Trước bối cảnh mức độ chấp nhận rủi ro tăng, giá dầu giảm và lợi tức kho bạc cao, giá vàng thế giới đã giảm sâu sau khi đạt được mức cao nhất trong gần 3 tháng qua.
Đêm 15/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.850 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.851 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 15/2 thấp hơn khoảng 2,4% (45 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 52,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 15/2.
Giá vàng trên thị trường quốc tế dốc so với phiên liền trước nhưng vẫn còn ở mức khá cao. Diễn biến mới xảy ra sau khi Nga công bố rút một phần quân khỏi vùng biên giới giáp Ukraine, qua đó làm giảm căng thẳng địa chính trị tại khu vực.
Theo CNBC, nhiều thị trường chứng khoán quốc tế đã tăng mạnh trở lại sau khi có thông tin Nga rút một phần quân khỏi khu vực biên giới giáp Ukraine. Một số đơn vị của quân khu miền Nam và miền Tây đã hoàn thành diễn tập và bắt đầu trở về căn cứ.
Tuy nhiên, các cuộc tập trận quy mô lớn trên cả nước vẫn tiếp tục diễn ra.
Giá dầu cũng giảm khá nhanh, bớt khoảng 3% với Brent xuống dưới 94 USD/thùng và WTI về 92,4 USD/thùng.
Theo Reuters, dòng tiền đổ khá mạnh vào các thị trường chứng khoán, trong đó có cả Nga và Mỹ. Sức ép lên đồng rúp cũng suy giảm mạnh.
Trước đó, Nga bác bỏ ý định tấn công Ukraine trong cuộc tập trận chung quy mô lớn với Belarus tại khu vực biên giới giáp Urkaine. Tuy nhiên, Moscow liên tục điều quân tới đòng thời đòi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải có các bảo đảm mang tính ràng buộc về việc sẽ không kết nạp quốc gia Đông Âu vào liên minh quân sự này. Cho đến nay, cả Washington và Brussels đều từ chối đưa ra các cam kết như vậy.
Giá vàng trong nước rạng sáng 16-2 giằng co giữa tăng và giảm với mức điều chỉnh từ 50.000 đến 400.000 đồng/ lượng.
Ghi nhận mức giảm mạnh nhất là vàng DOJI. Cụ thể, DOJI tại khu vực Hà Nội được điều chỉnh giảm 250.000 đồng/ lượng cả hai chiều đưa giá vàng mua vào và bán ra xuống lần lượt là 61,8 triệu đồng/ lượng và 62,5 triệu đồng/ lượng. Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá vàng mua vào giảm 300.000 đồng/ lượng xuống còn 61,8 triệu đồng/ lượng và giá vàng bán ra giảm 400.000 đồng/ lượng còn 62,5 triệu đồng/ lượng.
Tại Phú Quý SJC, giá vàng được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/ lượng ở chiều bán ra. Theo đó, giá vàng Phú Quý SJC đang được niêm yết ở mức 62,15 triệu đồng/ lượng mua vào và 62,85 triệu đồng/ lượng ở chiều bán ra.
Ở chiều ngược lại, ghi nhận mức tăng mạnh nhất rạng sáng 16-2 là vàng Maritime Bank. Hiện tại, vàng Maritime Bank đang mua vào ở mức 62,1 triệu đồng/ lượng và bán ra ở mức 63,5 triệu đồng/ lượng. Như vậy, Maritime Bank đã điều chỉnh tăng 550.000 đồng/ lượng mua vào và 450.000 đồng/ lượng bán ra.
PNJ cũng đã điều chỉnh tăng 100.000 đồng/ lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Sau khi điều chỉnh, vàng PNJ đang giao dịch ở ngưỡng 53,5 triệu đồng/ lượng ở chiều mua vào và 54,3 triệu đồng/ lượng ở chiều bán ra.
Chỉ duy nhất giá vàng SJC là không có biến động khi giữ nguyên mức giá giao dịch so với ngày trước đó. Cụ thể, giá vàng PNJ tại khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết ở ngưỡng 62,25 triệu đồng/lượng mua vào và 62,97 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng PNJ đang là 62,25 triệu đồng/lượng mua vào và 62,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Vương Tâm