Chính phủ Nhật Bản vừa công bố kế hoạch bổ sung 4 ngành nghề cho thị thực lao động đặc định mà người nước ngoài có thể làm việc với tư cách “lao động có tay nghề”, gồm: vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ. Kế hoạch này nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong các ngành nghề nêu trên.
Thị thực lao động kỹ năng đặc định 1 cho phép người nước ngoài có tay nghề làm việc tại Nhật Bản đến 5 năm. Thị thực lao động kỹ năng đặc định 2 cho phép người lao động có tay nghề cao được cư trú tại Nhật Bản vĩnh viễn. Bốn lĩnh vực mới đang được xem xét đều thuộc thị thực lao động loại 1.
Việc bổ sung lĩnh vực vận tải đường bộ được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho các tài xế xe buýt, taxi và xe tải sang Nhật Bản làm việc. Trong lĩnh vực đường sắt, người nước ngoài có thể làm nghề lái tàu và chỉ huy tàu. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, người nước ngoài đủ điều kiện sẽ làm việc trong các hoạt động trồng rừng để quản lý và phát triển rừng, cũng như khai thác, chế biến gỗ.
CHLB Đức ưu tiên tuyển lao động có Chứng chỉ nghề, không yêu cầu trình độ tiếng Đức
Báo cáo của Viện Kinh tế Đức cho biết, nước này sẽ thiếu hơn 5 triệu nhân lực đến năm 2030 do tình trạng già hóa dân số và nhu cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực kinh tế mới. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại Đức đang thiếu hàng trăm ngàn công nhân lành nghề mỗi năm, nhất là các lĩnh vực như: công nghệ thông tin (IT) và công nghệ, chăm sóc y tế, xây dựng, logistics…
Luật Nhập cư sửa đổi của CHLB Đức với nhiều quy định mới có hiệu lực theo lộ trình 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 18/11/2023, một số sửa đổi tiếp theo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2024 và cuối cùng là ngày 1/6/2024. Theo những quy định mới vừa có hiệu lực, chính sách nhập cư mới sẽ dựa trên hệ thống tính điểm với 5 tiêu chí: Năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Đức, kinh nghiệm nghề nghiệp, các mối liên hệ với nước Đức và độ tuổi.
Cơ chế tính điểm sẽ ưu tiên cho những người có theo thứ tự như 4 điểm được tính cho những người có bằng cấp chuyên môn về một nghề nào đó, 3 điểm cho những người biết nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh, 2 điểm sẽ được cộng thêm cho những người dưới 35 tuổi. Nếu tổng số điểm của ứng viên đạt trên 6 sẽ được cấp giấy phép cư trú tạm thời (thẻ xanh EU) mà không cần phải đáp ứng tất cả 5 tiêu chí. Lợi thế lớn nhất là những lao động có trình độ học vấn hoặc chứng chỉ nghề có thể vào Đức bằng “thẻ xanh EU” mà không cần yêu cầu về trình độ tiếng Đức.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực IT, công nhân lành nghề không có bằng đại học vẫn có thể nhận được “thẻ xanh EU” nếu chứng minh được có ít nhất 3 năm kinh nghiệm chuyên môn liên quan. Điều dưỡng viên được đào tạo dưới 3 năm cũng được phép tiếp cận thị trường lao động Đức. Trước đây, người lao động (NLĐ) chỉ có thể xin thẻ tạm định cư Đức để làm việc nếu có chứng chỉ nghề liên quan. Nhưng theo luật mới, bất kỳ ai có chứng chỉ nghề đều có thể tìm kiếm việc làm tại Đức, ngay cả khi NLĐ chọn học một nghề khác và không liên quan đến chứng chỉ ban đầu.
Trong các chuyến thăm và làm việc gần đây, lãnh đạo hai nước Việt Nam và CHLB Đức nhất trí đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường xây dựng các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề. Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier đến Việt Nam vào trung tuần tháng 1 vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Xã hội liên bang Đức đã ký Bản ghi nhớ (MOU) duy nhất trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Duy Mạnh