14/12/2020 10:35:11

Mỗi ngày tàu Cát Linh-Hà Đông chạy thử bao nhiêu chuyến?

Từ sáng 12/12, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bước vào giai đoạn vận hành thử toàn tuyến 20 ngày và sẽ kéo dài đến ngày 31/12.

Dự án sẽ vận hành thử toàn bộ hệ thống trong 20 ngày (từ ngày 12 đến 31/12) để đánh giá an toàn, phục vụ nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Từ 5h sáng ngày 12/12, chuyến tàu đầu tiên đã chạy trên tuyến đường sắt dài 13 km. Đến mỗi nhà ga, tàu dừng khoảng 30 giây để đón trả khách như khi chạy thương mại.

Các đoàn tàu chạy tần suất 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến, vận hành liên tục từ 5h – 23h hàng ngày. Mỗi ngày sẽ có từ 6 – 9 đoàn tàu hoạt động. Tàu được chạy theo 2 hướng từ đầu tuyến Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đến cuối tuyến là ga Cát Linh (quận Đống Đa) và ngược lại.

Song song với việc vận hành thử, các nhà ga cũng được BQL dự án trùng tu lại để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ. Điển hình như nhà Thái Hà, các đơn vị chức năng đang khẩn trương sơn sửa lại phần thang máy tại những vị trí hành khách lên xuống.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết mỗi ngày sẽ có 287 lượt tàu chạy; giờ cao điểm từ 5 đến 6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, theo đúng lịch trình khai thác thương mại. Mỗi chuyến tàu sẽ có chuyên gia của Tổng thầu, đơn vị nghiệm thu cùng đi để ghi nhận, đánh giá.

Riêng Hà Nội Metro đã huy động toàn bộ 681 cán bộ, công nhân viên lên tuyến làm việc (trực tiếp vận hành 650 người và 31 người thực hành hỗ trợ), một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ sẽ làm việc 3 ca, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ. Trong ngày vận hành thử đầu tiên, Hanoi Metro huy động 49 lái tàu để vận hành 9 đoàn tàu. Trung tâm điều hành OCC có hơn 30 người vận hành và mỗi ga có khoảng 5 nhân viên túc trực.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tất cả 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người. Tốc độ trung bình của tàu là 35 km/h (thiết kế 80 km/h), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Trước khi dừng khai thác vào 23h, tất cả tàu sẽ về bến cuối là depot Yên Nghĩa.

Thời điểm đông khách nhất, đơn vị vận hành có thể huy động 11 đoàn tàu cùng khai thác. Sẽ luôn có 2 đoàn tàu trong trạng thái sửa chữa hoặc kiểm tra hỏng hóc.

Trong quá trình chạy thử, các đơn vị tổng thầu, tư vấn sẽ đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống, đồng thời tổ chức diễn tập các tình huống ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Sau quá trình vận hành thử, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết sẽ cần thêm 2 điều kiện để công trình được khai thác thương mại là Tư vấn ACT phải cấp chứng nhận an toàn hệ thống và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước phải đồng ý chứng nhận dự án đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại. Nếu các bước trên diễn ra suôn sẻ, dự án có thể vận hành thương mại vào đầu năm 2021.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do Liên danh Apave-Certifier-Tricc của Pháp – đơn vị đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập. Nội dung đánh giá có các hạng mục về độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), căn cứ kết quả vận hành thử, Liên danh tư vấn độc lập Pháp (ACT) sẽ cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án (dự kiến trong quý I/2021). Sau khi được cấp chứng chỉ chủ đầu tư (Bộ GTVT) sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho Thành phố Hà Nội quản lý, vận hành.

PV(T/h)