23/03/2023 7:53:40

Lao động nữ được hưởng lợi nhiều hơn khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với lao động nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu khi đóng đủ 15 năm là 45%; trong khi với nam giới chỉ là 33,75%…

Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là đề xuất về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Theo cơ quan doạn thảo, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (trên 40 tuổi), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.

Dẫn kinh nghiệm của một số nước quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn thì mức lương hưu có thể thấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng với khoản lương hưu được trả hằng tháng tuy thấp thì vẫn đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động khi về già, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc đảm bảo trợ cấp xã hội cho người cao tuổi.

Đánh giá tác động của việc giảm năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng không có tác động về kinh tế, do ngân sách Nhà nước không phát sinh thêm chi phí trong việc thực hiện chính sách này.

Tuy nhiên, việc giảm điều kiện về số năm đóng để hưởng lương hưu có thể giúp làm gia tăng số người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội cần thiết để người lao động có thể hưởng lương hưu khi đủ tuổi, có nghĩa là so với quy định hiện hành thì người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn, trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên.

Do đó, việc này về cơ bản là có tác động tiêu cực đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, mặc dù những người này sẽ hưởng với mức hưởng thấp hơn, nhưng do thời gian chi trả sẽ được thực hiện sớm hơn và kéo dài hơn. Do vậy, cần đánh giá cụ thể hơn về những tác động của việc giảm số năm đóng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Sẽ xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu với mức lương hưu thấp

Theo Bộ LĐ-TB&XH, do cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội – vì vậy việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp.

Điều này đặc biệt thấy rõ đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.500.000 đồng/tháng. Với nhóm này, thời gian tham gia vừa đủ 15 năm thì mức hưởng của những người này khi nghỉ hưu sẽ khá thấp, chỉ nhỉnh hơn một chút so với trợ cấp hưu trí xã hội.

Đồng thời, theo định hướng thì tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được giảm theo lộ trình. Điều này lại tiếp tục ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Xét về khía cạnh giới, Bộ này cho rằng phương án giảm năm đóng thì nữ giới có lợi hơn khi tính mức lương hưu, do tỷ lệ hướng lương hưu khi đóng đủ 15 năm là 45%, trong khi với nam giới là 33,75%.

Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng thì mức lương hưu thấp, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng muốn có lương hưu cao thì tỷ lệ đóng phải cao, số năm đóng dài, song hiện ưu tiên lựa chọn từ chỗ “chưa có lương hưu đến có lương hưu trước đã”, dần dần mới tính đến câu chuyện cải thiện mức hưởng.

Theo ông Cường, bản chất của bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng đều hướng đến tích lũy thời gian đóng trong thời gian còn trẻ để về già được hưởng lương hưu. Do đó. “khi đặt vấn đề này trong xây dựng dự thảo Luật chúng tôi cũng rất trăn trở, sau này cần thông tin đầy đủ cho người lao động”, ông Cường nói. Đồng thời khẳng định, Nhà nước luôn khuyến khích người lao động tích lũy quá trình đóng càng nhiều năm để sau này có mức lương hưu cao.

Tuấn Việt