08/06/2023 10:50:44

Gỡ khó cho học sinh khối giáo dục nghề nghiệp:

Một kiến nghị qua 3 kỳ họp Quốc hội chưa được giải quyết dứt điểm

Tuyển sinh học nghề đã khó, dạy và học nghề còn vất vả, khó hơn, đã vậy sự học văn hóa của học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), những người thợ tương lai của đất nước lại còn bị gây khó  bởi những quy định oái ăm của Bộ GD-ĐT. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), người theo đuổi chất vấn, kiến nghị 2 đời Bộ trưởng GD-ĐT qua 3 kỳ họp Quốc hội về ách tắc này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp thứ 10 QH khóa XIV.

Gian nan hành trình vì học sinh, vì người học

Bao giờ Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình ? Đó là câu hỏi ĐB Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường CĐ Y Thái Bình đặt ra với Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cách đây 3 năm tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, khi câu hỏi chất vấn của bà “khi nào Bộ GD-ĐT ban hành thông tư hướng dẫn dạy khối lượng kiến thức văn hóa trong các cơ sở GDNN? “ đặt ra từ kỳ họp thứ 9, được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hứa giải quyết nhưng đến kỳ họp thứ 10, lời hứa này của ông Nhạ vẫn chưa thực hiện.

Trước đó việc Bộ GD-ĐT ban hành văn bản cấm các cơ sở GDNN giảng dạy kiến thức giáo dục thường xuyên gây khó khăn cho các cơ sở GDNN và học sinh. Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung bức xúc về việc Bộ trưởng đến nay chưa thực hiện lời hứa từ kỳ họp 9. “Tôi xin hỏi Bộ trưởng GD-ĐT lý do gì mà thông tư này chưa được ban hành? Và bao giờ Bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa của mình?”.

Sau những lần đeo bám chất vấn của bà Dung, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều cuộc họp. Cuối cùng sau nhiều năm chờ đợi và cũng sau nhiều lần Bộ GD-ĐT ban hành các công văn hướng dẫn vòng vèo khó áp dụng. Ngày 5/11/2022 Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 15/2022/TT–BGDĐT Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở GDNN. Tuy nhiên thông tư này vẫn chưa hoàn toàn tạo thuận lợi cho người học nếu muốn học để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT thì các cơ sở GDNN và học sinh khối này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở GDNN mất tiền, học sinh vất vả đi lại khó khăn

Đó là bất cập vẫn tồn tại khi thông tư 15 vủa Bộ GD-ĐT ra đời. Đa số học sinh vào trường nghề đều có nhu cầu vừa học nghề, vừa học văn hóa để khi ra trường vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT, để sau này có điều kiện thi đại học. Tuy nhiên khi học ở trường nghề, học sinh muốn học chương trình văn hóa để thi tốt nghiệp THPT thì vẫn sáng học nghề ở trường nghề, chiều phải đến Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) học văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung tại Kỳ họp thứ 5 QH khóa XV kiến nghị giải quyết dứt điểm bất cập gây khó cho học sinh khối GDNN.

Ở một số tỉnh miền núi, nhiều học sinh phải từ bỏ giấc mơ học thi lấy bằng THPT vì học văn hóa ở Trung tâm GDTX thì không học được nghề, muốn học nghề thì phải bỏ học văn hóa vì phải đi một quảng đường khá xa.

Để đảm bảo an toàn giao thông, tránh cho học sinh phải di chuyển vất vả, hầu hết các cơ sở GDNN phải  mời giáo viên các trường THPT hoặc giáo viên của các TTGDTX trên địa bàn có hoạt động về dạy văn hóa tại cơ sở GDNN.

Tuy nhiên bất cập ở chỗ, việc tổ chức tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh, các cơ sở GDNN đã phải bỏ kinh phí ra để tổ chức. Tuyển được học sinh về, các cơ sở GDNN phải trang trải tiền điện, nước, quản lý học tập, chi phí mời giáo viên văn hóa về giảng dạy cho các em, trong khi học phí thấp.

