Đây là nhận định được bà Afsana Rezaie – Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam đưa ra tại Hội nghị “Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đông Nam Bộ”.
Hội nghị do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 17/6 tại TP.HCM.
Tham dự hội nghị có sự góp mặt của ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Phạm Văn Sơn – Vụ Khoa giáo – Văn xã Văn phòng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Phương Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, bà Phạm Ngô Thùy Ninh – Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực – Vụ Tổ chức Cán bộ – Bộ Công Thương, bà Afsana Rezaie – Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam và các đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN khu vực Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, hệ thống GDNN đang đứng trước cơ hội rất lớn là tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, tận dụng công nghệ số để đổi mới hệ thống GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển xã hội.
Những chuyển biến về công nghệ đang gây áp lực cho các ngành nghề, nhiều nghề sẽ mất đi hoặc thay đổi căn bản những yêu cầu về kỹ năng, chuyên môn. Trong khi đó, nguồn nhân lực đang được xác định là một trong những cơ sở giúp Việt Nam phát triển đột phá, điều đó bắt buộc chúng ta phải đổi mới. Không tận dụng chuyển đổi số để thay đổi, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước phát triển thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội này.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Gắn kết doanh nghiệp không nên làm một chiều bằng cách kêu gọi: Doanh nghiệp hãy tham gia với chúng tôi. Nên có những giải pháp quyết liệt như hỗ trợ đào tạo người dạy cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực dự báo xu hướng lao động, năng lực quản lý”.
Cũng tại hội nghị, bà Khương Thị Nhàn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục GDNN cũng đã phổ biến Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bà cho biết, Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Trong khi đó, tuyển sinh trong GDNN chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu của chiến lược là phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề. Để đạt được những mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, trong đó 2 giải pháp đột phá là Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN.
Bà Afsana Rezaie – Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam chia sẻ một vài kinh nghiệm từ quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển GDNN: “Trong mắt doanh nghiệp, các chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo tại các trường hiện nay không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu của các công ty tiên tiến. Mức độ tin cậy của doanh nghiệp vào các chứng chỉ và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp còn tương đối thấp. Đó chính là lý do nhiều công ty tuyển dụng lao động phổ thông và thực hiện đào tạo tại chỗ”.
Tại Phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Phương Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có những băn khoăn rằng đối với các trường nghề của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy phải song song đồng hành với việc nâng cao cơ sở vật chất, bởi vì ở các trường dạy nghề việc thực hành là chính thì các cơ sở phục vụ cho việc đào tạo là rất quan trọng.
Bà Loan nói: “Ở khu vực Đông Nam Bộ, và Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai của chúng tôi là đơn vị cung cấp rất lớn nguồn nhân lực các ngành nghề như đồ họa, thiết kế mỹ thuật, thiết kế nội thất… Đây là những ngành nghề có nhiều nhà máy, công ty, khu công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ, nên rất cần sự quan tâm của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh để đầu tư trang thiết bị, mở rộng cơ sở vật chất để đào tạo được đội ngũ có chất lượng cao.
Đồng thời, sự hỗ trợ của doanh nghiệp lành nghề có cơ chế phù hợp, thỏa đáng cho các nghệ nhân để có thể truyền dạy nghề cho các học sinh – sinh viên. Đối với ngành Du lịch, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu là một đơn vị đào tạo nghề chất lượng cao, nhưng để làm cho các cơ sở lưu trú du lịch năm sao, điều hành các hoạt động du lịch vẫn còn hạn chế. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, thì việc nâng chất lượng cơ sở góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế của xã hội”.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và cơ sở GDNN của các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, chính sách đang triển khai tại địa phương cũng như những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực GDNN.
Kết thúc Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về GDNN, phát triển về việc phát triển chuyển đổi số, triển khai các giải pháp trọng tâm về vấn đề nội vụ, nhà giáo, giáo viên… cũng như tăng cường năng lực tại các Sở nhằm đáp ứng nhu cầu mục tiêu Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030.
Uyển Nhi – Hai Hoàng