Đây là 1 trong những kiến nghị được lãnh đạo, giảng viên Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang (VKTech) đề xuất với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc với nhà trường hôm 4/4 vừa qua.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung 4 Luật trong giáo dục
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng VKTech báo cáo với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, nhà trường đã được đăng ký đào tạo 43 ngành nghề ở các cấp trình độ, trong đó CĐ 16 nghề bao gồm 7 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế: Điện Công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Hàn, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Cắt gọt kim loại, trung cấp 12 nghề, sơ cấp 15 nghề, quy mô 2.760 người/ năm.
VKTech là trường tiên phong ứng dụng công nghệ trong đào tạo nghề, được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư trở thành trường CĐ chất lượng cao. Trang thiết bị đào tạo được đầu tư cơ bản đồng bộ, hiện đại theo định hướng của Hệ thống trường Polytechnic Hàn Quốc và được sản xuất từ năm 2011 trở lại đây. Số lượng thiết bị đào tạo hiện có tại trường đáp ứng khoảng 72,1% so với đầu danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu theo quy định. Nhà trường đã linh hoạt trong việc nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị đa công năng, sử dụng cho nhiều ngành nghề và tích hợp công nghệ thông tin trong đào tạo, vì thế bảo đảm 100% các nội dung đào tạo trong chương trình.

Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2024, nhà trường hoàn thành đào tạo cho 4.201 học sinh, sinh viên tốt nghiệp, trong đó Cao đẳng 1.787 sinh viên, Trung cấp 2.414 học sinh thuộc 21 ngành/nghề. Chất lượng đào tạo được chú trọng, tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt trên 95%.
Đến nay nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác và có mối quan hệ thân thiết với hơn 150 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực (công nghiệp, sản xuất, lắp ráp, công nghệ, thương mại, cung ứng nhân lực…), bao gồm hơn 80 doanh nghiệp trong tỉnh; khoảng 70 doanh nghiệp ngoài tỉnh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bằng các nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác, nhà trường xây dựng nhiều mô hình khác nhau trong kết nối doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp trung bình đạt trên 85%, riêng trình độ cao đẳng luôn đạt trên 92%, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp FDI tại địa phương và các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… Trong số sinh viên có việc làm có từ 5 – 8% sinh viên tham gia lao động, làm việc tại nước ngoài như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…
Nhà trường đang tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc nâng cao 4 yếu tố bảo đảm chất lượng: chương trình, học liệu chất lượng cao (được rà soát thường xuyên, trao đổi với chuyên gia từ doanh nghiệp, giảng viên nhiều năm kinh nghiệm); cơ sở vật chất thường xuyên được đầu tư mới, cập nhật khoa học công nghệ mới; giảng viên được tập trung đào tạo bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cả trong nước và nước ngoài; quản trị trường học sử dụng có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý hoạt động đào tạo và liên tục được cập nhật dữ liệu, quy trình.
Tuy nhiên, hiện tại VKTech cũng gặp những khó khăn vướng mắc trong việc thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn tham gia giảng dạy tại các trường Việt Nam, thủ tục xin phép phức tạp, không khả thi đối với các chương trình trao đổi có thời gian ngắn, trong khi chất lượng đào tạo của nhiều trường/viện đã được nước sở tại công nhận và đạt chuẩn kiểm định; văn bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.
Qua đó, Hiệu trưởng Nguyễn Công Thông bày tỏ mong muốn: “Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học theo hướng đơn giản hơn để tạo điều kiện thu hút chuyên gia, giảng viên từ các trường nước ngoài đến giảng dạy tại Việt Nam. Trước mắt có thể xem xét giới hạn cho các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và sản xuất, nhất là những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích phát triển”.

Ông Thông giải thích thêm: Luật Giáo dục đại học cần bổ sung khái niệm và quy định phân loại về đại học thực hành và đại học nghiên cứu. Người có trình độ Cao đẳng có thể dễ dàng liên thông lên bậc đại học thực hành và cao hơn, thậm chí đại học nghiên cứu nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Bên cạnh kiến nghị từ phía nhà trường, thành viên đoàn Giám sát đã trao đổi cùng nhà trường xem xét bổ sung khái niệm Trung cấp thực hành – thay vì gọi là mô hình 9+ hiện nay. Người học trung cấp thực hành được học nghề và khối lượng kiến thức văn hóa THPT phù hợp hiện nay.
Mặt khác, sửa đổi quy định về liên thông dọc trong hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng một mặt tạo điều kiện dễ dàng cho người lao động thực hiện “Học tập suốt đời”, vừa có kiến thức, kỹ năng, năng lực thực hiện để làm việc, vừa có được mục tiêu về bằng cấp. Mặt khác gia tăng mức độ hiệu quả của thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành theo cấp độ đào tạo và theo vùng kinh tế
Đó là ý kiến đóng góp xây dựng của nhà trường cũng như các thành viên giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt theo từng lĩnh vực khác nhau. Qua đó bảo đảm sự cân bằng, hiệu quả về cơ cấu, số lượng, trình độ lao động theo đặc điểm từng vùng kinh tế.
Quan tâm bố trí nguồn lực tài chính phù hợp để thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo thực hành trong toàn quốc gắn với đặc điểm, lộ trình phát triển thị trường lao động từng vùng, từng địa phương. Nội dung đầu tư trọng tâm là gắn với củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống đảm bảo chất lượng trong các nhà trường…
Qua chuyến tham quan cơ sở vật chất, tìm hiểu mô hình đào tạo của nhà trường, đoàn giám sát đã ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo của nhà trường, đóng góp lớn nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận. Thành tựu của nhà trường cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của tỉnh Bắc Giang tới giáo dục nghề nghiệp; nhà trường phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt làm cầu nối với doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn đào tạo nguồn nhân lực bám sát với nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm hiện nay.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho hay: “ Mô hình, cách vận hành, đóng góp và cả những trăn trở, kiến nghị của Trường CĐ Công nghệ Việt- Hàn Bắc Giang sẽ được tổng hợp, nghiên cứu vào báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết của Quốc hội và trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của Ủy ban Văn hóa và Xã hội, trước mắt là sửa đổi một số Luật liên quan.
Bình Minh