Hai phương án được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đưa ra có ưu và nhược điểm riêng – tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng, gốc rễ để hạn chế được việc rút BHXH một lần vẫn là ổn định việc làm, thu nhập và đời sống để người lao động gắn bó với BHXH.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện đang được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Trong dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng; cũng như đề xuất 2 phương án với rút BHXH một lần.
Phương án một là: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút BHXH 1 lần.
Như vậy, lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.
Phương án hai: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Như vậy, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Không thể có phương án vẹn toàn
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cả 2 phương án mà ban soạn thảo đưa ra đều có ưu và nhược điểm.
Thứ nhất, với phương án giữ nguyên quy định hiện hành là cho người dân rút toàn bộ số năm đã đóng, ông Lợi cho rằng sẽ giúp cho người lao động giải quyết được khó khăn, trang trải cuộc sống trước mắt, và phương án này cũng đúng về nguyên tắc vì đó là tiền của người lao động và họ có quyền được rút khi cần.
Tuy nhiên, phương án này chỉ giải quyết được lợi trước mắt và sẽ mang đến hại lâu dài, bởi khi người lao động về già sẽ không được hưởng các chính sách an sinh như lương hưu, bảo hiểm y tế… chỉ tới khi 80 tuổi mới có thể hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với mức 360.000 đồng/tháng.
Với phương án thứ hai là chỉ cho phép người dân rút tối đa 50% số năm đóng bảo hiểm xã hội, còn lại được giữ để chi trả an sinh khi người lao động nghỉ hưu, ông Lợi cho rằng phương án này khá hợp lý, khi khó khăn người lao động vẫn rút được 50% để giải quyết vấn đề trước mắt, còn lại 50% nhận bổ sung khi về già. Số 50% giữ lại sẽ không mất đi mà được bảo lưu đến khi người lao động hưởng chế độ hưu trí.
Ông Lợi cho rằng phương án hai có tính ưu việt hơn song vẫn cần giữ lại phương án một để áp dụng với một số trường hợp đặc biệt như mắc bệnh hiểm nghèo hay ra nước ngoài sinh sống…
Liên quan đến câu chuyện này, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng ban Chính sách pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, bản chất của BHXH một lần là giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động khi mất việc làm. Do đó, để hạn chế tình trạng trên, căn cơ là phải duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất. Đồng thời, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn. Bởi, tất cả trường hợp rút BHXH một lần khi mất việc làm. Còn khi vẫn có công ăn, việc làm, không ai muốn nhận BHXH một lần.
Cũng theo ông Quảng, cần phải tạo niềm tin cho người lao động vào hệ thống an sinh bằng cách tăng cường, đảm bảo thực thi pháp luật, giảm tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXHBổ sung thêm về giải pháp để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần,
Hay ông Bùi Sỹ Lợi thì đề xuất Nhà nước cần nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho người lao động vay không lãi suất để giải quyết khó khăn trước mắt, tránh rút BHXH một lần.
Tới cuối tháng 1/2023, cả nước có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó, khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm, gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Cũng theo thống kê, người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%). Nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%… Như vậy, người hưởng BHXH một lần từ trên 20-40 tuổi chiếm tới 77,5% tổng số người rút. |
Tuấn Việt