Vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài trung ương, địa phương, các báo cáo viên tại TP.HCM.
Sau gần 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, và sự hỗ trợ Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, các tổ chức quốc tế (WHO, các tổ chức đối tác của Quỹ BloomBerg Philanthropies – HB, CTFK, Vital Strategies…) các Bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác PCTHTL tích cực và đạt được nhiều thành tích. Cụ thể:
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong toàn quốc giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới là từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020 và tiếp tục giảm xuống 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).
Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng: Trong 5 năm (từ 2015-2020) tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.
Tới năm 2023, 90% người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế.
Những nguy cơ nếu cho phép các loại thuốc lá mới
Các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện. Đặc biệt các sản phẩm thuốc lá mới làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái. Hiện nay thuốc lá điện tử có gần 20.000 loại hương vị khác nhau được sử dụng, điều này làm tăng nguy cơ mất an toàn sức khoẻ trong tương lai.
Vì tác hại ghê gớm của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo:
Thuốc lá nung nóng (Heated tobacco products-HTP) tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).
Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như toluene, nitrosamine, hydrocarbon thơm đa vòng,chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, acrolein, Formaldehyde, Hydrooxycarbonyls, Acetaldehyde, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, phân tử Ultrafine… Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde…
Thời gian gần đây đã xuất hiện các sản lai (kết hợp) giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử (sản phẩm hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá) khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn.
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ kiểm nghiệm được hàm lượng Tar và Nicotine trong thuốc lá điếu, trong khi thuốc lá điện tử, có khoảng 16.000 loại hương liệu trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe mà ngay cả các nước phát triển cũng chưa đủ khả năng để kiểm nghiệm được hết các chất trong các sản phẩm thuốc lá mới.
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới năm 2019: “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” và “không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.
Các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ (đặc biệt là phụ nữ, học sinh,…)
Tại Việt nam, theo số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020: tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 – 44 tuổi (3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%).
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
Bạn H.N.Nam 22 tuổi cho biết: “Thật sự rất là dễ tìm và mua, tại vì khi mình vào các cái group của các cái Hội của những người dùng, chơi thuốc lá điện tử thì mình tiếp cận sản phẩm rất là dễ. Mình có thể đặt hàng, có thể đến tận địa chỉ liên hệ để mua hoặc là họ có thể giao cho mình qua các ứng dụng giao hàng, Grab, Shoppe,…”
“Theo em mua thì nó rất là đơn giản bởi vì trên mạng cũng như là trên instagram, các trang mạng nó quảng cáo rất là nhiều, rất nhiều shop bán các phụ kiện, cũng như là tinh dầu luôn. Như em thì em tìm hiểu trên Facebook địa chỉ rồi em sẽ đến trực tiếp, hầu như là không có gì khó khăn cả vì nó nhan nhản trên mạng hết rồi”, bạn nữ tên Dương 20 tuổi chia sẻ.
Có thể thấy chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thế hệ trẻ và học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ. Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.
Tác hại khủng khiếp của sản phẩm thuốc lá mới
Sử dụng TLĐT gây tổn thương nhu mô phổi còn TLNN liên quan đến các ca viêm phổi tăng BCAT cấp tính.
Cụ thể, khi sử dụng lâu dài thuốc lá mới sẽ dẫn đến: Hệ hô hấp: suy giảm chức năng phổi do tắc ngẽn;Tim mạch: rối loạn chức năng mạch máu, cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ; Ung thư: làm tổn thương DNA gây tăng nguy cơ ung thư, tăng kháng hóa trị liệu; Bệnh về răng miệng: bệnh viêm lợi, sâu răng, mất xương quanh răng, tổn thương niêm mạc miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng miệng; Bệnh tiêu hóa: đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá, viêm loét đại tràng.
Ngoài ra, các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và gây nổ dẫn đến chấn thương nghiêm trọng: Miệng, mặt, cổ Mắt mũi, Xương hàm,…
Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá
Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Ttruyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, hội nghị nhằm cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam. Đồng thời, hội nghị cũng nêu tổng quan về quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá mới, các hình thức tiếp cận giới trẻ.
“Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ. Đứng trước nguy cơ những tổn thất về sức khoẻ do tác hại của thuốc lá mới gây nên, Bộ TT&TT nhận thấy, việc nâng cao năng lực truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới là biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng”, ông Hải nhấn mạnh.
Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đang đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá và Luật PCTH của thuốc lá.
Ngoài ra, cho phép thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử, nung nóng có thể tạo kẽ hở trong quản lý do việc phối trộn các chất gây nghiện khác vào trong sản phẩm thuốc lá rất khó kiểm soát.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm TLĐT/TLNN để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh, thiếu niên. Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Quang Trung