22/11/2024 9:59:37

Tăng cơ hội tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động nữ trong cuộc cách mạng 4.0

Cuộc Cách mạng 4.0 là cơ hội để lao động nữ có thể tiếp cận được với những ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và những đóng góp ngày càng lớn hơn với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh cơ hội là thách thức đối với lao động nữ như: sức khỏe tâm sinh lý, chăm sóc gia đình, sinh con và các vấn đề xã hội khác làm cho lao động nữ gặp không ít khó khăn. Nhà nước đã có những chính sách an sinh xã hội phủ hầu khắp các lĩnh vực, trong đó có lao động nữ. Song, việc tiếp cận an sinh xã hội đối với đối tượng này hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập mà các đối tượng là lao động nữ chưa được thụ hưởng chính sách, phải chịu thiệt thòi ở nhiều lĩnh vực.

Nghiên cứu này chỉ ra lao động nữ và đặc điểm của lao động nữ; vai trò của an sinh xã hội đối với lao động nữ; thực trạng tiếp cận an sinh xã hội của lao động nữ; từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ trong cuộc Cách mạng 4.0.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cuộc Cách mạng 4.0 đã đem lại đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy học, trí tuệ nhóm, Internet vạn vật, góp phần tăng cường năng suất trong sản xuất và dịch vụ. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều ngành mới, đặt ra yêu cầu cao về kỹ năng mới. Mặc dù mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và nhân sự, nhưng đồng thời nó đặt ra thách thức về sự thích ứng nhanh chóng của lao động và doanh nghiệp.

Thị trường lao động đang chuyển đổi, đồng thời với việc tăng cường nhu cầu về kỹ năng mới, cũng đặt ra thách thức lớn trong việc đào tạo lại và tái đào tạo nguồn nhân lực. Trong bối cảnh này, lao động nữ đóng góp một vai trò quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như: trí tuệ nhân tạo, quản lý dữ liệu và công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, lao động nữ đối mặt với nhiều áp lực và cần sự hỗ trợ từ các chính sách xã hội để đảm bảo cuộc sống công bằng và tiến bộ, giúp phụ nữ thích ứng với thách thức và cơ hội đến từ Cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1. Khái niệm lao động nữ và vai trò của lao động nữ trong sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam

2.1.1. Khái niệm lao động nữ

Trước khi tìm hiểu về khái niệm lao động nữ, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm người lao động. Khái niệm người lao động được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 như sau: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này” (Quốc hội, Bộ luật Lao động, 2019, Điều 3).

Các văn bản pháp luật có hiệu lực ở Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm cụ thể về lao động nữ mà chỉ có khái niệm người lao động và căn cứ vào giới khi tham gia lao động thì có thể hiểu người phụ nữ tham gia vào lực lượng sản xuất xã hội thì được hiểu là lao động nữ. Dựa vào khái niệm trên, có thể hiểu lao động nữ là người lao động có giới tính là nữ, làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, giám sát của người sử dụng lao động.

2.1.2. Đặc điểm của lao động nữ

Lao động nữ trước hết là người lao động nên họ có những đặc điểm chung của người lao động, cụ thể như: chịu sự quản lý, giám sát, điều hành theo hợp đồng ký kết thỏa thuận với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, lao động nữ cũng có những đặc điểm khác với những người lao động khác giới về mặt sinh học, sức khỏe và thể trạng, tâm lý. Những đặc điểm này đã làm cho sự khác biệt của lao động nữ với lao động khác giới khác, làm cho họ có những thiệt thòi hơn trong quá trình lao động và cần có những chính sách an sinh xã hội đối với riêng cho lao động nữ.

