24/03/2025 9:31:16

Một số giải pháp hoàn thiện nội dung, hình thức liên kết phát triển kinh tế du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng

Ảnh inetnet

Với tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự phát triển kinh tế du lịch không chỉ bó hẹp trong một không gian, lãnh thổ mà luôn vươn ra khỏi phạm vi hành chính một địa phương, quốc gia và khu vực. Việc liên kết kinh tế du lịch giữa các ngành, các lãnh thổ khác nhau cho phép khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về vị trí trong giao thương về hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật và các nguồn lực khác để phát triển kinh tế du lịch. Bài viết làm rõ nội dung, hình thức liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững vùng và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện nội dung, hình thức liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ảnh inetnet
Ảnh inetnet

Liên kết phát triển kinh tế du lịch là sự thiết lập các mối quan hệ giữa các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong vùng hoặc giữa vùng này với vùng khác trong cả nước, liên kết, hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế du lịch, nhằm mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế -xã hội liên địa phương, liên vùng.

  1. Nội dung liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững

Liên kết quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch: Thương hiệu du lịch được xem là tài sản vô hình của địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, có vai trò rất quan trọng trong việc giúp địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sản phẩm du lịch cho khách hàng tồn tại và đứng vững trên thị trường. Nhờ có thương hiệu du lịch mà mức độ nhận diện doanh nghiệp, sản phẩm của người dùng được rộng rãi hơn, tạo được sự khác biệt và tăng mức độ cạnh tranh. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần tăng cường liên kết, quảng bá thương hiệu của mình. Liên kết là giải pháp quan trọng nhất để khai thác tối đa giá trị tài nguyên, tạo ra sản phẩm, thương hiệu hấp dẫn mang tầm quốc gia và khu vực.

Liên kết quy hoạch, phát triển và quản lý điểm đến: Thông qua liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ du lịch, để đảm bảo cung cấp chuỗi dịch vụ liên tục tại điểm đến và cho hoạt động tiếp thị (ví dụ như dịch vụ lưu trú, giải trí cũng như hoạt động tham quan tại một số điểm du lịch trong vùng, địa phương). Đây là vấn đề rất cần thiết để có thể quản lý và thành công trong sự phát triển ngành du lịch. Kinh nghiệm cho thấy những địa bàn phát triển du lịch không có quy hoạch đều gặp phải những vấn đề về xã hội và môi trường, giảm lợi ích về kinh tế, kém khả năng cạnh tranh đối với những nơi thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch. Liên kết quy hoạch, phát triển và quản lý điểm đến cần được tiến hành theo mô hình bền vững, hài hòa giữa 3 yếu tố: môi trường sinh thái, kinh tế và các chỉ tiêu xã hội. Đồng thời, cần được thực hiện ở các cấp độ phân cấp khác nhau: Từ cấp độ địa phương/cộng đồng trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ đến cấp độ vùng/tỉnh hoặc cấp độ quốc gia (do Tổng cục Du lịch Việt Nam quản lý).

Liên kết phát triển chuỗi giá trị du lịch: Hình thành chuỗi các hoạt động có liên kết nhằm tạo lập và làm gia tăng giá trị du lịch của các điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, bao gồm các hoạt động chính và các hoạt động bổ trợ. Các hoạt động chính như đầu vào, sản xuất, đầu ra, maketting và bán hàng, dịch vụ khách hàng. Các hoạt động bổ trợ như thu mua, phát triển công nghệ, quản trị nguồn nhân lực du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch. Liên kết phát triển chuỗi giá trị du lịch có vai trò quan trọng, giúp củng cố kinh tế địa phương, xác định những thế mạnh của từng địa phương trong vùng, phát huy tính cạnh tranh và hội nhập vào các chuỗi du lịch quốc gia và quốc tế, phân tích các giá trị gia tăng được tạo ra và xây dựng chiến lược kinh doanh của các chủ thể.

Liên kết tổ chức lễ hội và xúc tiến du lịch: Đây là hoạt động liên kết giữa các chủ thể, các bên nhằm xúc tiến sự phát triển du lịch thông qua việc lựa chọn lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh. Liên kết tổ chức lễ hội và xúc tiến du lịch có thể được tiến hành bằng cách phối hợp tổ chức chương trình khảo sát quảng bá, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch, chương trình du lịch mới của các địa phương, trên cơ sở đó định hướng cho doanh nghiệp du lịch liên kết phối hợp để xây dựng chương trình du lịch kết nối các tuyến, điểm du lịch của các địa phương.

Liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch: Cơ sở hạ tầng được ví như xương sống của mọi ngành, trong đó có ngành du lịch, mở đường cho việc thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án du lịch. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến trong khu vực, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của du khách, ngành du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến, nhất là tại các khu du lịch trọng điểm của vùng, quốc gia. Cơ sở hạ tầng này bao gồm cả hạ tầng của các điểm đến, hệ thống giao thông vận tải đường bộ, dịch vụ hàng không, mặt đất, cảng tàu khách du lịch và các dịch vụ du lịch như khách sạn, cơ sở lưu trú hay thuê xe, mạng viễn thông, internet… Liên kết hiện đại hóa hạ tầng sẽ “chắp cánh” cho du lịch phát triển, góp một phần quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của ngành du lịch trong dài hạn.

Liên kết du lịch với các ngành khác:  Liên kết giữa du lịch với các ngành, như ngành du lịch với ngành khách sạn, nhà hàng; ngành du lịch với ngành giao thông kết nối đường bộ, đường hàng không, đường sông, đường biển, đầu tư vào hạ tầng giao thông; liên kết giữa ngành du lịch với ngành công an, ngoại giao về xuất nhập cảnh, các chính sách thị thực. Ngay trong ngành văn hóa và ngành du lịch cũng cần phải có sự liên kết chặt chẽ để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa. Việc liên kết du lịch với các ngành khác sẽ giúp gia tăng và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng, như đảm bảo cho khách du lịch thỏa mãn nhu cầu ăn uống, chỗ ở, đi lại, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe trong các chuyến đi, có tác dụng lớn trong việc kích cầu, hút khách đến với địa phương, với điểm du lịch.

Hợp tác du lịch với các quốc gia và tổ chức quốc tế: Nội dung liên kết này bao gồm việc ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế. Tích cực và chủ động tham gia các cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch không chỉ đơn thuần là việc quảng bá hình ảnh điểm đến mà còn là sự kết nối giữa các quốc gia, doanh nghiệp và người dân. Nhờ hợp tác mà các địa phương, doanh nghiệp du lịch có thể chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, cùng nhau phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

  1. Hình thức liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững

Các hình thức liên kết phát triển kinh tế du lịch rất đa dạng, phong phú. Có thể kể đền các hình thức liên kết phổ biến như:

Hợp đồng du lịch là sự thỏa thuận về việc thực hiện chương trình du lịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch. Hợp đồng du lịch được lập thành văn bản nhằm ghi nhận lại các thỏa thuận có liên quan đến việc tổ chức du lịch. Hợp đồng có các nội dung về số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch; giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán; điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng; điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng; điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch.

Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng, vùng này với vùng khác trong cả nước, vùng với các quốc gia và các tổ chức, hiệp hội du lịch quốc tế. Thỏa thuận liên kết, hợp tác tạo cơ hội để các địa phương cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị ngành du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập mối quan hệ hợp tác, đề xuất những giải pháp đẩy mạnh kết nối, xây dựng các tour tuyến, liên kết điểm đến. Bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch bao gồm việc xác định mục đích, thời hạn liên kết, hợp tác; chủ thể, đối tượng hợp tác; tài sản, sức lao động đóng góp; phương thức phân chia lợi tức; quy định quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác; quyền, nghĩa vụ của người đại diện; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên; điều kiện chấm dứt thỏa thuận liên kết, hợp tác.

Liên minh du lịch là hình thức liên kết, hợp tác mà trong đó các nhóm là tập hợp các doanh nghiệp du lịch cùng có thế mạnh, cùng khai thác các dòng khách có nhu cầu gần giống nhau để hợp tác tạo được nguồn khách ổn định. Mối liên minh này thường từ những doanh nghiệp du lịch không cạnh tranh trực tiếp nhưng thường có sản phẩm và dịch vụ gần giống để hướng đến cùng đối tượng mục tiêu. Có thể có dạng liên minh để kích cầu du lịch; liên minh khai thác, chia sẻ nguồn khách cho nhau để vận hành tour một cách liên tục; liên minh góp vốn để đầu tư, xây dựng sản phẩm mới, hay hay liên minh bán sản phẩm du lịch. Thay vì chỉ làm du lịch một mình, nguy cơ thua lỗ và tạm dừng khai thác tour là rất lớn, doanh nghiệp tiến hành liên minh để đảm bảo về giá cả, cũng như chất lượng dịch vụ, giám sát và hỗ trợ lẫn nhau. Hạn chế tối đa sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá để thu hút khách du lịch. Không dừng lại liên minh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng, mà có thể mở rộng liên minh giữa các doanh nghiệp du lịch ngoài địa phương, ở các vùng khác trong cả nước và liên minh du lịch quốc tế.

