09/09/2021 9:44:51

Hàng quán ăn uống ở TP.HCM lưu ý gì để được mở bán mang đi

Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm được mở bình thường từ 6h sáng đến 21h đêm. TPHCM cũng cho phép hàng quán bán mang về được mở cửa phục vụ trở lại.

Theo văn bản thông báo về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP.HCM đã cấp trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 15.9. Trong trường hợp có nhu cầu cấp đổi giấy đi đường, các đơn vị chủ trì, quản lý đối tượng cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21.8 của UBND TP.HCM chịu trách nhiệm thu hồi giấy cũ; tổng hợp, cập nhật danh sách mới gửi Công an TP.HCM để được cấp đổi.

Đáng chú ý, trong công văn này, thành phố cho phép hoạt động trở lại bình thường, bắt đầu từ 6h sáng đến 21h hàng ngày với nhóm đối tượng gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm. Cùng với đó là đội ngũ giao nhận hàng hoá (shipper). Tuy nhiên, shipper chỉ được hoạt động trong phạm vị 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế cũng được hoạt động bình thường từ 6h đến 21h mỗi ngày.

TPHCM cũng cho phép mở lại 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá nông sản, thực phẩm tại Chợ Đầu mối Bình Điền và Chợ Đầu mối Hóc Môn. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của Chợ Đầu mối Thủ Đức.

Đặc biệt, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập sẽ được mở trở lại.

Các loại hình kinh doanh này ăn chỉ được hoạt động trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày. Riêng hàng ăn uống bán theo hình thức mang đi.

Tuy nhiên, khi cho phép mở bán lại, TPHCM cũng đặt ra các quy định khắt khe nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở thành phố.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh ăn uống phải hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”: làm việc tại chỗ, chống dịch tại chỗ và ăn ở tại chỗ.

Đồng thời, người lao động làm việc tại các cơ sở này phải đảm bảo điều kiện đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

TPHCM cũng quy định chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper).

Các quán ăn muốn bán được hàng bắt buộc phải liên kết với các đơn vị cung cấp app đặt đồ ăn. Thông qua app đặt hàng trực tuyến, shipper là người nhận đơn và giao đồ ăn cho khách.

Tuy nhiên, hiện TPHCM chỉ cho shipper hoạt động trong phạm vi một quận, huyện, Thành phố Thủ Đức. Điều này đồng nghĩa người dân ở quận, huyện nào thì chỉ có thể đặt đồ ăn ở khu vực quận, huyện đó.

TPHCM cũng quy định các hàng quán phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường theo quy định.

PV (t/h)