12/12/2020 7:55:49

Khi nào Hà Nội chấm dứt ô nhiễm không khí?

Hôm nay, nhiều khu vực ở Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Mức chỉ số chất lượng không khí AQI phổ biến màu đỏ mức nguy hại cho sức khoẻ con người.

Nhiều ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội thường xuyên duy trì mức màu đỏ hoặc màu tím.

Đến 9h sáng ngày 11/12, theo Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP.Hà Nội, ô nhiễm không khí ở các khu vực phổ biến ở ngưỡng màu đỏ. Ở mốc chỉ số này, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Tham khảo thêm trên các ứng dụng cập nhật chỉ số AQI như Pam Air và IQ Air, nhiều nơi còn đạt đến ngưỡng màu tím, thậm chí màu nâu nguy hại. Theo Pam Air, mức chỉ số ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội là 427 – đây là ngưỡng nguy hiểm. Cảnh báo hưởng tới sức khỏe, mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Theo lãnh đạo Quản lý Mạng lưới quan trắc không khí PAM Air, các điểm quan trắc ở Hà Nội trong sáng 11/12 có chỉ số AQI chủ yếu là tím ngắt. Các tỉnh, thành phía Bắc như: Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, đều ở ngưỡng rất xấu cho sức khỏe.

Ngoài ra, theo đại diện PAM Air, từ giữa tháng 10, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xuất hiện rải rác theo từng đợt ngắn với xu hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, mấy ngày gần đây, ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng vào đêm và sáng, không chỉ dừng ở miền Bắc mà cả Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo đánh giá của PAM Air, đây là đợt ô nhiễm nghiêm trọng nhất từ đầu mùa đông đến nay. Ô nhiễm xảy ra theo quy luật nghiêm trọng nhất vào đêm và sáng. Buổi chiều được cải thiện. Chu kỳ này liên quan chặt chẽ đến điều kiện khí tượng trong những ngày qua.

Đại diện PAM Air nhận định, đợt ô nhiễm không khí này kéo dài đến hết tuần, sang tuần tới, một đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống nước ta sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, miền Bắc đang trong những tháng ô nhiễm nhất của năm. Vì vậy, nhiều đợt ô nhiễm khác có thể tiếp tục trong thời gian tới.

Các chuyên gia đầu ngành về môi trường lý giải, ngoài những nguồn thải thường xuyên và các yếu tố thời tiết thì lượng người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng sau khoảng thời gian giãn cách xã hội cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm này.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.

Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng xấu, người dân nên hạn chế ra đường phố. Vệ sinh mũi, họng, mặt bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Hạn chế hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá. Ngoài ra, hạn chế mở cửa thời điểm chất lượng không khí xấu. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Người tham gia giao thông cần đeo khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2.5.

Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất lượng không khí kém gây nguy hại cho sức khoẻ, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già. Vì thế, mọi người cần chủ động bảo vệ sức khoẻ. Thứ nhất, nên thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí theo địa chỉ portal.hanoi.gov.vn/quantrac_khongkhi1 trên cổng thông tin của UBND TP. Hà Nội.

Thứ hai, lúc chỉ số lên quá cao (trên 200) thì hạn chế tối đa đi ra ngoài, hoạt động thể thao ngoài trời. Những người già và trẻ nhỏ đóng cửa lại và dùng máy lọc không khí. Nếu ra ngoài, khuyến cáo nên đeo loại khẩu trang có chức năng lọc khí.

PV (t/h)