Cụm liên kết du lịch là hình thức liên kết du lịch giữa các địa phương có sự gần gũi về địa lý. Chẳng hạn, Cụm liên kết 8 tỉnh miền núi phía Bắc; Cụm liên kết du lịch Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình; Cụm liên kết phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long; Cụm liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long… Cụm liên kết du lịch hình thành có tác dụng đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch cụm đến du khách thông qua các kỳ hội chợ triển lãm và các lễ hội; hợp tác xây dựng sản phẩm, sử dụng dịch vụ du lịch của các địa phương, hình thành nhiều địa điểm tham quan, du lịch; khai thác được những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.

Hiệp định du lịch là hợp tác trong du lịch giữa các quốc gia, nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh; giảm thiểu đáng kể các hạn chế đối với thương mại dịch vụ du lịch; thiết lập mạng tích hợp các dịch vụ du lịch, phát huy tối đa tính hỗ trợ lẫn nhau của các điểm du lịch; tăng cường phát triển và quảng bá du lịch; tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác để phát triển. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều hình thức liên kết khác như hình thức liên kết tổ chức các chuỗi sự kiện về du lịch; Liên kết tổ chức hội chợ, triển lãm du lịch; Hoạt động của các nhóm/tổ marketing du lịch vùng; Phối hợp hoạt động của các Hiệp hội du lịch tỉnh – vùng – Hiệp hội du lịch Việt Nam trong liên kết phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch; Liên kết mạng du lịch.

  1. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nội dung, hình thức liên kết phát triển kinh tế du lịch vùng

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả liên kết xây dựng thương hiệu du lịch chung cho toàn vùng, cùng tạo dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, thương hiệu hấp dẫn mang tầm quốc gia và khu vực (từ thương hiệu này, các tỉnh, thành sẽ gắn tên địa phương theo sau). Việc xây dựng thương hiệu du lịch vùng và thương hiệu mạnh của từng địa phương cần được quan tâm, chú trọng, vì thương hiệu sẽ tạo nên sự nhận biết, lựa chọn, yêu mến và tín nhiệm của du khách đối với sản phẩm du lịch vùng, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng. Các loại hình thương hiệu phải được bổ sung và kết nối trong tất cả các hoạt động du lịch. Hạn chế tình trạng nóng vội, đưa ra các chiến lược phát triển du lịch thiếu tính bền vững, trùng lặp về sản phẩm du lịch, thiếu quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường và văn hóa bản địa, thiếu tập trung để tìm ra sự khác biệt, bản sắc riêng của sản phẩm, phần “hồn” trong kinh doanh du lịch. Điều đó ảnh hưởng đến việc hình thành thương hiệu du lịch của địa phương, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững của vùng.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả liên kết quy hoạch, phát triển và quản lý điểm đến, bao gồm liên kết để xây dựng chiến lược phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, an toàn, thân thiện, nhân văn, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên; quản lý tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, môi trường, dịch vụ…. Liên kết du lịch vùng hiện nay không chỉ là xây dựng các điểm đến có ranh giới hành chính của các địa phương mà phải xây dựng những điểm đến lớn hơn do các địa phương, doanh nghiệp, các bên liên quan kết nối với nhau. Hình thành các sản phẩm và dịch vụ, các hoạt động và trải nghiệm dọc theo chuỗi giá trị, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Liên kết nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa vùng, địa phương trong vùng; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Liên kết du lịch phải giúp cho việc quản lý các vấn đề môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách toàn diện, hệ thống. Hạn chế việc khai thác, sử dụng các loại tài nguyên diễn ra chưa hợp lý, kém hiệu quả và không bền vững dẫn đến lãng phí nguồn lực vùng, quốc gia; một số nguồn tài nguyên có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt như hiện nay.

Ba là, liên kết phát triển chuỗi giá trị (liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải, lữ hành và dịch vụ tại điểm đến thành các chuỗi giá trị…). Sản phẩm du lịch được hình thành dựa vào nhiều yếu tố, trong đó phần lớn sản phẩm dịch vụ của ngành, các lĩnh vực cung ứng thực phẩm, điện nước, hạ tầng… Các yếu tố đầu vào từ các ngành có thể cung cấp nhu cầu trải nghiệm du lịch, vừa có thể là sản phẩm tiêu dùng bảo đảm nhu cầu tối thiểu trong quá trình thực hiện du lịch của du khách. Xây dựng chuỗi giá trị có vai trò quan trọng đối với các địa phương trong vùng như củng cố kinh tế địa phương, xác định những ngành trong vùng có tiềm năng nhất về thị trường và phát triển du lịch, phát huy tính cạnh tranh, hội nhập vào các chỗi giá trị du lịch quốc gia và quốc tế.