Về mặt sinh học: Lao động nữ có những đặc điểm sinh học của cơ thể khi trưởng thành. Khi lập gia đình, họ có chức năng làm mẹ, có khả năng mang thai và sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ. Trong quá trình này, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi, họ mất nhiều thời gian, công sức và sự thay đổi lớn về mặt sinh học. Đây cũng là điều mà khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng cân nhắc và tuyển dụng lao động nữ trong quá trình làm việc. Đây cũng chính là yếu tố khi nghiên cứu về an sinh xã hội đối với lao động nữ cần phải có chính sách đối với họ.

Về mặt sức khỏe: Thể trạng của lao động nữ thường thấp, nhỏ và yếu hơn so với nam giới. Sức khỏe của người nữ thường yếu hơn, thường không tham gia được vào các công việc nặng nhọc, công việc nặng nhọc có tính chất độc hại cao như các nghề khai thác quặng, luyện kim…, mà thường làm những công việc khéo léo, đòi hỏi sự bền bỉ, tỉ mỉ. Do đó, lao động nữ thường làm trong các ngành dệt may, thêu, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ… Những đặc điểm về sức khỏe làm cho lao động nữ trong quá trình tìm việc làm sẽ ít có sự lựa chọn ít hơn so với nam giới, và những ngành ngề này cũng có thu nhập ít hơn sơ với lao động khác giới.

Về những áp lực: Trong một số gia đình, vẫn còn tồn tại quan điểm truyền thống về vai trò của phụ nữ, đặc biệt là trong việc chăm sóc gia đình, con cái và giữ cho ngôi nhà ổn định, phụ nữ thường chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý gia đình, trong việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con cái. Điều này tạo ra áp lực về thời gian và năng lượng đối với phụ nữ. Trong khi nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động chính thức, họ vẫn phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình. Xã hội thường đặt ra áp lực về ngoại hình của phụ nữ, điều này có thể tạo ra áp lực tâm lý và tinh thần. Trong một số trường hợp, gia đình có thể có những quan điểm hạn chế về việc phụ nữ tiếp tục học vấn cao hoặc theo đuổi sự nghiệp. Mặc dù phụ nữ thường chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động, nhưng họ thường gặp khó khăn hơn trong việc tiến lên sự nghiệp, đặc biệt là ở các vị trí quản lý cao cấp. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, lao động nữ ngày nay cần phải nâng cao kỹ năng và có khả năng thích ứng với những thay đổi trong môi trường làm việc.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu như: các cuốn sách, bài tạp chí có nội dung liên quan đến nội dung nghiên cứu về lao động nữ và chính sách an sinh xã hội đối với lao động nữ, bằng các phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu qua các luật, nghị định, chính sách và các bài viết tìm kiếm trên website với từ khóa “an sinh xã hội”, “lao động nữ”.

2.3. Khái niệm an sinh xã hội và vai trò của an sinh xã hội đối với lao động nữ

2.3.1. Khái niệm an sinh xã hội

An sinh xã hội đối với lao động nữ được Chính phủ đề cập và Nhân dân quan tâm. Vậy, an sinh xã hội là gì? Trong Điều 22 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 có đề cập đến an sinh xã hội như sau: “Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi hỏi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia”. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): An sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo cách chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con (Đỗ Thị Thơm, Đảm bảo quyền an sinh xã hội của người lao động trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và một số kinh nghiệm, phương hướng, 2023). Hiến pháp của Việt Nam (2013), Điều 34 có viết: “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội” (Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013, Điều 34). Có thể hiểu, an sinh xã hội là khái niệm chỉ sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của xã hội thông qua các chính sách, biện pháp công cộng nhằm đảm bảo các điều kiện cơ bản cho cuộc sống như: an toàn, sức khỏe, giáo dục, lao động, thu nhập, chăm sóc xã hội và các quyền lợi khác.

