22/08/2023 11:11:10

Loạt doanh nghiệp của Shark Thủy, Shark Việt bị bêu tên vì nợ BHXH hàng chục tỷ đồng

BHXH TP Hà Nội vừa công bố danh sách hơn 54 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. Điều đáng nói, danh sách này có sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn của Shark Thủy hay Shark Việt.

Tập đoàn lớn cũng chây ỳ

BHXH TP Hà Nội vừa công khai danh sách với hơn 54 nghìn tổ chức, doanh nghiệp nợ BHXH trên địa bàn theo số liệu thống kê hết ngày 31/7/2023. Điều đáng nói, trong danh sách này, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tưởng chừng như uy tín cũng góp mặt.

Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX của Shark Thủy đang nợ đóng BHXH hơn 54 tỷ đồng.

Đứng đầu tiên trong danh sách này là Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX. Doanh nghiệp này hiện đang nợ đóng BHXH 41 tháng với số tiền trên 54 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) – nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Tháng 2 vừa qua, các phụ huynh và nhà đầu tư đồng loạt đứng lên tố cáo ông Thủy hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước động thái này, hàng loạt trung tâm dạy tiếng anh của APAX đã âm thầm đóng cửa khiến nhiều phụ huynh nháo nhác đi đòi tiền.

Chỉ sau 4 năm đi vào hoạt động, Anh ngữ APAX đã phát triển được 120 trung tâm trải dài trên khắp 32 tỉnh, thành phố với lượng học viên khoảng 12.000 người. Từ “gà đẻ trứng vàng”, Anh ngữ APAX trở thàn con nợ của hàng vạn người trên cả nước.

Không chỉ nhà đầu tư, hàng trăm giáo viên, nhân viên, quản lý trực thuộc hệ thống của Shark Thủy cũng gửi đi những lá đơn kêu cứu vì bị nợ lương nhiều tháng ròng.

Một doanh nghiệp khác cũng liên quan tới Shark Thủy là Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cũng đã 37 tháng không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động với số tiền 3,6 tỷ đồng.

Intracom của doanh nhân Nguyễn Thanh Việt cũng bị “bêu tên” vì nợ đóng BHXH 5 tháng.

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) của doanh nhân Nguyễn Thanh Việt (Shark Việt) cũng bị liệt trong danh sách này với 5 tháng nợ đóng bảo hiểm cho hàng trăm người lao động với số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 3/2023, doanh nghiệp này cũng bị bêu tên nợ đóng BHXH 6 tháng với số tiền nhiều tỷ đồng. Sau khi bị truyền thông phản ánh, doanh nghiệp này đã đóng bổ sung BHXH cho người lao động từ tháng 09/2022 – 01/2023. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Intracom của Shark Việt lại tiếp tục bài ca nợ đóng BHXH.

Trong danh sách này, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng nợ đóng BHXH cho người lao động suốt 18 tháng qua với số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Thiệt thòi cho người lao động

Tại một hội nghị mới đây, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bà Đào Việt Ánh khẳng định, BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Trong những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện BHXH, BHYT đã ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho người lao động và Nhân dân.

Doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng BHXH gây ra nhiều thiệt thòi cho người lao động.

Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm. Ước tính hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH (tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: BHXH bắt buộc với hơn 16 triệu người; BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người; BHTN 14,3 triệu người; BHYT 91,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số, cơ bản đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc chậm, nợ đóng thậm chí trốn đóng BHXH xảy ra ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước. Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm đoàn giám sát liên ngành cấp trung ương do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 – 20 DN thuộc 4 – 6 tỉnh, thành phố. Tình trạng các DN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH. Điều này khiến nhiều quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.

Trước tình trạng này, tháng 2/2023, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký công văn yêu cầu BHXH các địa phương tăng cường thực hiện giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2023.

Trong đó, đối với đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý.

Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định, hằng tháng, người lao động và người sử dụng lao động đều phải trích một phần tiền lương và quỹ lương để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc.

Tùy vào phương thức chọn đóng BHXH mà thời hạn nộp tiền bảo hiểm sẽ được xác định theo Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH, được sửa bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH. Với trường hợp đóng hằng tháng, hạn nộp tiền BHXH: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng.

Luật BHXH năm 2014 cũng chỉ rõ, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể chậm đóng BHXH nhưng chỉ được chậm 29 ngày so với thời hạn quy định. Trường hợp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý vi phạm mà còn bị tính thêm tiền lãi.

Lãi suất được tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Thu Hương