18/06/2021 12:41:24

Startup Kite 2 năm 2021 – sân chơi khởi nghiệp sáng tạo bổ ích thời 4.0 cho học sinh trường nghề

Với việc phát động Cuộc thi Startup Kite 2 năm 2021, học sinh, sinh viên GDNN tiếp tục có được sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công. Qua đó làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn GDNN nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao của đất nước.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Lễ phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN” năm 2021 – Startup Kite”.

Ngày 18/6/2021 tại Hà Nội, Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN” năm 2021 – Startup Kite từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Đến dự Lễ phát động có ông Lê Tấn Dũng – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; ông Daisuke Okabe – Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Trương Anh Dũng -Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cùng gần 500 đại biểu đại diện Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, các trường cao đẳng, trung cấp và học sinh, sinh viên GDNN trong toàn quốc tham dự bằng hình thức trực tuyến.

Học sinh, sinh viên khởi nghiệp mang đến nhiều lợi thế

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, khởi nghiệp kinh doanh là việc mà những người sáng tạo, ham học hỏi và đầy khát vọng chọn để làm. Không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao, hay là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật.

“Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của tất cả mọi người”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Cuộc thi

Chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trên thế giới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, khởi nghiệp được xem là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Đặc biệt, đối tượng khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ và khởi nghiệp khi đang là học sinh, sinh viên mang lại những lợi thế nhất định, là nơi phù hợp để bắt đầu những ý tưởng sản xuất, kinh doanh của mình.

Đánh giá cao tiềm năng của thế hệ trẻ Việt Nam, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, học sinh, sinh viên ngày hôm nay đã được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay nhất của thế giới, vì thế đang có những lựa chọn và cơ hội rất tốt cho khởi nghiệp.

Ngày 28/6/2019, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-LĐTBXH phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần chủ động tìm và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên GDNN sau khi tốt nghiệp.
Đây là động lực quan trọng để thúc đẩy các cơ sở GDNN cần phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng, có biện pháp, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Đồng thời là một giải pháp quan trọng để doanh nghiệp gắn kết hơn với các cơ sở GDNN, qua đó góp phần thúc đẩy ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo ngay trong nhà trường.

Thứ trưởng động viên học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi, bằng tình yêu nghề nghiệp, tập trung thể hiện sức trẻ, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đưa ra các sáng kiến, các giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội và hình thành nên những ý tưởng sáng tạo, thể hiện bản lĩnh của học sinh, sinh viên GDNN. “Hãy tự tin những dự án khởi nghiệp dù được đánh giá ở mức độ nào đi chăng nữa thì cũng giúp ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhắn nhủ.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, gắn kết với GDNN, trong đó có việc quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên GDNN. Từ đó, giúp GDNN thực hiện thành công mục tiêu tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.”

Dự và phát biểu tại Lễ phát động, bà Naomi Kitahara, đánh giá cao việc tổ chức Cuộc thi của Tổng cục GDNN. Theo bà Naomi Kitahara, Cuộc thi có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở GDNN; phát huy tinh thần sáng tạo, trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh, đúc rút kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng cần thiết về khởi sự và quản lý doanh nghiệp.

5 tiêu chí của Startup Kite 2021

Với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0”, Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN” năm 2021 – Startup Kite” hướng đến các ý tưởng, dự án có hàm lượng cao ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật bối cảnh Covid 19 và trạng thái bình thường mới; được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021.

Startup Kite năm nay gồm 5 nhóm tiêu chí, đó là: Tính mới, sáng tạo; Tính khả thi và cạnh tranh; Tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh Covid 19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế – xã hội và ứng dụng thực tế.

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN, UNFPA, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện nghi thức khởi động Cuộc thi

Các thí sinh tham dự Startup Kite 2021 sẽ trải qua 3 vòng thi: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Vòng sơ tuyển thi viết lập ý tượng, dự án tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc từ tháng 5 đến hết ngày 31/8/2021 với hình thức online hoặc offline.

Vòng bán kết thi thuyết trình và phản biện từ tháng 9 đến tháng 10/2021 tại Hà Nội, có thể đăng ký hình thực thi online hoặc offline để chọn ra các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc vào vòng chung kết.

Vòng chung kết thi kêu gọi vốn đầu tư ảo (thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư) và xử lý tình huống vào tháng 11 năm 2021 với hình thức offline. Đặc biệt, các thí sinh/đội thí sinh được vào vòng chung kết sẽ được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng/dự án để thi chung kết. .

Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, tối đa 02 giải nhì, tối đa 03 giải ba. Mỗi giải nhất, nhì, ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kèm tiền thưởng, cúp khởi nghiệp và nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.

Lễ trao giải Startup Kite 2021 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên GDNN vào tháng 11/ 2021 tại miền Trung.

Trước đó, năm 2020 Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức thành công cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN – Startup Kite. Startup Kite 2020 thu hút hơn 1.000 ý tưởng, dự án đăng ký tham gia.
Ban tổ chức đã chọn 38 dự án vào chung kết và trao 01 giải nhất cho ý tưởng Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP. Hồ Chí Minh, 02 giải nhì và 02 giải ba. Một số dự án của Startup Kite 2020 đã được các nhà đầu tư, doanh nhân tiếp tục đầu tư phát triển các ý tưởng thành dự án lớn hơn, mang lại giá trị trong tương lai.
Hải An