An sinh xã hội là một trong những chính sách của Nhà nước góp phần giảm thiểu sự nghèo đói, những tổn thương, rủi ro xã hội mà người dân gặp phải. Đối với lao động nữ, những hệ thống chính sách này càng quan trọng trong việc hạn chế những rủi ro, những tổn thương cho lao động nữ trong quá trình lao động cũng như trong cuộc sống. Do những đặc điểm riêng của lao động nữ về mặt sinh học, sức khỏe cũng như về những áp lực, trong hệ thống chính sách an sinh xã hội có những chính sách riêng có vai trò quan trọng đối với lao động nữ nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giới, cũng đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền và thiên chức làm mẹ của mình, đảm bảo cho lao động nữ vẫn giữ được những quyền lợi cơ bản nhất của con người và vẫn duy trì được mức thu nhập tối thiểu trong cuộc sống, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.

2.3.2. Vai trò của an sinh xã hội đối với lao động nữ

An sinh xã hội có vai trò lớn đối với người được thụ hưởng. Đối với lao động nữ, an sinh xã hội còn có ý nghĩa trong đời sống, cũng như phát triển nghề nghiệp của nữ lao động. Những chính sách này giúp lao động nữ được thực hiện các quyền cơ bản của mình như:

Thứ nhất, tạo cơ hội bình đẳng: Các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trong việc tạo cơ hội bình đẳng cho lao động nữ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ giáo dục đến việc tiếp cận vị trí lãnh đạo và quản lý. Đây là quyền được đề cập đến đầu tiên. Để bảo đảm cho phụ nữ phát huy được vai trò của mình, trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Quốc hội, Hiến pháp, 2013, Điều 16, khoản 1). Do đó, công dân Việt Nam là nam hay nữ đều được bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về mọi mặt. Việt Nam cũng ký Công ước ILO số 111 coi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi dựa trên giới tính, có tác động triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử trong việc làm hoặc nghề nghiệp là phân biệt đối xử, cần được loại bỏ. Để khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong tuyển dụng giữa nam và nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, Việt Nam đã có những quy định và một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động mà những chính sách an sinh xã hội mang lại cho lao động nữ, đó là sự bình đẳng giữa nam và nữ khi tuyển dụng về tiêu chuẩn, về độ tuổi, về tỷ lệ nam nữ trong tuyển dụng lao động, có những trường hợp ưu tiên nữ lao động. Không được từ chối vì lý do giới tính.

Đây là những căn cứ mang tính pháp lý để bảo vệ và đảm bảo cho lao động nữ thực hiện được quyền bình đẳng của mình khi tham gia tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, các quyền này có được người lao động nữ hiểu, nắm bắt và vận dụng nó vào cuộc sống để bảo vệ những quyền lợi của mình khi bị xâm phạm và đảm bảo lợi ích của mình hay không lại do sự tiếp cận của lao động nữ đối với các vấn đề này.

Thứ hai, hỗ trợ trong đào tạo và phát triển nghề nghiệp: An sinh xã hội có thể hỗ trợ trong việc cung cấp các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp, giúp phụ nữ lao động nâng cao kỹ năng và tăng cường khả năng thích ứng với môi trường làm việc mới. Đối với việc đào tạo và lựa chọn ngành nghề thì nam và nữ được bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng, bình đẳng trong lựa chọn ngành nghề học và tiếp cận các chính sách về giáo dục.

Thứ ba, bảo vệ pháp lý và quyền lợi của lao động nữ: Hệ thống an sinh xã hội thường đi kèm với các quy định pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, đảm bảo họ không bị kỳ thị hay phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Thứ tư, được tiếp cận y tế: An sinh xã hội thường hỗ trợ trong việc cung cấp dịch vụ y tế và tiếp cận đối với chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh tật phụ nữ…

  • THỰC TRẠNG TIẾP CẬN AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ TRONG CUỘC CÁCH MẠNG 4.0

3.1. Những khó khăn trong việc tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động nữ trong cuộc Cách mạng 4.0

Sự chênh lệch về giới tính: Mặc dù nhiều tiến bộ đã đạt được trong việc giảm chênh lệch giới tính, nhưng vẫn còn tồn tại sự chia rẽ trong việc truy cập và hưởng lợi từ các chính sách an sinh xã hội giữa nam và nữ. Phụ nữ thường gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo quyền lợi và điều kiện làm việc tốt.

