Khởi nghiệp giữa lúc thị trường thời trang Việt đã quá “chật chội” với vô vàn thương hiệu, nhưng với tư duy và cách vận hành khác biệt, CEO Khả Anh đã giúp Caesa nhanh chóng có chỗ đứng.
“Con nhà nghèo”, nhưng “chịu chơi”
Đã 5 năm trôi qua, nhưng với CEO Khả Anh, những ngày đầu xây dựng thương hiệu Thời trang Caesa vẫn như chỉ mới hôm qua. Đó là khoảng thời gian đầy gian nan, từ ý tưởng cho tới quá trình xây dựng được Khả Anh thực hiện rất tinh gọn, với tinh thần học hỏi nhanh.
“Chúng tôi làm marketing và xây dựng thương hiệu kiểu ‘con nhà nghèo’, vì ngành thời trang cạnh tranh quá khốc liệt. Caesa còn non trẻ, không giàu tiềm lực tài chính, nhưng vẫn xác định phải tạo được ấn tượng và khiến người ta nhớ đến”, Khả Anh tâm sự.
Trò chuyện với CEO Khả Anh
Theo anh, điều khó nhất trong kinh doanh thời trang hiện nay là gì?
Đó là thương hiệu thời trang Việt có quy mô nhỏ, chưa định vị được hình ảnh trong tâm trí người tiêu dùng và có phần mờ nhạt trong môi trường kinh doanh được đánh giá là khốc liệt hiện nay.
Anh có ý định sẽ mở rộng sang mảng kinh doanh khác, ngoài thời trang?
Tôi muốn xây dựng Ceasa thành một doanh nghiệp thời trang có thương hiệu không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Dù hiện tại hay tương lai, tôi sẽ cố gắng làm tốt với đam mê mình đang theo đuổi.
Triết lý sống mà anh theo đuổi?
Từ nhỏ, tôi rất thích câu danh ngôn: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” và đến giờ, tôi vẫn thực hành theo. Bạn cứ cho đi, rồi cuộc sống sẽ thêm những điều tốt đẹp. Mỗi người chỉ là giọt nước, nhiều giọt nước sẽ tạo thành đại dương bao la.
Trong cuộc sống, không ai tránh được những khó khăn, thất bại, tôi cũng vậy. Tuy nhiên, nhưng từ khi biết tới Phật pháp, tôi đã ngộ ra nhiều điều. Cuộc sống vốn lẽ vô thường, nên mỗi người cần biết cân bằng.
Khi chúng ta biết buông bỏ phiền não, bình thản đón nhận mọi thành công và thất bại, thì sẽ đạt được tự do trong tâm hồn.
Gieo hạt gì, thì gặt quả đó. Nếu sống tốt, tử tế với người khác, tự bản thân sẽ hạnh phúc và ngược lại.
Nhờ định hình cách phát triển như vậy, nên mỗi giai đoạn phát triển của Caesa đều gắn với một câu chuyện và cách tiếp cận truyền thông độc đáo. Ban đầu, Caesa bán lỗ để “mua” sự trải nghiệm của khách hàng, tự xây dựng cách thức marketing 0 đồng. Thực ra, đó không phải cách làm kiểu “con nhà nghèo” như Khả Anh nói, mà là cách “chịu chơi” của một thương hiệu khai sinh giữa lúc thị trường sôi động.
“Thay vì đổ tiền cho ngân sách truyền thông để mở rộng hình ảnh thương hiệu, chúng tôi dành toàn bộ ngân sách đó đổ vào sản phẩm để mua sự hiểu biết về khách hàng”, Khả Anh chia sẻ. Anh cho rằng, khi hiểu khách hàng muốn gì, cần gì, thì mình sẽ dễ dàng hơn trong việc xây dựng chiến lược bán hàng đúng đối tượng.
Từ định hướng ấy, trên những sản phẩm của Caesa bắt đầu xuất hiện những tờ tag (thẻ, mác đính trên sản phẩm) chia sẻ sự hiểu biết của Caesa với từng khách hàng. Cần mẫn, chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ, những hành động đó đã khiến khách hàng cảm động. Và rồi từ đó, niềm vui nhanh chóng đến với Khả Anh và đội ngũ Caesa. Họ đón nhận những thông tin tích cực từ khách hàng về sản phẩm về cách bán hàng. Thành công hơn là khi Caesa xây dựng được cộng đồng khách hàng của riêng mình để truyền tải những thông điệp rất đời thường trên các sản phẩm.
CEO Khả Anh chọn cho Caesa một con đường riêng không giống bất cứ thương hiệu nào trên thị trường. Anh cùng đội ngũ Caesa dám làm những điều mới mẻ và độc đáo. Chẳng hạn, tổ chức các chương trình mua hàng và thanh toán trước khi hàng được sản xuất, hay các chương trình bán hàng dưới mức giá sản xuất… Dần dần, khách hàng của Caesa không còn là khách hàng nữa, mà trở thành những người bạn thân thiết. Đó là cách làm khác biệt.
Caesa bắt đầu vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Hà Đông (Hà Nội) với số vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng. Sang năm 2021, cơ sở bán lẻ thứ hai được đặt tại Thanh Hóa có mức vốn khoảng 3 tỷ đồng, được đầu tư đồng bộ, mang đến một không gian mua sắm cao cấp, ấn tượng với khách hàng tại địa phương.
Gần hai năm qua, chuỗi cửa hàng thời trang Caesa cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhìn lại cả hành trình xây dựng thương hiệu, thành quả bước đầu của Khả Anh là đã thiết lập được bộ máy nhân sự, vận hành mô hình bán lẻ khá trơn tru, doanh số tương đối tốt, xây dựng được tệp khách hàng thân thiết và quay trở lại mua hàng nhiều lần.
