24/02/2021 4:36:18

“Mùa xuân” của những người thầy ngành khai thác mỏ

Câu chuyện của những người thầy Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam là những chuỗi ngày dài xa gia đình, xa quê hương để gắn bó với vùng “vàng đen” của Tổ quốc – Quảng Ninh. Trong suốt nhiều năm, họ lặng lẽ rong ruổi khắp các vùng miền với công việc tìm và đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng cho ngành khai thác mỏ.

“Nằm vùng” thực địa để khai thác nguồn nhân lực

Đã hơn 10 năm nay, yêu và tâm huyết với nghề, Thầy giáo Bùi Văn Vương – Trưởng phòng tuyển sinh cùng 40 cán bộ của Trường Cao đẳng Than- Khoáng sản Việt Nam đã quen với việc phải xa gia đình để đến với những miền đất “đèo cao, núi thẳm” làm công tác tư vấn tuyển sinh.

Mỗi khu vực, nhà trường đều chia ra các nhóm công tác tư vấn tuyển sinh và phụ trách theo kiểu “nằm vùng” ở các đơn vị cơ sở huyện, xã. Cứ một tháng, thầy Vương và những cán bộ của trường nhận nhiệm vụ đặc biệt này, 3 tuần là họ “nằm vùng” tác chiến ở các thôn, bản làng thuộc vùng sâu, vùng xa của các tỉnh, huyện miền núi. Còn lại 1 tuần – thời gian chỉ đủ cho họ trở về thăm gia đình vài ba hôm và làm những thủ tục cần thiết chuẩn bị cho một cuộc hành trình trong tháng mới…

Thời gian hiếm hoi được ở bên gia đình của thầy giáo Bùi Văn Vương

Nhớ lại những ngày đầu khi mới nhận được Quyết định làm cán bộ tuyển sinh tỉnh ngoài phụ trách khu vực thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng…chỉ nghĩ đến đã thấy xa xôi, cùng với đó là sự lo lắng cho chặng đường mới mẻ, chưa từng có kinh nghiệm, thầy Vương và đồng nghiệp đã nhận được sự động viên, khích lệ lớn từ ban lãnh đạo nhà trường.

Đến với thực tế, vượt qua những khó khăn về điều kiện sống, khoảng cách địa lý, có khi cách nhau cả mấy chục km đường đèo, đồi núi hiểm trở, thời tiết mây mù, sương băng giá lạnh…là cả một quá trình thử thách với cán bộ làm công tác vận động, tư vấn tuyển sinh nơi đây.

Nhưng bằng tất cả sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết, cùng với đó là những chủ trương định hướng, ký kết quy chế phối hợp giữa Nhà trường với các đơn vị cơ sở đã giúp các thầy có được động lực để gắn bó với công việc, trau dồi kinh nghiệm nắm bắt tâm lý, nhu cầu của người dân vùng thiểu số…nhằm thực hiện tốt nhất công tác tư vấn, tuyển sinh.

Cảm nhận đầu tiên của những cán bộ làm công tác tuyển sinh đối với người dân tộc, đó chính là “cái bụng” mến khách, cởi mở, tấm lòng lương thiện, ấm áp như chén rượu nồng men lá của vùng đồng bào dân tộc…

Trưởng phòng tuyển sinh Bùi Văn Vương (phải) gần gũi với người vùng đồng bào dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Thầy Vương cho biết: “Người dân nơi đây thật thà, chất phác, chăm chỉ, có sức khỏe và đặc biệt mong muốn được học một nghề phù hợp với trình độ năng lực của bản thân, để có một việc làm và mức thu nhập ổn định trang trải cuộc sống gia đình… Đó chính là tiềm năng nguồn nhân lực cần được khai thác và  khơi dậy niềm đam mê, tinh thần nhiệt huyết của những người làm công tác tuyển sinh”.

Để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, những cán bộ làm công tác tuyển sinh như thầy Vương luôn đặt vị trí mình “như một trai bản’ thực sự, gần gũi với thanh niên, với các gia đình trong bản, đôi khi các thầy còn được gia đình các học sinh tạo điều kiện về chỗ ăn chỗ ở. Điều này giúp các thầy dễ dàng hơn trong công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách làm việc, phúc lợi… của Tập đoàn Than đối với người lao động.

Ông Hà Minh Trần – nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng, người có tầm ảnh hưởng lớn trong công tác vận động cũng như mở các lớp dạy văn hóa cho người lao động hiểu được tác phong công nghiệp, kỷ luật và cam kết khi đến với thị trường lao động…đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tải số lượng đồng bào dân tộc bỏ học, bỏ làm.

