Cái cách từ thiện của Lâm “ống húc” rất dễ thương, anh không nói mình cho người nghèo mà rao bán bánh mì “mua một chiếc thì bán, mua 2 chiếc thì tặng” kèm nụ cười dễ mến và rất lễ độ với người già.
Anh Không bao giờ dùng từ “Phát từ thiện” mà anh dùng từ trao tặng. Đối với anh đó như sự tôn trọng đối với người nhận.
Tên thật của anh là Phạm Tùng Lâm. Lâm “ống húc” là tên trên Tiktok của anh. Lâm không giầu có gì. Anh đang chủ một xưởng gỗ nhỏ ở TP. Thủ Đức, nhưng dịch Covid-19 làm anh phải đóng cửa xưởng từ mấy tháng nay.
Nguyên nhân đưa đẩy anh đến công việc từ thiện này cũng tình cờ. Hồi đầu tháng 7, ông nội của anh đã già, đầu óc không còn minh mẫn nên bị lạc. Trên đường đi tìm ông, anh đã gặp rất nhiều những người nghèo, sống lang thang trên đường. Vài ngày sau, khi tìm được ông, ông vẫn khoẻ vì được người đi đường cho ăn, cho uống, cho ngủ nhờ dưới mái hiên.
Khi tìm được ông nội, tôi suy nghĩ: “Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ai ở yên nhà đó, nhưng những người không có nhà thì phải làm sao? Để trả ơn cho đời đã giúp ông và giải quyết những tâm tư đó, tôi bắt đầu đi trao quà vào ngày 7.9 cho đến bây giờ”, anh Lâm chia sẻ.
Vậy là Lâm quyết định sửa cái xe máy của mình, chất bánh mì, sữa lên và ngày ngày đi trên những ngõ ngách của Sài Gòn để tặng những người nghèo, không có cái ăn.
Mỗi ngày anh Lâm trao tặng gần 200 phần quà gồm bánh mì, bánh bông lan, hộp khẩu trang có những đợt thì chở thêm nước suối, trứng gà, sữa…
Lâm đi không có lịch trình và tặng đồ cũng thiên vị. Với người già hay người ốm yếu, anh sẽ tặng gấp đôi xuất ăn. Lâm bảo anh rất hiểu họ, vì anh cũng từng là người nghèo. Ba Lâm mất khi anh mới 11 tuổi, vì bệnh hiểm nghèo. Anh đã phải đi nhặt rác để nuôi thân và lớn lên nhờ tình thương của những người nghèo.
“Tôi vẫn nhớ như in cái hình ảnh bác xe ôm cho tôi nửa ổ bánh mì lúc bụng tôi đói cồn cào, cô bán trà đá chờ tôi về để cho chai nước mát lạnh. Hay có những thằng bạn đi lượm ve chai cùng mỗi khi thấy tôi ít ‘hàng’ quá thì chia cho tôi một mớ. Tôi chợt nhận ra người nghèo như mình cũng có tình có nghĩa của họ”, trải lòng.
Những ai đã từng được anh trao quà đều sẽ nhận ra anh những lần sau. Vì sự dễ thương, thân thiện cũng như sự mộc mạc trong cách ăn mặc của anh Lâm.
Sau khi được nhiều người biết đến qua mạng xã hội, nhiều tấm lòng hảo tâm bắt đầu quan tâm đến anh và muốn đóng góp cho quỹ hàng của anh. Nhưng Lâm từ chối, ảnh bảo họ hãy góp tiền cho các tổ chức từ thiện của chính phủ, bởi vì ở đó có nhiều người nên có thể làm quy mô, bài bản, còn anh chỉ có một mình với chiếc xe nhỏ, không làm được nhiều việc như vậy.
Những món đồ Lâm mang đi tặng hàng ngày là từ tiền của anh và của những người bạn đã tin tưởng anh.
Tuy được nhiều người biến đến nhưng anh Lâm vẫn mong sớm đến ngày kết thúc những chuyến đi rong ruổi khắp các nẻo đường của mình. “Tôi mong đến ngày không còn phải đi như vậy nữa. Đó là những ngày tất cả mọi người đều được đi làm, tôi cũng trở lại công việc của một thợ gỗ. Tôi mong TP.HCM không còn dịch nữa để nơi ngày trở lại là một thành thị náo nhiệt”, anh Lâm chia sẻ.
PV