04/11/2023 9:28:03

Thành tựu chính sách xã hội Việt Nam:

Đột phá từ tư duy đến thực tiễn

Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (1986 trở về trước) đã chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và từng bước hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Giải quyết các vấn đề xã hội (VĐXH) trong thời kỳ đổi mới hướng tới mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội là quá trình phát triển cả về nhận thức lý luận cơ bản đến thực tiễn của Đảng ta về phát triển các chính sách xã hội. Ngày 13/10/2023, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Nhóm 3 thuộc Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có báo cáo nghiên cứu sâu sắc về quá trình đổi mới chính sách xã hội tại Việt Nam từ nhận thức lý luận đến thực tiễn lãnh đạo của Đảng để có thành tựu như ngày hôm nay.

Lao động nữ tại Cty May 10 (ảnh Qúi Đức)

BÀI 1: CHUYỂN ĐỔI MẠNH MẼ TỪ TƯ DUY NHẬN THỨC ĐẾN NHỮNG QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO QUAN TRỌNG

Lần đầu tiên xuất hiện cụm từ “Chính sách xã hội” và đề xuất việc ban hành thực hiện Luật Lao động.

Theo báo cáo nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH, năm 1986 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đánh dấu cho thời kỳ khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước với xuất phát điểm là đổi mới nền kinh tế và cơ chế quản lý. Tại Đại hội này, lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Chính sách xã hội” và đặt đúng vị trí, vai trò của chính sách xã hội trong mối quan hệ với chính sách kinh tế: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc… Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội…, cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định được những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên” và bước đầu đề ra phương hướng, mục tiêu của một số chính sách xã hội cụ thể: “Kế hoạch hóa dân số, giải quyết việc làm cho người lao động; Thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa; bảo đảm an toàn xã hội, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hóa, bảo vệ và tăng cường sức khỏe nhân dân; Xây dựng chính sách bảo trợ xã hội; Thực hiện đúng chính sách giai cấp và chính sách dân tộc”… Tại Đại hội này, lần đầu tiên đã có đề xuất việc “ban hành và thực hiện Luật Lao động” để có một khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ lao động trong quá trình vận hành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.

Chính sách xã hội đúng đắn tạo điều kiện chăm sóc tốt công nhân lao động đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Quan điểm mới về “tiến bộ xã hội” lần đầu tiên xuất hiện

Đến năm 1991, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, sau khi xác định được những đặc trưng cơ bản của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, Đảng đã nêu định hướng lớn: “Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát triển mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, Đảng đã chính thức khẳng định một số quan điểm chỉ đạo việc kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, cụ thể: “Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của yếu tố con người và vì con người. Kết hợp hài hòa giữa kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế” và chủ trương “xã hội hóa một phần nguồn lực và chủ thể tham gia thực hiện chính sách xã hội”. Theo đó, Đại hội này đã lần đầu tiên đưa ra quan điểm mới về “tiến bộ xã hội” và đặt ra vấn đề kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, đồng thời lần đầu tiên chủ trương“xã hội hóa” được ghi nhận…. Bên cạnh đó, đã bổ sung một số chính sách cụ thể mà Đại hội VI chưa có điều kiện xác lập, đó là đổi mới chính sách tiền lương và thu nhập, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách dân số và việc làm và tiếp tục yêu cầu hoàn thiện pháp luật lao động để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động về lựa chọn việc làm, nơi làm việc, học nghề, thuê, mướn nhân công…

Nhìn chung trong thời kỳ đầu đổi mới (1986-1995), tư duy của Đảng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ: (i) từ chỗ vấn đề xã hội chỉ được nhìn nhận và giải quyết trong khuôn khổ có giới hạn sang chấp nhận các vấn đề xã hội như là hệ quả không mong muốn song hành với sự biến đổi xã hội và khẳng định tầm quan trọng của giải quyết các vấn đề xã hội; (ii) từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của chính sách xã hội trong mối quan hệ tương tác với chính sách kinh tế đã đi đến thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội; (iii) từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ việc giải quyết vấn đề xã hội sang nhấn mạnh việc phát huy quá trình xã hội hóa trong giải quyết vấn đề xã hội.

Nông thôn mới tại huyện Hải Hậu Nam Định.

