14/03/2024 12:05:47

Đến năm 2030 Việt Nam đào tạo được 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon tiêu chuẩn quốc tế

Thông tin được Bộ trưởng Lao động Đòa Ngọc Dung đưa ra tại buổi tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi (Hiệp hội toàn quốc của Nhật Bản về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài), Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt. diễn ra tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH ngày 12/3/2024.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Sau dịch bệnh Covid-19, số người lao động Việt Nam sang Nhật có chững lại do suy thoái kinh tế, đồng yên sụt giảm, song dòng nhân lực đang có dấu hiệu phục hồi, tăng tích cực trở lại.

Riêng trong năm 2023, Việt Nam phái cử hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là năm ghi dấu mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp Nhật Bản. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao việc Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam, trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm và cho biết đây là hai lĩnh vực lợi thế của lao động Việt Nam.

Trao đổi về đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đang thực hiện các giải pháp đột phá đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành, nghề mới, nổi trội như chíp bán dẫn, tín chỉ carbon.

“Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn, hydrogen và tín chỉ carbon với mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo được tối thiểu 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực chip bán dẫn và 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

H.Quân