kết nối rộng nhất, đa chiều nhất và công khai theo hướng có thể nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản hồi của các thành viên. Tiêu chí kết nối và công khai này cũng sẽ được thể hiện ngay trong lễ khai mạc, bế mạc, kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 qua việc kết nối đến tận các nhà giáo, đồng nghiệp các nhà giáo ở các điểm trình giảng.
“Kỹ năng nghề giỏi phải bắt nguồn từ đổi mới nhà giáo. Những đổi mới tại Hội giảng Nhà giáo GDNN năm nay sẽ tạo động lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà giáo GDNN”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 sẽ khai mạc vào ngày 12/11 tới theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Hội trường Trường CĐ Cơ điện Hà Nội; tổ chức livestreams trên fanpage của Tổng cục GDNN, cổng thông tin của Hội giảng.
Báo cáo về công tác chuẩn bị tại buổi làm việc, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ Điện cho biết, Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc là sự kiện quan trọng của nhà giáo GDNN và phản chiếu bức tranh của GDNN Việt Nam. Diễn ra trong bối cảnh khó khăn, Hội giảng cũng là dịp để các cơ sở GDNN, các nhà giáo GDNN biến thách thức thành cơ hội để thực hiện chuyển đổi số thành công.
TS Đồng Văn Ngọc cho biết, Trường CĐ Cơ điện đã chuẩn bị đường truyền có tốc độ tốt nhất, kết nối dữ liệu ở mức cao nhất để cùng với các điểm cầu phục vụ tốt nhất cho Hội giảng.
Hải An