Đã vậy khi hoàn thành khóa học, để ký được học bạ cho học sinh, nhiều cơ sở GDNN phải chi hàng trăm triệu cho TTGDTX dù nhiều trung tâm không phải làm gì (số tiền phụ thuộc vào số học sinh các khóa cần xác nhận học bạ hoàn thành kiến thức THPT). “Cốc làm, cò xơi”, lãnh đạo nhiều cơ sở GDNN bức xúc.

Nguy cơ khó hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Chỉ thị 21 của Ban bí thư nếu không tháo “nút thắt” từ Bộ GD-ĐT

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Phiên họp toàn thể tại hội trường kỳ họp QH khóa XV ngày 31/5.

Tại phiên họp toàn thể tại hội trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV ngày 31/5, ĐB Nguyễn ThỊ Thu Dung  tiếp tục nêu ý kiến chỉ ra những bất cập của thông tư 15 và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT xử lý dứt điểm bất cập gỡ khó  cho các cơ sở GDNN trong việc giảng dạy kiến thức giáo dục THPT (GDTX).

Bà Dung nói: “Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và phát triển GDNN, một trong những chính sách đó là tổ chức cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên tại các cơ sở GDNN. Vấn đề này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật GDNN.

Từ năm 2019 trở về trước đã có gần 300 trường trung cấp, cao đẳng vừa tổ chức dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa THPT theo hình thức giáo dục thường xuyên cho học sinh học nghề ngay tại trường. Mỗi năm, hệ thống GDNN giảng dạy cho khoảng 350.000 học sinh, góp phần đẩy mạnh phân luồng người học sau THCS vào GDNN.

Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư xây dựng đồng bộ trên diện tích trên 33.000 m2, tổng ngân sách trên 39 tỷ đồng hoạt động èo uột, cơ sở xuống cấp nhanh chóng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, từ năm 2020 thì hoạt động này tại các cơ sở GDNN đã bị dừng lại, gây ra nhiều hệ lụy cho cơ sở GDNN và người học, như: lãng phí về cơ sở vật chất, nhân lực, khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy…

Vấn đề này tôi đã kiến nghị trong nhiều kỳ họp và đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn của Quốc hội khóa XIV, được chính phủ đạo giải quyết qua nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 08/11/2022 quy định việc giảng dạy kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN chỉ quy định cho các cơ sở GDNN dạy 04 môn văn hóa THPT, như vậy nếu học sinh tốt nghiệp THCS chọn học nghề tại cơ sở GDNN sẽ gặp khó khăn khi muốn học 7 môn như chương trình GDTX để thi tốt nghiệp THPT; mặt khác thời gian đào tạo văn hóa THPT như thông tư 15 quy định chỉ có 1,5 năm trong khi các cơ sở GDNN đào tạo hệ 9+ vẫn đào tạo chương trình THPT trong 3 năm, sau đó đào tạo thêm 2 năm trung cấp. như vậy khi tốt nghiệp người học cũng vừa đủ tuổi để nhập vào thị trường lao động.”

Bà Dung  phân tích thêm “Ngày 04/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50 – 55% học sinh trung học vào hệ thống GDNN. Tuy nhiên, theo bà Dung, mục tiêu này có nguy cơ khó thực hiện nếu nút thắt trong việc quy định về đào tạo văn hóa THPT cho học sinh trong các cơ sở GDNN không được tháo gỡ.

“Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nước ta có 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Dịch Covid đã làm khoảng 2 triệu lao động rời khỏi thì trường lao động, phần lớn trong số họ là lao động tự do, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chưa đạt mục tiêu do quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển KTXH”

ĐỊ biểu Nguyễn Thị Thu Dung thông tin thêm và thẳng thắn: “Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành liên quan giải quyết dứt điểm nút thắt này trước thềm năm học mới, năm học 2023 – 2024 để tạo điều kiện cho người học theo chương trình 9+ tại các cơ sở GDNN, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tại Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư vừa ban hành”.

Hoàng Quân