Đánh giá của các thành viên giám khảo cho thấy, đề thi bao quát mà chi tiết giúp đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh và kích thích khả năng sáng tạo không giới hạn.
Đề thi kích thích sự sáng tạo không giới hạn
Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 (đợt 2), đề thi nghề Công nghệ thời trang được biên soạn với nội dung: Thiết kế áo vest nữ, từ hai chất liệu vải và các phụ kiện đi kèm. Thí sinh cần trải qua 5 phần thi tương ứng với 5 mô-đun và thời gian thi như sau: 1. Tạo rập (Pattern making – 1,5 giờ) 2. Giác sơ đồ (Lay up – 1 giờ) 3. Vẽ thiết kế phẳng (Sketching – 1 giờ) 4. Thiết kế trên mô hình ghim (Draping – 1,5 giờ) 5. Thiết kế rập, sản xuất (Construction – 2 giờ)
Đánh giá về đề thi, Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, thành viên Ban giám khảo chia sẻ: “Đề thi năm nay tương đối bám sát với nội dung của đề thi Asean, có tính bao quát giúp đánh giá năng lực toàn diện của các thí sinh. Những năm trước, Ban giám khảo sẽ đưa ra những tiêu chí mà thí sinh phải đạt được. Năm nay, đề mở tạo cơ hội cho thí sinh phát huy được khả năng sáng tạo không giới hạn”.
Đồng thời, trong 5 mô-đun, Thạc sĩ Hoàng Quốc Long đánh giá mô-đun thứ 5 có hàm lượng công việc nhiều nhất, quyết định việc thí sinh có triển khai tốt từ ý tưởng đến sản phẩm hay không.
Năm nay, nghề Công nghệ thời trang có 17 thí sinh là học sinh, sinh viên và người lao động tham dự đến từ 13 đoàn như: Trường CĐ cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội, trường CĐN Long Biên, trường TCN Nga Sơn, trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Tổng công ty May 10…
Đam mê khát khao vươn tầm quốc tế
Nghề Công nghệ thời trang không chỉ yêu cầu người học có đam mê mà còn phải có tài năng. Bên cạnh đó, kiến thức sâu rộng và sự nhạy bén sẽ tạo nên nền tảng cốt lõi giúp nhà thiết kế đi lâu dài với nghề.
Thí sinh Hoàng Thị Ngọc Anh, đoàn trường Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ: “Em bắt đầu đam mê nghề thời trang từ khi học lớp 11. Lúc đó, em biết đến thời trang qua mạng internet. Em đã tìm hiểu và phấn đấu thi vào ngành thời trang. Với em, đây không chỉ là công việc mà còn là đam mê, sự nghiệp em muốn theo đuổi. Em mong muốn mang thời trang Việt Nam sánh vai với thời trang quốc tế”.
Được biết, khi là sinh viên năm thứ 2, nhờ sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, Ngọc Anh đã mở xưởng may tại nhà, chuyên may đo cho lứa tuổi từ 15-27 và giao hàng tại các chợ đầu mối. Hiện nay, doanh thu trên dưới 300 triệu/tháng.
Toàn bộ phòng thi được lắp điều hòa nhưng những giọt mồ hôi đam mê vẫn lấm tấm trên khuôn mặt từng thí sinh. Cuộc thi là một trong nhiều cách giúp họ mang thời trang Việt vươn ra quốc tế. Ước mơ cùng khát khao cháy bỏng được gửi gắm vào từng đường kim mũi chỉ.
Thí sinh Nguyễn Hoàng Minh Khôi, đại diện trường trường CĐ Kỹ nghệ II, tại TP HCM chia sẻ: “Từ cấp 3 chúng em đã được định hướng một cách rõ ràng là nên chọn nghề theo đam mê. Nhờ đó, em cảm thấy mục tiêu rõ ràng hơn và vững hơn trên con đường học tập. Em hy vọng có thể đứng trên bục và nhận huy chương Vàng của kỳ thi năm nay và vươn xa hơn nữa.”
Nguồn lực xã hội hóa góp
Năm 2022 là lần đầu tiên Tổng công ty May 10 (TCT) đăng cai tổ chức thi nghề Công nghệ thời trang theo hình thức xã hội hóa. Tại Hội thi, bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó Tổng giám đốc TCT May 10, Phó Chủ tịch Hội đồng thi số 4 nhấn mạnh: “Tổng Công ty May 10 hy vọng sẽ góp phần tạo nên thành công của kỳ thi, lựa chọn được những nhân tố tốt nhất để vinh danh và tham dự các kỳ thi Kỹ năng nghề Asean và thế giới”.
Bên cạnh đó, TCT May 10 cũng hỗ trợ nơi ở cho các đoàn thi tại khách sạn Garco Dragon, ngay cạnh địa điểm thi là trường CĐN Long Biên. Thầy Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng trường CĐN Long Biên cho biết, TCT May 10 đã tài trợ toàn bộ các thiết bị mới nhất cho các thí sinh.
Thông qua Kỳ thi, các em học sinh, sinh viên, người lao động càng hiểu sâu sắc hơn về tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật, an toàn lao động. Đồng thời, đây cũng là dịp để các em học sinh, sinh viên trau dồi kinh nghiệm thực tế, rèn luyện và nâng cao tay nghề.
Là một người lao động tham gia dự thi, thí sinh Nguyễn Thị Hoài bộc bạch: “Từ khi còn đi học, em rất muốn được tham dự Kỳ thi này nhưng tính cạnh tranh quá cao. Cho đến bây giờ, khi đã đi làm, em lại được tiếp tục thực hiện mong muốn còn dang dở. Một niềm hạnh phúc dâng đầy. Em cũng tự hào khi mình là đại diện của TCT May 10 tham gia Kỳ thi. Việc Ban tổ chức thay đổi đối tượng và gia tăng thêm độ tuổi khiến em cảm thấy người lao động cũng được tôn vinh hơn.
Đại diện Ban giám khảo, ông Vũ Đình Nhật, giảng viên, kiêm điều phối CTĐ của Học Viện Thiết Kế và Thời Trang London, Hà Nội bày tỏ: “Những thử thách này chính là cơ hội để các em phát triển và trưởng thành. Ban giám khảo sẽ làm việc công tâm, đúng quy chế, với tinh thần cống hiến, trách nhiệm cao nhất để lựa chọn những thí sinh xuất sắc nhất, chắp cánh cho các em vươn tầm quốc tế.
Ngô Diệp