Sự chấp nhận về văn hóa, xã hội: Các định kiến xã hội và văn hóa về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội có thể tạo rào cản trong việc thay đổi các chính sách để hỗ trợ lao động nữ. Sự đòi hỏi truyền thống về việc phụ nữ chịu trách nhiệm chủ yếu trong công việc chăm sóc gia đình và con cái có thể làm giảm khả năng tham gia vào lực lượng lao động.

Sự chênh lệch về vùng miền: Các khả năng tiếp cận an sinh xã hội cũng có thể chênh lệch giữa các khu vực đô thị và nông thôn. Các khu vực nông thôn thường gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp các dịch vụ và chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của lao động nữ.

Kỹ năng và đào tạo kỹ năng: Cuộc Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra yêu cầu về kỹ năng mới. Tuy vậy, khi điều tra về trình độ học vấn, có một điều dễ dàng nhận ra đó là dù ở nông thôn hay thành thị thì nhóm tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ, phụ nữ vẫn thấp hơn (92,9%), so với nam giới (96,6%). Sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thể hiện trong tất cả các cấp học, cấp học càng cao thì phụ nữ càng ít hơn so với nam giới (Đặng Thị Ánh Tuyết, 2015)1. Phụ nữ có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo và tái đào tạo để nâng cao kỹ năng của mình thích ứng với môi trường làm việc mới. Đây là một trong những thiệt thòi đối với lao động nữ. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ và gia đình cần có giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao trình độ học vấn của lao động nữ.

Việc thành thạo tin học để phục vụ nhu cầu công việc cũng như khai thác thông tin, nâng cao hiểu biết cho lao động nữ hết sức quan trọng. Sử dụng không thành thạo công nghệ thông tin hay không biết sử dụng làm cho lao động nữ khó khăn trong việc tiếp cận, tìm hiểu chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, đối với những phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, việc sử dụng công nghệ để tra cứu thông tin cũng có những hạn chế nhất định. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội liên quan mà lao động nữ được hưởng theo chính sách của Chính phủ.

Khó khăn về chính sách hỗ trợ gia đinh: Tại một số quốc gia và trong các tổ chức, doanh nghiệp hiện chưa có chính sách nghỉ thai sản linh hoạt khiến cho phụ nữ gặp khó khăn khi muốn kết hợp giữa việc chăm sóc con nhỏ và duy trì sự nghiệp; chưa đủ sự hỗ trợ cho việc chăm sóc con nhỏ; các chính sách chăm sóc gia đình có thể chưa đủ tập trung vào việc hỗ trợ phụ nữ trong việc chăm sóc người già trong gia đình… Do đó, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Chính phủ và doanh nghiệp trong các chính sách như: nghỉ thai sản linh hoạt, chăm sóc trẻ em và các dịch vụ hỗ trợ gia đình để giúp phụ nữ đảm bảo cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình.

Thách thức về công bằng lương và cơ hội nghề nghiệp: Phụ nữ vẫn phải đối mặt với thách thức về công bằng lương và cơ hội nghề nghiệp. Do đó, cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo rằng, lao động nữ không chỉ được truy cập vào các cơ hội nghề nghiệp mà còn nhận được mức lương công bằng.

3.2. Những ưu thế tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động nữ trong cuộc Cách mạng 4.0

3.2.1. Chính phủ cấp tài khoản an sinh xã hội trên VneID cho người dân

Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng triển khai, xây dựng thực hiện dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ, người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đã có nhiều cố gắng khi thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, đảm bảo sự gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin của cuộc Cách mạng 4.0 với cải cách hành chính.

