03/04/2023 11:23:26

Huawei sau 4 năm cấm vận:

“Hoa mận sẽ đơm trái ngọt sau cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông”

“Hoa mận sẽ đơm trái ngọt sau cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Huawei hôm nay cũng giống như bông hoa mận. Mặc dù đối diện với đáng kể thách thức phía trước, song chúng tôi có mọi thứ cần thiết để tìm thấy lối ra rộng lớn”, Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu ví von một cách hình tượng khi nói về sự hồi sinh của gã khổng lồ công nghệ từ Trung Quốc sau 4 năm bị Mỹ cấm vận.

Trong sự kiện lớn được tổ chức vào cuối tuần qua, Huawei đã chính thức công bố Báo cáo Thường niên năm 2022, ghi nhận hoạt động kinh doanh duy trì ổn định với kết quả doanh thu đạt 92,37 tỷ USD và lợi nhuận ròng cán mốc 5,12 tỷ USD.

Điểm đáng chú ý, Hãng tiếp tục tăng cường đầu tư vào R&D với ngân sách 23,23 tỷ USD trong năm 2022 – chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm, góp phần nâng tổng chi phí R&D của công ty trong liên tục 10 năm qua lên hơn 140,55 tỷ USD.

Theo báo cáo tài chính của công ty, tính đến cuối năm 2022, số bằng sáng chế của Huawei đã lên đến hơn 120.000, thuộc nhóm các công ty sở hữu lượng bằng sáng chế lớn nhất thế giới.

“Hồi sinh” sau 4 năm biến cố

Tháng 5/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Huawei vào danh sách đen về thương mại, cấm tập đoàn này làm ăn với các công ty Mỹ nếu không có sự phê chuẩn của chính quyền Washington. Đến tháng 9/2020, Mỹ quyết định cắt đứt nguồn cung chip là cú đánh mạnh vào mảng điện thoại thông minh của Huawei.

Về tổng thể, doanh thu tổng của tập đoàn công nghệ Trung Quốc có chiều hướng đi xuống từ sau lệnh cấm của Mỹ năm 2019. Bị chặn nguồn cung chip cho điện thoại, mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng trong đó chủ yếu là smartphone của Huawei lao dốc mạnh, bất chấp việc hãng có chiến lược mua trước và dự trữ số lượng chip trước lệnh cấm của Mỹ.

Như trên, từ chỗ là lĩnh vực đem lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn, mảng sản phẩm tiêu dùng hiện tại chỉ xếp thứ 2 sau hạ tầng viễn thông. Theo đó, mảng sản phẩm tiêu dùng của Huawei đạt đỉnh doanh thu năm 2020 (69,1 tỷ USD) nhưng giảm mạnh hai năm sau đó (2021 – 38,2 tỷ USD) và (2022 – 30,9 tỷ USD).

Ông Eric Xu chia sẻ tại sự kiện Báo cáo Tài chính năm 2022

Thời gian qua, tập đoàn của người sáng lập Nhậm Chính Phi nỗ lực bù đắp sự sụt giảm này bằng doanh thu đến từ mảng dịch vụ doanh nghiệp. Thực tế, lĩnh vực này liên tục có sự tăng trưởng doanh thu từ 2018 (10,9 tỷ USD) lên mức gần gấp đôi năm 2022 (19,1 tỷ USD) nhưng điều này chưa bù đắp được doanh thu lao dốc của mảng sản phẩm tiêu dùng.

Trong khi đó, mảng kinh doanh hạ tầng viễn thông của Huawei đang nỗ lực duy trì doanh thu ổn định 40-44 tỷ USD mỗi năm.

“Trong năm 2022, môi trường kinh doanh bên ngoài đầy thách thức cùng các yếu tố phi thị trường tiếp tục gây thiệt hại tới hoạt động của Huawei. Vững bước giữa cơn cuồng phong này, chúng tôi vẫn luôn tiếp tục chạy đua về phía trước, nỗ lực linh hoạt làm mọi thứ trong khả năng để duy trì hoạt động kinh doanh thông suốt và phục vụ khách hàng tốt nhất”, ông Eric Xu – Chủ tịch Luân phiên của Huawei chia sẻ tại sự kiện.

Cũng theo ông Eric Xu, Huawei cũng đang dốc sức để tăng thu, tạo ra nguồn doanh thu ổn định để doanh nghiệp có thể vững vàng tồn tại và gia cố nền tảng chuẩn bị cho đà phát triển trong tương lai.

Kỷ lục 1/4 tổng doanh thu dành cho R&D

Tại sự kiện, bà Sabrina Meng – Giám đốc Tài chính của Huawei cũng cho biết thêm: “Mặc dù chịu áp lực đáng kể vào năm 2022, song kết quả kinh doanh tổng thể của Huawei vẫn đi đúng lộ trình dự báo trước đó. Vào cuối năm, tỷ lệ nợ phải trả còn 58,9% và số dư tiền mặt ròng là 25,35 tỷ USD”.

