Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã cho phép mở rộng các phương thức đào tạo linh hoạt như tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ, sẽ tạo thuận lợi để phụ nữ, với gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình, vẫn có thể tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Đây là một trong những kết quả nổi bật trong việc triển khai các giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
Theo Báo cáo rà soát tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) thực hiện, việc triển khai các giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho nhóm phụ nữ yếu thế đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Luật GDNN 2014 và một số chính sách trong lĩnh vực này đã quy định một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho phụ nữ, đặc biệt là các nhóm phụ nữ yếu thế ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được tham gia học nghề.
Cụ thể, Luật GDNN cho phép mở rộng các phương thức đào tạo linh hoạt như tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ (Điều 37) để tạo thuận lợi để phụ nữ, với gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình, vẫn có thể tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Luật GDNN cũng quy định chính sách hỗ trợ lao động nông thôn là người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác (khoản 7, Điều 6); chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng (khoản 3 Điều 62). Đây là những biện pháp hỗ trợ phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia học nghề, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực GDNN.
Cũng theo Báo cáo rà soát, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho khoảng 9,6 triệu lao động tại khu vực nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm 59,4%.
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015”49 đã dạy nghề cho hơn 1 triệu lao động nữ (vượt 300% mục tiêu Đề án); tỷ lệ có việc làm đạt 81% (vượt 11% mục tiêu Đề án), trong đó 75,6% chị em sau khi học nghề được Hội hỗ trợ vốn tự tạo việc làm, 12,64% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 9,14% được doanh nghiệp tuyển dụng và 1,62% tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết…
Trước đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, về cơ bản, Việt Nam bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược là giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Để thực hiện mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Cụ thể như: các chính sách, chương trình đào tạo nghề cần tập trung vào khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; thu hút nhiều lao động nữ; nâng cao tay nghề, kỹ năng, cách quản lý, kinh doanh phát triển tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng cũng như phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư ở nông thôn. Có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là cơ sở thu hút nhiều lao động nữ.
Hải Yến