Ông Hà Minh Trần- Nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng luôn đồng hành cùng Nhà trường trong công tác vận động, chia sẻ nghề nghiệp cho con em vùng đồng bào dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Cùng với đội ngũ cán bộ tuyển sinh cơ sở, Ban Giám hiệu nhà trường bao gồm các thầy giáo: Nguyễn Quốc Tuấn- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; Đinh Khắc Thiệu- Phó Bí thư thường trực; Vũ Văn Thịnh- Phó Hiệu trưởng nhà trường, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh…. đã trực tiếp đến huyện, xã các tỉnh tỉnh để làm việc và đã ký được quy chế phối hợp với 25 huyện ủy nhằm tạo ra sức hút lao động cho ngành than, cũng như những chính sách hỗ trợ cho người lao động để họ yên tâm làm việc ở vùng “vàng đen” Quảng Ninh.

Sự phối hợp 3 bên giữa: nhà trường – doanh nghiệp và địa phương là sự gắn kết chặt chẽ, người lao động được hỗ trợ, giúp đỡ, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp được quan tâm chăm sóc… Vì thế, hàng năm tỷ lệ người lao động ở một số địa phương như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn đều gia tăng đáng kể. Điều này, cũng góp phần cho các địa phương “xóa đói giảm nghèo” bền vững.

Niềm hạnh phúc của những người thợ mỏ

Nguồn nhân lực được đào tạo tại Trường Than- Khoáng sản Việt Nam đóng góp lớn cho ngành khai thác mỏ.

Khi những cán bộ tuyển sinh chia sẻ về mức lương 12- 14 triệu đồng cho người dân vùng đồng bào dân tộc ở thời điểm cách đây vài năm, bà con đều không tin có mức “lương cao” như thế và cho rằng “cán bộ nói dối”, cán bộ “lừa đảo”… Vì trung bình mỗi ngày thu nhập của người dân nơi đây ngày ấy chỉ khoảng 20- 30 nghìn đồng/ngày.

Câu trả lời thiết thực nhất chính là những hành động cụ thể, tổ chức đã đưa con em, học sinh những nơi này đến cơ sở đào tạo của Trường Cao đẳng Than- Khoáng sản Việt Nam, trực quan chứng kiến để hiểu rõ về tính chất công việc tại các đơn vị, doanh nghiệp khai thác than của Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam.

Khi nắm bắt được thông tin thực tế về tính chất công việc, được nhìn thấy nơi ăn, chỗ ở của những người thợ mỏ vùng than với nhịp sống đều đặn ở các Công ty Than như: Núi Béo, Hà Lầm, Dương Huy, Quang Hanh, Khe Chàm, Mông Dương…, các bậc phụ huynh, học sinh, con em vùng đồng bào dân tộc mới thực sự tin tưởng và quyết định vận động, cùng lan tỏa rộng rãi trong học sinh cấp THCS theo cán bộ đi học, kiếm thêm cái chữ và học nghề để có việc làm ổn định như cán bộ tuyên truyền. Sức cuốn hút nguồn tuyển ở Cao Bằng, có năm ở một xã có tới 30 người chọn theo học và đi làm cho ngành mỏ.

Thầy Vũ Văn Thịnh- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than- Khoáng sản Việt Nam, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – Giới thiệu việc làm cho biết: “ Những năm gần đây, với sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam, Ban Giám hiệu nhà trường, cùng những tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyển sinh, số lượng người học và trở thành nguồn nhân lực có kỹ năng cho Tập đoàn Than- Khoáng sản đã có những chuyển biến tích cực về số lượng và cả chất lượng. Năm học 2020- 2021, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 4.984 HSSV… Nhưng thực tế, trường đã đạt tới 5.612 HSSV”.

Người Thợ mỏ Đặng Tòn Khe ( phải) trong niềm vui được Ban lãnh đạo Nhà trường quan tâm động viên trong lao động, sản xuất.

Người thợ mỏ Đặng Tòn Khe ở bản Lũng Vài (xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) bày tỏ: “Khi được Thầy Vương chia sẻ về mức lương 12- 14 triệu đồng/tháng, tôi không tin rằng đó là sự thật. Chỉ đến khi đi làm thực sự, ngày được phát lương tháng đầu tiên với đủ 25 ngày công, tôi nhận được số tiền 25 triệu đồng mà cứ ngỡ… như mơ…”

Thu Thủy