Gần đây nhất, năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 09/01/2024 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2023 đã đưa ra phương án cấp tài khoản an sinh xã hội cho người dân. Khi người dân được cấp tài khoản an sinh xã hội gắn với số định danh cá nhân trên ứng dụng VneID sẽ giúp cho người dân, lao động nữ có điều kiện thuận lợi khi tiếp cận với các chính sách mà mình là đối tượng được thụ hưởng. Căn cước công dân gắn chíp được tích hợp các thẻ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và các thông tin khác. Đây vừa đảm bảo về độ chính xác thông tin, tinh giản các loại giấy tờ thủ tục hành chính, đồng thời tránh chồng chéo khi khai các quyền lợi được thụ hưởng cũng như nghĩa vụ phải thực hiện. Việc tích hợp tài khoản an sinh xã hội đối với công dân là lao động nữ có những thuận lợi để lao động nữ có thể tra cứu thông tin và tìm hiểu về các văn bản, chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, hiểu và nắm bắt được các chính sách mà mình là người được thụ hưởng. Đây là phương pháp tiếp cận tốt nhất và nhanh nhất đối với lao động nữ hiện nay.

3.2.2. Tiếp cận an sinh xã hội qua các tổ chức công đoàn

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và chăm lo cho lợi ích của người lao động. Vai trò của tổ chức công đoàn đã được đưa vào Điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đối với lao động nữ, một kênh tiếp cận chính thống và đáng tin cậy đó là tổ chức công đoàn của Việt Nam. Tổ chức công đoàn không chỉ tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với người lao động mà còn bảo vệ quyền lợi của họ, quyền cho lao động nữ. Trong các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay còn thực hiện các công tác xã hội, thông qua công tác xã hội góp phần quan trọng vào an sinh xã hội trong việc hỗ trợ, chia sẻ với lao động nữ; hướng đến phòng ngừa khó khăn gặp phải của lao động nữ trong công việc và trong cuộc sống. Các tổ chức công đoàn hiện nay đều lập các trang web công đoàn, có các trang tin chính thống, các số điện thoại cho lao động nữ khi hỏi về các chính sách an sinh xã hội liên quan đến mình.

3.2.3. Tiếp cận an sinh xã hội qua các tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Một nguồn tiếp cận khác đối với lao động nữ đó là các hội, các tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Hội có chức năng pháp lý được quy định trong Nghị định số 56/2012/NĐ-CP là công cụ pháp lý quan trọng trong việc tham gia quản lý nhà nước và là căn cứ để Hội Phụ nữ các cấp thực hiện tốt hơn chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đại diện dân chủ của phụ nữ. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương đều áp dụng các phương tiện liên lạc ứng dụng công nghệ thông tin nên việc tiếp nhận phản hồi các ý kiến được hỏi nhanh, chính xác và kịp thời. Khi nghiên cứu, các trường hợp bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ được Hội thực hiện có hiệu quả cao, do đó, đây cũng là một trong các cách tiếp cận an sinh xã hội tốt đối với lao động nữ.

  • MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƠ HỘI TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI CHO LAO ĐỘNG NỮ TRONG CUỘC CÁCH MẠNG 4.0

4.1. Các giải pháp về phía Chí́nh phủ, đoàn thể

Chính phủ và các tổ chức công đoàn, đoàn thể nên đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ đối với lao động theo hướng phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Nên đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ, tổ chức kết nối cho lao động nữ tham gia các dự án phát triển cộng đồng. Vận động, tìm nguồn hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện cho lao động nữ nâng cao trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn, tay nghề và tiếp cận công nghệ thông tin một cách chính thống, được hướng dẫn, giúp cho lao động nữ có cơ hội tiếp cận tốt hơn đối với các chính sách liên quan đến mình.