Cụm từ “an sinh xã hội” chính thức được sử dụng trong văn kiện Đại hội Đảng IX

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996) lần đầu tiên đã đưa nội dung “Giải quyết tốt một số vấn đề xã hội” là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu với định hướng “Chính sách giải quyết một số vấn đề xã hội theo quan điểm: tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo. Thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư; phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, nhân hậu thuỷ chung”. Theo đó, một số chính sách mới được bổ sung, một số chính sách được nâng lên thành chương trình cấp quốc gia như Chương trình xóa đói, giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa với nội dung mới là những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú; giải quyết việc làm được phát triển lên thành chương trình quốc gia, có quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vấn đề “đẩy lùi tệ nạn xã hội” được xác định là một trong 5 nhiệm vụ trước mắt. Lần đầu tiên, các quan điểm để hoạch định hệ thống chính sách xã hội đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng VIII, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001) về cơ bản tiếp tục khẳng định các quan điểm chỉ đạo của Đại hội VIII. Cụm từ “an sinh xã hội” chính thức được sử dụng trong văn kiện Đại hội IX.

Trên cơ sở những thành tựu và hạn chế của 20 năm đổi mới, trong đó có các vấn đề xã hội, Đại hội Đảng X (2006) đã nhấn mạnh chủ trương“….Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc” và khẳng định “Thứ nhất, mục tiêu kinh tế và các mục tiêu xã hội phải bảo đảm tính đồng bộ, công bằng và bình đẳng cho mọi người dân, mọi vùng miền, khắc phục tình trạng phân hoá, bất bình đẳng do các khuyết tật của cơ chế thị trường và những phát sinh do nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi gây ra. Thứ hai, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân…; đa dạng hóa các loại hình cứu trợ xã hội”.

Nhìn chung trong thời kỳ bắt đầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới (1996 – 2010), tư duy của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội tiếp tục được đổi mới: (i) từ chỗ giải quyết vấn đề xã hội mang tính bị động sang phương châm chủ động, tích cực hơn thông qua hệ thống chính sách xã hội; (ii) gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, đi liền với với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển.

Nâng tầm tư duy nhận thức chính sách xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế và tiếp cận xu hướng thế giới

Bước vào Thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới ( giai đoạn từ 2011 – nay, báo cáo nêu rõ: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) yêu cầu: “Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay”.

Đến Đại hội XII, quan điểm về chính sách xã hội phù hợp với các giai cấp, tầng lớp và cộng đồng dân cư được nhấn mạnh và nhận thức sâu sắc hơn: “Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội… quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu – nghèo, bảo đảm sự phát triển xã hội ổn định và bền vững… Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội…”. Tại Đại hội XII, nhận thức về mối quan hệ giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế được nâng lên tầm cao mới thành chủ trương, quan điểm chung của Đảng phù hợp với xu hướng chung của thế giới về mô hình phát triển kinh tế thị trường gắn kết xã hội: “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện”.

Đến Đại hội XIII phát triển nhận thức về mối quan hệ gữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế thể hiện trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện đại theo hướng “Gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường…; gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội”. Đại hội XIII nhấn mạnh cần phải tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”.

Nhìn chung trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới (2011 – nay), tư duy về giải quyết các vấn đề xã hội tiếp tục được phát triển và nâng tầm, đó là: (i) từ chỗ giải quyết các vấn đề xã hội mang tính hỗ trợ, giải quyết hậu quả sang nâng cao năng lực để thích ứng và phát triển. Đặc biệt, đã từng bước lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực trong hoạch định và thực thi hệ thống chính sách xã hội nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề xã hội hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội; (ii) nhận thức về mối quan hệ giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế được nâng lên tầm cao mới thành chủ trương, quan điểm chung của Đảng phù hợp với xu hướng chung của thế giới về mô hình phát triển kinh tế thị trường gắn kết xã hội. Đồng thời, tiếp tục phát triển nhận thức về mối quan hệ gữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế thể hiện trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện đại; (iii) phát triển hệ thống chính sách ASXH gắn với mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới công bằng xã hội và giảm thiểu bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư, để không một ai “bị để lại phía sau” trong phát triển hòa nhập hay bao trùm; (iv) Cách tiếp cận trong xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Bài 2: Bước tiến từ hỗ trợ nhân đạo đến đảm bảo quyền an sinh của công dân

Hồng Anh (ghi)