18/12/2024 2:30:10

Phòng, chống ma túy dựa vào sức mạnh của cộng đồng

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay, tổng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện trên toàn quốc là 285.643 người. Trong đó, tổng số người bị quản lý sau cai nghiện ma túy trên toàn quốc là 14.996 người.

Hiện nay, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có nhiều chuyển biến, số đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng tăng 401 đơn vị, tăng 92% so với năm 2022.

Một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo để khắc phục khó khăn như giao cho các Trung tâm y tế là cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; thành lập Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Đàm Thị Minh Thu kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Kiên Giang tháng 9/2024 – Ảnh: Như Ngọc

Tích cực hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng

4 năm trở lại đây, nhiều địa phương đã triển khai mô hình quản lý cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Qua thời gian thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp đỡ nhiều người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ người nghiện trên toàn quốc.

Tại Hà Nội, việc tổ chức cai nghiện theo hình thức xã hội hóa bằng cách để các doanh nghiệp, tư nhân thành lập các cơ sở cai nghiện tự nguyện được coi là giải pháp quan trọng để giảm tác hại do ma túy gây ra; đồng thời, góp phần giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung.

Mô hình cai nghiện theo hình thức xã hội hóa khác, là tổ chức cai nghiện dựa vào gia đình, cộng đồng cũng được Hà Nội áp dụng.

Để chủ động gỡ vướng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các mô hình điều trị cai nghiện này, ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách theo quy định chung, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã huy động các nguồn lực để triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” và “Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người sử dụng ma túy” tại nhiều địa phương.

Hiện tại, các mô hình này đã được thiết lập tại các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, huyện Thanh Trì… Đơn cử, kết quả bước đầu cho thấy, toàn quận Tây Hồ đang quản lý hồ sơ của hơn 420 người nghiện ma túy; các phường tích cực tổ chức cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 82 người, đạt hơn 96% chỉ tiêu. Đáng ghi nhận hơn, sau cai nghiện, một số trường hợp đã tích cực hòa nhập cộng đồng.

Tìm việc làm, hỗ trợ vốn vay giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng

Tại Đồng Tháp, để triển khai thực hiện mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã xây dựng kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành liên quan tập huấn kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã tham gia thực hiện mô hình. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn chính sách quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Lực lượng công an các xã phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên gặp gỡ, động viên đối tượng từ bỏ ma túy; tư vấn giới thiệu việc làm, xem xét các nguồn vay vốn giúp các đối tượng từng bước thay đổi hành vi, phát triển sản xuất và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Đến nay, có khoảng 130/143 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình, trực tiếp quản lý hơn 1.620 người nghiện ma túy tại cộng đồng. Tăng cường công tác tư vấn và trợ giúp người sau cai nghiện; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, giới thiệu việc làm… tạo điều kiện cho đối tượng từ bỏ ma túy ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện.

Trên thực tế, các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng đang phát huy hiệu quả. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và tại cộng đồng được đánh giá là mô hình thân thiện, nhân văn, nhưng vẫn còn một số địa phương hiện chưa đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nghiện, người cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng được triển khai, làm căn cứ để các bên đưa ra giải pháp phòng, chống ma túy phù hợp, khả thi.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến ma túy…

Hiện nay, trên cả nước, ngoài những giải pháp, mô hình cai nghiện đang triển khai, các Sở LĐ-TB&XH đang xây dựng kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng giai đoạn 2021-2025; Đó là những định hướng quan trọng để các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, phòng, chống tệ nạn ma túy sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự tham gia của các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Thực tế, nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy hiệu quả nhờ dựa vào sức mạnh của cộng đồng.

Ngoài các chính sách chung của Nhà nước, các địa phương nên có hơn nữa những dự án đặc thù xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội để hỗ trợ, vực dậy các địa bàn bị ma túy tàn phá, kết hợp với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện, giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng.

Thành Công