Ngoài ra, theo bà Sabrina Meng, số dư tổng tài sản đạt 143,82 tỷ USD, phần lớn bao gồm các tài sản lưu động như: tiền mặt, vốn đầu tư ngắn hạn và tài sản hoạt động. Tình hình tài chính của chúng tôi vẫn vững chắc, với khả năng phục hồi mạnh mẽ và linh hoạt.

“Nhìn lại năm qua, tổng chi tiêu vào R&D vẫn đạt tới 23,23 tỷ USD – chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm và là một trong những mức cao nhất trong lịch sử của Huawei. Giữa thời điểm căng thẳng, chúng tôi vẫn tiếp tục dấn thân với tất cả sự tự tin”, Giám đốc Tài chính của Huawei nói.

Bên cạnh đó, bóc tách cơ cấu 3 hoạt động kinh doanh chủ lực của công ty trong năm 2022, Huawei cho biết, doanh thu từ mảng kinh doanh Thiết bị Viễn thông, Giải pháp Doanh nghiệp và Thiết bị Tiêu dùng lần lượt đạt 40,84 tỷ USD; 19,16 tỷ USD và 30,85 tỷ USD.

Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Huawei trong 10 năm qua.

“2023 sẽ là năm quan trọng đối với lộ trình tồn tại và phát triển bền vững của Huawei. Hoa mận sẽ đơm trái ngọt sau cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Huawei hôm nay cũng giống như bông hoa mận”, Chủ tịch Eric Xu ví von một cách hình tượng về kỳ vọng hồi sinh của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Theo ông Eric Xu, mặc dù đối diện với đáng kể thách thức phía trước, song doanh nghiệp này mọi thứ cần thiết để tìm thấy lối ra rộng lớn, bao gồm những cơ hội phát triển hấp dẫn, danh mục đầu tư kinh doanh linh hoạt, lợi thế cạnh tranh độc đáo, niềm tin lâu dài của khách hàng và đối tác, cũng như lòng can đảm đầu tư mạnh mẽ vào R&D.

“Huawei luôn tự tin vào khả năng vượt qua mọi giới hạn và thách thức, kiến tạo nền tảng vững chắc để tồn tại và phát triển bền vững”, Chủ tịch Eric Xu nhấn mạnh.

“Sóng gió” vẫn đang chờ người kế nhiệm

Nhìn lại 4 năm trước, lệnh cấm của Mỹ với Huawei cùng với sự việc bà Mạnh Vãn Chu – con gái của vợ đầu nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bị bắt và giám sát ở Canada là điểm nhấn đáng chú ý tạo nên một giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung.

Cuối năm 2018, khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ cũng là lúc Huawei chuẩn bị cho giông bão trước lệnh cấm toàn diện từ Mỹ. Vụ việc gây ra một cơn bão chỉ trích từ phía Trung Quốc, khiến bà Mạnh phải trải qua một cuộc chiến pháp lý kéo dài gần ba năm, đồng thời, khiến Canada rơi vào thế “bị kẹt” giữa cuộc chiến của hai cường quốc lớn nhất thế giới. Phải đến tháng 9/2021, bà Chu mới được thả và lên máy bay về nước sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đình chỉ cáo buộc gian lận.

Bà Mạnh Vãn Chu chia sẻ tại sự kiện Báo cáo Tài chính năm 2022

Và kể từ ngày 1/4 bà Mạnh Vãn Chu lại là người đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của Huawei, sau nhiều sóng gió. Nhiệm kỳ của bà Mạnh diễn ra vào giai đoạn quan trọng, khi Huawei đang phải đối mặt với hàng loạt áp lực ngày càng tăng từ Mỹ.

Hãng công nghệ Trung Quốc bị Mỹ áp đặt nhiều lệnh kiểm soát xuất khẩu kể từ năm 2019, cắt đứt nguồn cung chip bán dẫn từ các công ty Mỹ và ngăn Huawei tiếp cận thiết bị thiết kế có sử dụng công nghệ Mỹ.

Tuy vậy, trong phát biểu gần đây, bà Mạnh Vãn Chu cho thấy sự lạc quan vào khả năng tăng trưởng của tập đoàn: “Dù chịu áp lực đáng kể vào năm 2022, kết quả kinh doanh tổng thể của Huawei vẫn đi đúng lộ trình. Đến cuối năm, tỷ lệ nợ phải trả còn 58,9% và số dư tiền mặt ròng là 25,35 tỷ USD.Ngoài ra, số dư tổng tài sản đạt 143,82 tỷ USD, phần lớn bao gồm các tài sản lưu động như tiền mặt, vốn đầu tư ngắn hạn và tài sản lưu động”.

“Tình hình tài chính của chúng tôi vẫn vững chắc, với khả năng phục hồi tốt. Nhìn lại năm qua, tổng chi tiêu vào R&D vẫn đạt mức cao. Giữa thời điểm căng thẳng, chúng tôi tiếp tục dấn thân với sự tự tin cao”, Chủ tịch luân phiên sắp tới của Huawei nói.

Tuấn Việt