30/09/2021 3:01:11

Starup Kite 2021: Nhiều ý tưởng thiết thực phục vụ cộng đồng từ thực tiễn chống Covid

“Sports for all”, đồng hồ thông minh hỗ trợ người khiếm thính… là những ý tưởng được học sinh, sinh viên của các cơ sở GDNN mang đến vòng bán kết Cuộc thi Startup Kite 2021.

Với lợi thế về kỹ năng nghề, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, được thực hành với máy móc, công nghệ từ sớm, cùng với ý tưởng, niềm đam mệ và sự sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh sinh viên trường nghề đã để lại ấn tượng tốt và nhận được đánh giá cao của Ban tổ chức Cuộc thi về tính sáng tạo, tính khả thi trong thực tế cuộc sống.

Ngày 28/9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đã tổ chức khai mạc vòng bán kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN” – Starup Kite 2021.

Hiện thực cuộc sống khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp

Trong 205 ý tưởng khởi nghiệp lọt vào vòng bán kết, dự án “Sports for all” của nhóm sinh viên Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội gây ấn tượng với sự kết hợp nhiều môn thể thao như Snookball, Footbowl để rèn luyện tư duy, nâng cao thể chất không chỉ cho trẻ em mà cả với người cao tuổi, người khuyết tật.

Theo chia sẻ của Vũ Thị Hương Giang, thành viên nhóm dự án “Sports for all”, tại các trường tiểu học đều có sân bóng mini, góc chơi bóng rổ, cầu lông. Tuy nhiên, không phải bạn nhỏ nào cũng đủ thể lực để tham gia các bộ môn này. Dịch Covid bùng phát càng khiến các em thiếu không gian vui chơi và rèn luyện thể chất.

Khắc phục những vấn đề này, Sports for all hướng đến những trò chơi phù hợp với trẻ em trên nền tảng của thể thao giải trí nhưng được nâng cấp, hoàn thiện để phù hợp hơn trên thực tiễn như: Snookball, Footbowl, Footgolf 2 hố, Footgolf lật, Footgolf cột cờ, Discgolf, Kickdarts. Mỗi môn trong dự án là sự tích hợp giữa hai môn thể thao, chẳng hạn Footgolf là sự kết hợp giữa bóng đá và golf.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội với ý tưởng Sports for all

So với thể thao truyền thống, các sản phẩm của Sports for all không đòi hỏi thể lực, trình độ chuyên môn cao, có thể phù hợp với mọi lứa tuổi. Không gian thi đấu linh hoạt và các môn đều không đối kháng trực tiếp nên không gây chấn thương, vừa giải quyết nhu cầu vận động thể lực trong xã hội bình thường mới vừa vận động được trí tuệ. Dự án có thể tận dụng cơ sở vật chất, nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, chi phí chỉ bằng 50% so với các sản phẩm trên thế giới.

Dự án khi được triển khai sẽ góp phần chung tay nâng cao sức khỏe cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội trong lĩnh vực giáo dục. Mỗi dự án được đặt tại trường học sẽ có đội ngũ huấn luyện viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu hướng dẫn cách thức chơi, cách thức tổ chức các giải đấu mini giữa các nhóm lớp, trường học kèm theo giáo trình luyện tập. 

Nhóm Dự án tin tưởng, Sports for all hoàn toàn có tính khả thi và thực tế đã có sản phẩm đưa ra thị trường. “Dự án được chuyển giao với chi phí 47 triệu đồng/hợp đồng. Dự kiến, nhóm sẽ gọi vốn 300 triệu đồng để đầu tư phát triển và hòa vốn vào cuối năm 2022. Trong 3 tháng đầu tiên, dự án đã bán được 40 sản phẩm tới 40 trường học trên toàn quốc. Qua khảo sát, cứ 10 người thì có 2 người quan tâm, muốn mua sản phẩm”, Ngô Ngọc Thành, sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, thành viên nhóm Dự án Sports for all chia sẻ.

Quan tâm đến những khó khăn, trở ngại của người khiếm thính trong giao tiếp và tiếp nhận thông tin, nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã mang đến dự án “Đồng hồ SOSA thông minh hỗ trợ người khiếm thính”.

Đội thi Trường Cao đẳng FPT Polytechnic trình bày Dự án “Đồng hồ SOSA thông minh hỗ trợ người khiếm thính

Nguyễn Hương Giang, Trưởng nhóm dự án SOSA  chia sẻ: “Đồng hồ có nhiều chức năng thông minh hỗ trợ người khiếm thính như hiển thị phụ đề từ giọng nói, cảnh báo rung khi người khiếm thính đến các khu vực đông đúc hoặc là không an toàn; liên lạc qua tin nhắn hình ảnh, định vị và bản đồ…Ngoài ra, sản phẩm cũng có những chức năng như một chiếc đồng hồ thông minh bình thường như là thời gian, đo nhiệt độ, thời tiết, nhịp tim…”.

Nhìn nhận nhiều vấn đề khó khăn như thời gian, kinh phí, việc thiết kế app, viết mã code, tuy nhiên nhóm sinh viên tin tưởng vào tính khả thi của dự án. “Các sản phẩm tương tự trên thị trường hiện chưa có nhiều và cũng khá cồng kềnh. Trong khi một thiết bị đeo tay cần hướng đến việc thiết kế làm sao thuận tiện và gọn nhất. Dự kiến, một chiếc đồng hồ thông minh dành cho người khiếm thính có giá từ 1,7 triệu trở lên”, Nguyễn Hương Giang chia sẻ.

