11/03/2022 10:43:08

Hơn 15.000 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn

Chưa khi nào vấn đề đào tạo nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực, tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người nghèo vùng nghèo, vùng khó khăn lại được Đảng, Chính phủ quan tâm nhiều như giai đoạn hiện nay. Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, một trong 7 dự án thành phần củaChương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025xác định cần tới 15.300 tỷ đồng để pháp triển giáo dục nghề nghiệp, tạo động lực cho người nghèo tại các vùng nghèo vùng khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ là người dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển bền vững

Phát triển GDNN cả về qui mô và chất lượng đào tạo

Dự án  Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn là một trong 7 dự án thành phần của Chương trình MTQGGN bền vững giai đoạn 2021-2025, theo đó mục tiêu dự án được xã định: Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Đối tượng của dự án bao gồm:+ Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp;+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo;+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan;+ Các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án.

– Nội dung hỗ trợ:+ Về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo;

+ Xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp (gồm: tiêu chuẩn kỹ năng nghề; định mức kinh tế – kỹ thuật; quy định kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau tốt nghiệp; danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu; tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong thực hành, thực nghiệm và thí nghiệm; giá tối đa dịch vụ giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước); phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình, học liệu; phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo;

Người dân xã Bình An (Lâm Bình) được học nghề đan lát

+ Khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo;

+ Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo;

+ Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

– Phân công thực hiện: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

– Vốn và nguồn vốn:Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 15.300 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách trung ương: 7.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 2.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 5.000 tỷ đồng);- Ngân sách địa phương: 4.800 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 300 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 4.500 tỷ đồng);+ Vốn huy động hợp pháp khác: 3.500 tỷ đồng.

 570 tỷ đồnghỗ trợ người lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

– Mục tiêu: Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hoạt động đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

– Đối tượng thụ hưởng dự án: + Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo (không bao gồm các địa bàn được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030), xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;

 

Dạy nghề tạo sinh kế cho người nghèo tự vươn lên phát triển bền vững

+ Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.

– Nội dung hỗ trợ:+ Người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo (bao gồm cả thời gian tham gia giáo dục định hướng), trang cấp đồ dùng cá nhân thiết yếu; chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp; giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động;

+ Một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

– Phân công thực hiện;+ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

– Vốn và nguồn vốn:Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 570 tỷ đồng, trong đó:+ Ngân sách trung ương: 270 tỷ đồng (vốn sự nghiệp);+ Ngân sách địa phương: 200 tỷ đồng (vốn sự nghiệp);+ Vốn huy động hợp pháp khác: 100 tỷ đồng.

 2.610 tỷ đồng Hỗ trợ việc làm bền vững

– Mục tiêu: Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

– Đối tượng:+ Người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;-+ Người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;+ Các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo và cơ quan, tổ chức có liên quan;+ Cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

– Nội dung hỗ trợ:+ Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu;+ Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người – người tìm việc;

+ Hỗ trợ giao dịch việc làm;+ Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác;+ Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động;+ Hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

– Phân công thực hiện:+ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

– Vốn và nguồn vốn:

Tổng nhu cầu vốn thực hiện : 2.610 tỷ đồng, trong đó:+ Ngân sách trung ương: 1.950 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 600 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 1.350 tỷ đồng);

+ Ngân sách địa phương: 550 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 150 tỷ đồng);+ Vốn huy động hợp pháp khác: 110 tỷ đồng.

TS Nguyễn Thị Thu Dung, ĐB Quốc hội, Hiểu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình

Đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và năng suất lao động là trụ cột chính cho giảm nghèo bền vững

Nhiều nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo cho rằng tăng năng lực sản xuất cho người nghèo là cái gốc để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, cần quán triệt tinh thần coi trọng “cho cần câu hơn cho con cá”; bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, kết nối với các vùng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm, tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.

Ngân hàng thế giới (World Bank) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị: năng suất và kỹ năng lao động là những trụ cột chính cho giảm nghèo và phát triển bền vững ở Việt Nam; thay vì chỉ hỗ trợ học nghề ngắn hạn thì cần phải tập trung vào đào tạo nghề chính quy ở trường nghề, vì bằng cấp chính thức của họ sẽ là cơ sở giúp thoát nghèo một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức; cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề, đồng thời với hỗ trợ người nghèo đi học nghề.

Quỳnh Trang