Bốn là, liên kết tổ chức lễ hội và xúc tiến du lịch. Sự kiện du lịch, lễ hội độc đáo đang ngày càng thu hút đông đảo du khách, đây cũng là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo từ các nét đặc trưng của mỗi địa phương, làm phong phú thêm cho hệ thống sản phẩm du lịch vùng ĐBSH. Các địa phương nên phối hợp tổ chức hàng năm với hình thức sự kiện du lịch, các chương trình khuyến mãi… như các hình thức Festival – một loại sự kiện đặc biệt tập trung vào một chủ đề thuộc một tổ chức, địa phương hay vùng, mang tính định kỳ và thường xuyên; Lễ hội văn hóa; Lễ hội ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề; Lễ hội tâm linh, tạo sức hút du lịch tâm linh nhân dịp đầu xuân.

Năm là, liên kết hạ tầng du lịch, bao gồm các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, hạ tầng kỹ thuật, viễn thông, hạ tầng xã hội. Hiện nay, hệ sinh thái giao thông vùng ĐBSH cơ bản đầy đủ, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển) kết nối với 4 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế; là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, để du lịch phát triển hơn nữa, cần đầu tư cho kết nối hạ tầng giao thông vùng; đầu tư dự án đường vành đai 5. Thực hiện kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông; liên kết phát triển hạ tầng xã hội (nhất là nhà ở), y tế, giáo dục, văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Sáu là, liên kết giữa du lịch và ngành nông nghiệp của vùng, hình thành và phát triển hình thức du lịch canh nông, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn. Việc kết hợp giữa nông nghiệp – du lịch như mô hình tăng trưởng sẽ mang lại hiệu quả cho cả ngành nông nghiệp lẫn du lịch của vùng ĐBSH. Liên kết giữa du lịch và ngành nông nghiệp giúp sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường – yếu tố chính trong phát triển du lịch. Duy trì các quá trình diễn thể sinh thái cần thiết và hỗ trợ bảo tồn di sản thiên nhiên, tính đa dạng sinh học, môi trường. Tôn trọng và bảo vệ di sản và các giá trị truyền thống. Góp phần tăng thêm sự hiểu biết và tôn trọng các nền văn hóa khác. Đảm bảo lợi ích kinh tế thiết thực và lâu dài cho tất cả tác nhân tham gia. Đảm bảo phân bổ lợi ích kinh tế một cách công bằng – bao gồm cả các dịch vụ xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Để hoạt động liên kết liên kết giữa du lịch và ngành nông nghiệp của vùng có hiệu quả phải nghiên cứu kết hợp giữa các yếu tố: (1) Lựa chọn không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp. (2) Phát huy vai trò của chủ thể cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp. (3) Chất lượng các hoạt động khác nhau phục vụ cho sự giao lưu, trải nghiệm, khám phá của du khách với cộng đồng. (4) Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp. (5) Phát huy vai trò cầu nối của các công ty lữ hành. (6) Hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến.

Bảy là, tổ chức có hiệu quả các hình thức hợp tác du lịch với các tổ chức quốc tế như các dự án được thực hiện theo sự tài trợ của chính phủ các nước; dự án của các tổ chức quốc tế; dự án của các tổ chức phi Chính phủ (NGO) và các hiệp hội. Nghiên cứu, tích cực và chủ động tham gia các cơ chế hợp tác du lịch trong khu vực và trên thế giới, như hợp tác du lịch trong ASEAN, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA)…

Liên kết du lịch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế du lịch bền vững, góp phần tạo thêm trợ lực cho du lịch, tạo điều kiện mở rộng không gian du lịch, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển KT-XH liên địa phương, liên vùng. Do đó, các giải pháp tăng cường liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững vùng ĐBSH trong thời gian tới mang tính tổng thể, được thực hiện một cách đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo. Có như vậy hoạt động liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững vùng ĐBSH trong thời gian tới mới đi vào thực chất và có hiệu quả cao.

Tài liệu tham khảo

1, Thanh Giang (2024), Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để phát triển vùng ĐBSH nhanh và bền vững, https://nhandan.vn, ngày 17-8-2024.
2, Linh Nhâm, Đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch vùng ĐBSH, https://nbtv.vnl, ngày 22-2-2023.
3, Tạp chí điện tử Quản lý thị trường (2024), Hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu, https://qltt.vn, ngày 24-2-2024.

TS. Nguyễn Đức Toàn

Học viện Báo chí và Tuyên truyền