Khuyến khích lao động nữ tham gia các loại hình bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Đây là một trong những giải pháp quan trọng và thiết thực đối với lao động nữ. Bởi vì chỉ có tham gia các loại hình bảo hiểm này, lao động nữ mới có cơ hội nhận được các chính sách an sinh xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe sinh sản, sức khỏe nghề nghiệp hay thất nghiệp. Hiện nay, chất lượng dịch vụ đối với bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp với nhiều người tham gia. Đây cũng là chính sách thụ hưởng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia thụ hưởng và đồng thời tiết kiệm tối đa nguồn lực và chi phí.

Chính sách an sinh xã hội cần có tính bền vững hơn cho lao động nữ

Hiện nay, Chính phủ và Nhà nước đã có một số chính sách đối với lao động nữ. Các chính sách này cần được thực hiện đồng bộ và có hướng lâu dài bền vững, cụ thể:

Chính sách nghỉ thai sản: đảm bảo có chính sách nghỉ thai sản linh hoạt, cho phép phụ nữ lựa chọn thời điểm và cách thức nghỉ phù hợp với nhu cầu gia đình và sự phát triển nghề nghiệp.

Chính sách về chương trình đào tạo và đào tạo lại lao động nữ: tổ chức các chương trình đào tạo linh hoạt và trực tuyến để nâng cao kỹ năng của lao động nữ, giúp họ thích ứng với những thay đổi của công nghệ và yêu cầu của thị trường lao động mới.

Tạo cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực: khuyến khích và tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp 4.0 khác thông qua chính sách hỗ trợ và các chương trình khuyến khích.

Chính sách hỗ trợ về việc làm một cách linh hoạt: tổ chức chính sách hỗ trợ việc làm linh hoạt, bao gồm làm việc từ xa, giờ làm việc linh hoạt, giúp phụ nữ quản lý tốt hơn sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Hỗ trợ và chăm sóc con nhỏ và người già: xây dựng cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em và người già tại nơi làm việc, cũng như cung cấp các chính sách hỗ trợ về chi phí chăm sóc gia đình.

Chính sách khen thưởng và khuyến khích: tạo ra các chính sách thưởng và khuyến khích cho doanh nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ đa dạng và công bằng giới, đặc biệt là đối với lao động nữ.

Chính sách giảm thiểu độ chênh lệch giới: xây dựng các chính sách nhằm giảm thiểu độ chênh lệch giới trong mức lương, cơ hội thăng tiến và quản lý, tăng cường sự công bằng và công bằng giới.

Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp: tạo điều kiện và chính sách để hỗ trợ phụ nữ tham gia khởi nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ và sáng tạo.

Chính sách giáo dục và đào tạo: tăng cường chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM)…

Chính sách mức lương công bằng: đảm bảo chính sách mức lương công bằng giữa nam và nữ, đồng thời tạo ra các biện pháp kiểm soát và giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các biểu hiện phân biệt giới trong mức lương.

Đây là các giải pháp mang tính bền vững, vừa có lợi cho sự phát triển của nữ giới, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đảm bảo quyền bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội tại các cơ sở

Các chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ có nhiều điểm tiến bộ. Tuy nhiên, các chính sách này đã được thực hiện có đảm bảo và thực hiện đúng hay không thì lại cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi mà đối tượng được thụ hưởng đầy đủ, trong đó có lao động nữ. Bởi trên thực tế đã có rất nhiều sự việc xảy ra là do sai sót ở phía cơ sở thực hiện làm đối tượng không được hưởng đúng quyền lợi của mình.

4.2. CÁC GIẢI PHÁP VỀ PHÍA LAO ĐỘNG NỮ

Cần tự nâng cao trình độ học vấn, trình độ tin học của lao động nữ, tăng cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội trong cuộc Cách mạng 4.0

Tự nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng tra cứu văn bản: Cách mạng khoa học và công nghệ đã sử dụng các máy móc hiện đại vào trong sản xuất. Các phương tiện hiện đại ngày càng trở thành công cụ lao động trực tiếp đòi hỏi người lao động phải có tri thức và hiểu biết về công nghệ thông tin. Lao động nữ nếu muốn tham gia vào quá trình lao động thì bắt buộc phải có trình độ học vấn tối thiểu và trình độ công nghệ thông tin nhất định mới có thể tham gia vào thị trường lao động. Đây là điều kiện tham gia lao động và khả năng sử dụng công nghệ thông tin để học hỏi kiến thức và tra cứu văn bản liên quan đến chính sách an sinh xã hội.

