08/09/2022 1:47:08

Đào tạo nhân lực ngành thương mại điện tử chưa “khớp” với nhu cầu thực tiễn

Sự kết nối lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và trường đại học trong đào tạo góp phần khiến không ít sinh viên mới ra trường, dù làm đúng ngành vẫn rất bỡ ngỡ với công việc thực tế. Kết quả là cả nhân viên và nhà tuyển dụng đều phải tốn thêm thời gian, công sức và tiền bạc để đào tạo, làm quen lại với công việc từ đầu.

Ảnh minh họa

Ngày 7/9, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Hội thảo “Đào tạo thương mại điện tử 2022 – Những bước tiến nổi bật”.

Tại sự kiện, các chuyên gia, diễn giả tham dự đều cho rằng nhu cầu tuyển sinh ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số đang tăng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo các ngành này tại trường đại học còn tồn tại nhiều hạn chế và thiếu sự gắn kết với thực tiễn, nhu cầu doanh nghiệp…

Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM khẳng định, cùng với sự phát triển thần tốc của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây, sự thiếu hụt về nhân lực đã qua đào tạo của ngành trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam của Cục TMĐT và Kinh tế số, tăng trưởng quy mô TMĐT của Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây đều ở mức cao, có những năm lên tới 25 – 30%. Hai năm diễn ra dịch bệnh, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại do quy mô thị trường đã lớn, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% năm 2020 và 16% năm 2021.

Khảo sát về TMĐT hàng năm của Cục TMĐT và Kinh tế số cũng cho thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang ngày một tăng cao, khi có tới 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đây chính là nguyên nhân đã thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, từ đó khiến nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử tăng mạnh. Khảo sát cho thấy, có tới 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và TMĐT.

Tuy nhiên, theo bà Việt Anh, hiện nay mới chỉ có 30% nhân lực trong ngành được trải qua đào tạo chính quy; 55% đến từ các ngành đào tạo gần như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn lại 15% đến từ các ngành nghề khác.

Điều này cho thấy, dư địa cho đào tạo đại học chính quy ngành TMĐT đang còn rất lớn.

Các diễn giả tham dự Hội thảo “Đào tạo thương mại điện tử 2022 – Những bước tiến nổi bật”.

 CẦN SỰ TĂNG CƯỜNG SỰ  “LIÊN KẾT” 

Tại sự kiện, ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM nhấn mạnh sự cần thiết trong việc trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các trường đại học với nhau cũng như giữa các trường với doanh nghiệp.

Theo đó, một mặt, các trường đại học đi trước có thể chia sẻ lại các chương trình đào tạo, học liệu, trao đổi, đào tạo giảng viên cho các trường tiếp cận sau để cùng nhau nâng cao chất lượng đào tạo của ngành.

Bên cạnh đó, chính các trường này cũng có thể tham khảo các hướng tiếp cận mới mẻ, riêng biệt của các trường phát triển sau để từ đó bổ sung, cải thiện thêm cho chương trình đào tạo của mình.

Lấy ví dụ, ông Tâm cho biết rất ấn tượng với lối tiếp cận mới mẻ trong đào tạo của các trường như Hoa Sen, Văn Hiến, Việt – Hàn đều là những trường mới mở ngành TMĐT.

Theo đó, trong khi đại học Hoa Sen chú trọng giảng dạy TMĐT  theo hướng tiếp cận từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thì đại học Văn Hiến lại tiếp cận theo hướng du lịch. Còn đại học Việt – Hàn lại đầu tư giảng dạy ngoại ngữ với định hướng có thể xuất khẩu các giải pháp quản lý, phát triển cho TMĐT…

Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM có phần trình bày tại hội thảo.

Còn theo Ths Tạ Trần Phương Nhung, giảng viên ngành TMĐT của Đại học Đông Đô – đồng thời là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng TMĐT, bà cảm thấy tiếc khi sinh viên tốt nghiệp ngành này đi làm đúng ngành lại bỡ ngỡ với công việc thực tế.

Thực trạng này khiến cho cả sinh viên và nhà tuyển dụng đều phải tốn thêm thời gian, công sức và tiền bạc để đào tạo, làm quen lại với công việc từ đầu.

Vì vậy, theo bà Nhung cần có thêm thời gian ứng dụng, thực tập cho sinh viên; gia tăng thực hành ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, bà Nhung cho rằng ngành TMĐT vốn có quy mô rất rộng, có sự ứng dụng khác nhau giữa các công ty vì mỗi công ty sẽ cần nguồn nhân lực được đào tạo theo hướng đa dạng. Vì vậy, bà Nhung đề xuất chia nhỏ các chuyên ngành học theo hướng ứng dụng, tập trung đào tạo và kết nối với doanh nghiệp theo một chuyên ngành, mục tiêu nhất định.

Theo bà Nhung, điều này sẽ giúp gia tăng sự phối hợp chặt giữa các doanh nghiệp và trường đại học; hướng tới cách tiếp cận gần thực tế nhất công việc sau này cho sinh viên.

Tuấn Việt