Họ là những người trẻ trên toàn quốc và đang làm hết sức trong khả năng của mình để chống dịch: nấu cơm, làm shipper 0 đồng, tạo ra cuốn “Nhật ký thanh niên thời Covid-19” để tặng những người thường xuyên di chuyển ghi lịch trình, tiếp xúc nhằm giúp cơ quan chức năng truy vết khi dịch bệnh xảy ra…
Nấu cơm tặng và làm shipper 0
Hơn 2 tháng qua, CLB Đom Đóm Phú Yên kết nối, trao nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân vùng bị cách ly, phong tỏa. Từ sáng sớm, cả 8 thành viên của CLB đã mỗi người một việc: người lên lịch trao quà, người vào bao bì, người nhận điện thoại kết nối nhà hảo tâm, liên lạc với chính quyền địa phương…hết sức rộn ràng và nhịp nhàng.
“Hôm nay CLB Đom Đóm Phú Yên tặng 103 suất quà cho bà con ở khu phố mình, mỗi suất gồm 10kg gạo, 20 trứng gà, thùng rau quả xanh và hũ đậu phộng. Để đảm bảo an toàn, bà con cứ ở yên trong nhà, CLB sẽ mang quà để trước cổng nhà, khi chúng tôi rời đi thì mới ra lấy. Xa mặt nhưng gần lòng nha bà con” – Lê Thoại Kỳ thông báo bằng loa tay khi vừa đến khu phong tỏa ở phường 4.
Các “chiến binh Đom Đóm” người đẩy xe, người vác hàng, quà đến tận cổng nhà dân. Nếu ai đó từng khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế kín mít kêu nóng, ngộp thì chắc đó mới chỉ là cảm nhận một, còn mặc bộ đồ này di chuyển dưới nắng nóng, vác hàng nặng, leo dốc, vô hẻm liên tục trong 2-3 giờ đồng hồ như các thành viên CLB Đom Đóm Phú Yên, “khổ cực” phải gấp mười.
4h sáng, cả nhóm bắt đầu nấu 300 suất ăn sáng, tặng cho bệnh viện bị phong tỏa. Giữa sáng đến xế chiều, họ đến các khu phong tỏa, cách ly tặng nhu yếu phẩm, lương thực cứu trợ. Chiều và đêm, nhóm lại thành những ‘shipper 0 đồng’.
Shipper 0 đồng là chương trình hỗ trợ cho bà con nghèo hết tiền mua thực phẩm với phương châm “Nếu bạn thiếu thì hãy gọi, còn nếu đủ xin hãy nhường cho người khác”. Chỉ những người quá thực sự khó khăn, kẹt lắm họ mới gọi cho mình, bởi vậy chúng tôi phải bằng mọi giá đáp ứng ngay, miễn phí từ hàng hóa đến công giao” – Út Mi cho biết.
Cho đến nay, chỉ tính riêng giá trị hàng hóa mà CLB Đom Đóm Phú Yên tặng cho đồng bào vùng dịch đã hơn 1 tỉ đồng.
Cuốnn “Nhật ký tuyến đầu chống dịch”
Thành đoàn Sầm Sơn đã vận động các nguồn kinh phí và tổ chức mua hàng trăm cuốn sổ tay để in thành cuốn sổ có tên gọi “Nhật ký thanh niên thời Covid-19” (in ở bìa cuốn sổ). Bên trong trang bìa còn in ngắn gọn, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và 3 số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Sầm Sơn khi người dân cần hỗ trợ.
Các trang nội dung của cuốn sổ được thiết kế 4 cột dọc, gồm: thời gian, nơi đến, người tiếp xúc gần và phần ghi chú. Mỗi cuốn sổ dày từ 50 – 70 trang, giúp người sử dụng có thể ghi lại nhật ký di chuyển, tiếp xúc của mình trong nhiều ngày.
Chị Ngô Thị Ánh, Phó bí thư phụ trách Thành đoàn Sầm Sơn, cho biết trong công tác phòng, chống dịch, công đoạn truy vết các F1, F2 và F3 liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 là công đoạn khó khăn, phức tạp. Vì vậy, Thành đoàn Sầm Sơn đã nghĩ ra sáng kiến và thực hiện mô hình “Nhật ký thanh niên thời Covid-19” để hỗ trợ truy vết nhanh chóng nhất, chính xác nhất khi dịch bệnh xảy ra.
“Những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, lãnh đạo Thành đoàn Sầm Sơn và các ĐVTN đã cùng nhau làm và tặng sổ “Nhật ký thanh niên thời Covid-19” cho các bạn trẻ trên địa bàn, nhất là những thanh niên đang tham gia thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi cũng đã tặng hàng trăm cuốn cho các tài xế taxi, tài xế xe tải…, những người thường xuyên di chuyển, để họ ghi lại lịch trình, người tiếp xúc hàng ngày”, chị Ánh cho hay.
Sổ “Nhật ký thanh niên thời Covid-19” được Thành đoàn Sầm Sơn tặng miễn phí cho người dân. Ngoài những thông tin hữu ích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có trong sổ, người dùng còn sử dụng để ghi lại hành trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc với những ai trong từng ngày. Và khi có liên quan đến dịch bệnh, cơ quan chức năng chỉ cần xem cuốn sổ sẽ có được ngay thông tin cần thiết trong việc truy vết.
Trung Hiếu (T/h)