Triển khai Tiểu dự án 3 – Dự án 5 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, để các chính sách đi vào cuộc sống và công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đạt hiệu quả hơn, vẫn còn không ít “rào cản” cần tháo gỡ.
Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu, việc phân biệt đối tượng thụ hưởng giữa các chương trình mục tiêu quốc gia khiến nhiều lao động DTTS không được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm dù thuộc đối tượng cần trợ giúp.
Theo ông Trần Văn Thanh – Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thị xã triển khai kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025. Các chủ trương, định hướng phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp đã được thực hiện. Đồng thời, công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh và các chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động vùng DTTS, đã được triển khai mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sau ba năm triển khai, thị xã vẫn gặp không ít khó khăn. Ông Thanh cho biết, các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình vẫn còn nhiều sự khác biệt, không thống nhất, gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục thanh quyết toán, nhất là trong chính sách hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Một trong những “rào cản” lớn là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã chưa được hưởng các chính sách tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học, mặc dù trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nghề và giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, việc phân biệt đối tượng thụ hưởng giữa các chương trình mục tiêu quốc gia khiến nhiều lao động DTTS không được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm dù thuộc đối tượng cần trợ giúp.
Một phiên giao dịch việc làm diễn ra trên địa bàn Thị xã Vĩnh Châu, nhằm hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động
Để giải quyết những khó khăn này, ông Thanh cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân DTTS nhận thức rõ về lợi ích của việc học nghề và tìm việc làm. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để huy động sự tham gia của cộng đồng. Các văn bản hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 3 cũng cần được kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để mở rộng các ngành nghề đào tạo và tạo cơ hội việc làm cho lao động. Các ngành nghề mới như logistics, công nghệ số, chế biến sâu nông sản và thủy sản cần được chú trọng phát triển để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thực hiện tiểu dự án 3, ông Thanh đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế, chính sách quy định chung về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng lao động vùng DTTS.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho những đối tượng đặc biệt như thanh niên, người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù, và các lao động ở vùng nghèo, vùng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Khởi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cũng chỉ ra rằng, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đặt ra thách thức lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, và đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, ông kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên vào danh sách thụ hưởng kinh phí để mua sắm trang thiết bị, bảo dưỡng cơ sở vật chất, đồng thời giảm thủ tục hành chính liên quan đến các chính sách đào tạo nghề và việc làm.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Sóc Trăng cũng có ý kiến, để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động trên địa bàn, việc tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, tăng cường cơ sở vật chất, và mở rộng các ngành nghề đào tạo sẽ là yếu tố then chốt./.
Thanh Quang