Phụ nữ tự nâng cao trình độ học vấn chuyên môn: Lao động nữ nếu muốn duy trì được công việc thì phải nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nâng cao trình độ tin học. Đây vừa là giải pháp về việc làm, vừa là giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận của mình đối với các chính sách an sinh xã hội.

Phụ nữ cần tự học hỏi để phát triển bản thân: Trong thời đại ngày nay, ngoài chuyên môn chính, lao động nữ cần có vốn sống, vốn văn hóa, sự hiểu biết đa chiều với cuộc sống hàng ngày để phụ nữ có thể hoàn thiện được bản thân và làm tốt thiên chức của mình.

Tham gia vào các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo vệ quyền lợi phụ nữ

Các tổ chức như tổ chức công đoàn, hội phụ nữ địa phương là các cơ quan có tính pháp lý bảo vệ quyền lợi của người lao động và phụ nữ. Lao động nữ nên tích cực tham gia các hoạt động xã hội này, đồng thời tìm hiểu các chính sách qua các cơ sở mà mình tham gia. Lao động nữ cần tự có ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi được hưởng các chính sách an sinh xã hội; có quá trình tham gia các tổ chức để tiếp cận các chính sách này nếu chưa biết và chưa nắm được. Các tổ chức của hội phụ nữ và tổ chức công đoàn là các tổ chức mà lao động nữ nên tham gia và cần tham gia vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

  1. KẾT LUẬN

Trong bối cảnh Cách mạng 4.0, việc tăng cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được áp dụng một cách đồng bộ như: (i) Về phía Chính phủ: Chính phủ và các tổ chức công đoàn, đoàn thể nên đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ đối với lao động nữ theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; khuyến khích lao động nữ tham gia các loại hình bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách an sinh xã hội cần có tính bền vững hơn cho lao động nữ. (ii) Về phía lao động nữ: Lao động nữ cần tự nâng cao trình độ học vấn, trình độ tin học cho mình, tăng cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội trong cuộc Cách mạng 4.0; tham gia vào các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo vệ quyền lợi phụ nữ.

Bài viết đã đưa ra một số giải pháp từ phía Chính phủ và phía lao động nữ nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho đối tượng này. Các chính sách mang tinh thần nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với nữ giới nhằm thực hiện quyền bình đẳng giới, làm cho đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh hơn.

Nguyễn Thị Giang

(Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2)

Lê Thị Thủy

(Trường Đại học Công đoàn)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Chính phủ (2009), Nghị định số 55/2009/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳ̉ng giới, ban hành ngày 10/6/2009.
  • Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩ̃a Việt Nam, ban hành ngày 28/11/2013.
  • Quốc hội (2019), Bộ luật Lao động, Bộ luật số 45/2019/QH14, ban hành ngày 20/11/2019.
  • Đỗ Thị Thơm (2023), Đảm bảo quyền an sinh xã hội của người lao động trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và một số kinh nghiệm, phương hướng, http:// lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/5243-bao-dam-quyen-an-sinh-xa-hoi-cua-nguoi-lao-dong-trong-cac-khu-cong-nghiep-bi-anh-huong-boi-dai-dich-covid-19-va-mot-so-kinh-nghiem-phuong-huong.html
  • Đặng Thị Ánh Tuyết (2015), “Phát triển nguồn nhân lực nữ ở Việt Nam: Thực trạng và những thách thức”, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Công đoàn, tr. 55 – 56.