Cũng khai thác ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số vào việc chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh Covid 19 và trạng thái bình thường mới, Nguyễn Tiến Đức, Lớp Điện công nghiệp 13B, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội mang đến Cuộc thi ý tưởng thiết kế giường thông minh.

Nguyễn Tiến Đức, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: “Ý tưởng sản phẩm giường thông minh nhằm giảm gánh nặng cho người bệnh và người chăm sóc…”

“Giường có thể thay đổi các tư thế nằm, hỗ trợ đi vệ sinh tại chỗ, có thể dễ dàng điều khiển trực tiếp bằng tay hoặc bằng thiết bị thông minh. Đặc biệt, giường có chức năng cảnh báo trực tiếp bằng loa và đèn giúp người chăm sóc biết khi nào người bệnh cần được hỗ trợ”, Nguyễn Tiến Đức cho biết.

Dẫn số liệu từ Bộ Y tế, Nguyễn Tiến Đức cho biết, đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp hơn 2 lần hiện nay. Năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số. Ý tưởng sản phẩm giường thông minh của em nhằm giảm góp phần chia sẻ gánh nặng với người bệnh và người chăm sóc…

1.518 ý tưởng phục vụ cộng đồng trong bối cảnh Covid-19

Phát biểu tại Lễ khai mạc vòng bán kết, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Sau 3 tháng phát động Starup Kite 2021, vòng sơ tuyển đã nhận được 1.518 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Các cơ sở GDNN đã lựa chọn được 205 dự án thuộc 59 trường tại 33 tỉnh, thành phố vào vòng bán kết.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Đỗ Năng Khánh

Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết, số lượng dự án tăng 110% so với Startup Kite 2020 là “rất ấn tượng” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương: “Cuộc thi là cách để các bạn trẻ đóng góp trở lại cho công đồng thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội hòa nhập. Với số lượng lớn ý tưởng tham gia Cuộc thi thể hiện sự quan tâm của những người trẻ đối với người lớn tuổi và người khuyết tật để góp phần giải quyết vấn đề của người cao tuổi ở hiện tại, tương lai cũng như thúc đẩy liên kết liên thế hệ đảm bảo xã hội có quá trình già hóa năng động.

Đồng thời từ sự tham gia tích cực đó cho thấy, chúng ta cần tạo nhiều cơ hội hơn nữa để giới trẻ thể hiện sự đổi mới và sáng tạo của mình”.

Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết, số lượng dự án tăng 110% so với Startup Kite 2020 là “rất ấn tượng” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp 

Theo nhận định của bà Naomi Kitahara, nhiều ý tưởng khởi nghiệp mang đến Cuộc thi có cơ hội áp dụng trong thực tế. Bà Naomi Kitahara đề xuất các doanh nghiệp, doanh nhân cần hỗ trợ đào tạo để các học sinh sinh viên có thêm kiến thức kỹ năng trong lập kế hoạch, xây dựng, phát triển ý tưởng quản lý kinh doanh.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương cho biết, Startup Kite là một trong những cuộc thi khởi nghiệp hướng đến thực tế nhiều nhất. “Khởi nghiệp để sống cuộc sống có ích không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ đồng hành hỗ trợ các bạn nhiều nhất”, ông Vương khẳng định.

Với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0”, Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN” năm 2021 – Startup Kite” hướng đến các ý tưởng, dự án có hàm lượng cao ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật bối cảnh Covid 19 và trạng thái bình thường mới; được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021.

Startup Kite năm nay gồm 5 nhóm tiêu chí, đó là: Tính mới, sáng tạo; Tính khả thi và cạnh tranh; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh Covid 19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế – xã hội và ứng dụng thực tế.

Các thí sinh tham dự Startup Kite 2021 sẽ trải qua 3 vòng thi: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Trong đó, vòng bán kết Starup Kite 2021 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 28/09-02/10/2021 tại Hà Nội.

Vòng chung kết thi kêu gọi vốn đầu tư ảo (thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư) và xử lý tình huống vào tháng 11 năm 2021 với hình thức offline. Đặc biệt, các thí sinh/đội thí sinh được vào vòng chung kết sẽ được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng/dự án để thi chung kết. .

Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, tối đa 02 giải nhì, tối đa 03 giải ba. Mỗi giải nhất, nhì, ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH kèm tiền thưởng, cúp khởi nghiệp và nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.

Lễ trao giải Startup Kite 2021 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên GDNN vào tháng 11/2021 tại miền Trung.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Cuộc thi

Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN” năm 2021 – Startup Kite” ngày 18/6/2021, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trên thế giới, khởi nghiệp được xem là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Đặc biệt, đối tượng khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ và khởi nghiệp khi đang là học sinh, sinh viên mang lại những lợi thế nhất định, là nơi phù hợp để bắt đầu những ý tưởng sản xuất, kinh doanh của mình.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, học sinh, sinh viên ngày hôm nay đã được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay nhất của thế giới, vì thế đang có những lựa chọn và cơ hội rất tốt cho khởi nghiệp

“Hãy tự tin những dự án khởi nghiệp dù được đánh giá ở mức độ nào đi chăng nữa thì cũng giúp ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhắn nhủ.

Hải An