Khả Anh chia sẻ, Caesa không đi theo hướng nhượng quyền thương hiệu (franchise), mà đầu tư thực chất và làm thực chất bằng nguồn vốn của mình. Tới thời điểm này, CEO Khả Anh rất tự tin vào hướng đi của Caesa với cách làm khác biệt so với các “ông lớn” thời trang. Quan điểm của Khả Anh là phải mang lại những giá trị cho khách hàng của mình trước khi đòi hỏi nhận được gì từ họ.
Caesa đưa ra những sản phẩm quần, áo rất bình thường, nhưng gắn trên tag quần, áo đó không chỉ là mảnh giấy nhỏ in logo, mà còn là tinh thần và tình cảm, sự hiểu biết của Caesa chia sẻ với khách hàng, để giúp họ trở nên đẹp hơn, tự tin hơn.
Không đánh mất bản sắc
Mặc dù đã định vị được thương hiệu và có được lượng khách hàng trung thành không nhỏ, nhưng không vì thế mà Caesa thay đổi để chạy theo thị trường và đánh mất bản sắc. Khả Anh đặt mục tiêu, mỗi sản phẩm của Caesa phải khiến khách hàng hài lòng ở mức độ cao.
Người tiêu dùng ủng hộ Caesa không chỉ bởi chất lượng sản phẩm, mà còn bởi dịch vụ sau bán hàng. Caesa sẵn sàng thu hồi sản phẩm đã bán sau nhiều năm, nếu khách hàng không thích dùng mẫu mã đã mua, hay sẵn sàng đổi trả hoàn tiền đối với sản phẩm khách đã sử dụng, nhưng cảm thấy số tiền bỏ ra không xứng đáng với chất lượng mà họ mong muốn.
Với cách làm này, Caesa tiệm cận tư duy bán hàng văn minh, luôn coi khách hàng như những người bạn và trân trọng khách hàng như đối tác. Đó cũng chính là bí quyết mà Khả Anh đã chia sẻ với nhiều người khi được hỏi về cách xây dựng và vận hành để đi đến thành công của Caesa.
Dẫu vậy, Khả Anh cũng xác định, Caesa mới đang ở giai đoạn khởi đầu và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Khai sinh ra một thương hiệu, nhà sáng lập nào cũng muốn thương hiệu của mình phát triển và lớn mạnh. CEO Caesa cũng có nhiều tham vọng và đã chuẩn bị kỹ những chiến lược phù hợp trong từng giai đoạn. Song để thực hiện được điều đó, doanh nghiệp cần cả nguồn lực về tài chính và năng lực triển khai.
“Tôi không muốn chỉ dừng ở phiên bản Caesa hiện tại. Chúng tôi bắt đầu có thêm các thương hiệu mới, như Caesa Golf, Luxcara, Vie Sport, C’Sea, Caesa Entertaiment… Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái với những hướng đi khác biệt. Đó là lý do mà đội ngũ Caesa luôn tràn đầy cảm hứng và có mục tiêu để theo đuổi”, Khả Anh nói.
Người làm kinh doanh nào cũng có những mục tiêu, đích đến của riêng mình. Tùy theo mục tiêu, mà thời gian đến đích đến của mỗi doanh nghiệp có độ nhanh chậm khác nhau. Có doanh nghiệp đặt đích đến là số lượng cửa hàng, doanh nghiệp khác lại coi trọng doanh thu, lợi nhuận. Với Khả Anh, điều anh quan tâm trước tiên là sự trải nghiệm và hài lòng của khách hàng khi sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Caesa, từ đó gia tăng sự tin cậy của khách hàng. Bởi vậy, không thể đi nhanh, đến sớm, thay vào đó, anh theo đuổi triết lý kinh doanh “xây vững – đến nhanh”.
Kiên định với lối đi riêng và luôn không ngừng sáng tạo, chắc hẳn một ngày không xa, khi nói đến thời trang Việt, người ta sẽ nhắc nhiều đến Caesa như một thương hiệu “con nhà nghèo”, nhưng có tầm nhìn của một “đại gia”.
Khả Anh sinh năm 1984, là người con của mảnh đất Triệu Sơn (Thanh Hóa). Từ khi còn nhỏ, Khả Anh đã thích cùng mẹ lên chùa tụng kinh và luôn giúp đỡ những người nghèo khổ. Có lẽ bởi thế, anh đã trở thành một nhà từ thiện trước khi là một doanh nhân.
Xuất phát từ lòng trắc ẩn và mong muốn truyền tải những thông điệp yêu thương đến các bạn trẻ, anh luôn hướng đến những số phận bất hạnh và xây dựng những chương trình ý nghĩa dành cho họ thông qua các hoạt động thiện nguyện.
Mỗi lần Khả Anh tới bệnh viện làm từ thiện, những bệnh nhân ở đó vui mừng như gặp người thân của mình. Anh thăm hỏi, chia sẻ, động viên họ với tình cảm chân thành, ấm áp. Ngoài hỗ trợ về vật chất, anh còn động viên tinh thần, xoa dịu nỗi đau đối với những số phận kém may mắn.
Chuyến đi nối tiếp chuyến đi, Khả Anh còn thường xuyên tổ chức những hoạt động ấm áp tình người dành tới đồng bào vùng cao, như phát áo ấm mùa đông, dạy chữ cho các em nhỏ ở Hà Giang, Yên Bái…
Theo baodautu.vn