“Công ty cổ phần Poliland (gọi tắt là “Nhà Thầu” hoặc “Poliland”) đã vi phạm nghiêm trọng về tiến độ xây dựng và các cam kết về chất lượng xây dựng, chất lượng vật liệu Công trình xây dựng nhà phục hồi chức năng, nhà điều trị bệnh nhân và cải tạo nhà ở B1 cho bệnh nhân tâm thần thuộc Đề án Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí (“Công Trình”) tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội (gọi tắt là “Chủ Đầu Tư”), Luật sư Trần Đức Sơn – Giám đốc Công ty Luật Sipco thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định.
Cụ thể, các vi phạm này được thể hiện rõ qua các biên bản làm việc giữa Chủ Đầu Tư và Nhà Thầu. Tại Biên bản làm việc ngày 16/05/2019, Nhà Thầu đã cam kết thực hiện xong dự án vào ngày 30/06. Tuy nhiên, cam kết về tiến độ này hoàn toàn không được Nhà Thầu thực hiện đúng.
Thậm chí, Chủ Đầu Tư còn phát hiện thêm nhiều sai phạm về chất lượng trong quá trình thi công. Cụ thể, Chủ Đầu Tư buộc phải lập biên bản ngừng thi công xây dựng công trình vào ngày 25/06/2019 do nhà thầu sử dụng thép buộc không đúng tiêu chuẩn và sử dụng giàn giáo thi công kém an toàn.
Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 13/02/2020 đã chỉ ra rõ các hạng mục công trình chưa đảm bảo về mặt chất lượng thi công, rất nhiều chi tiết chưa được hoàn thiện, có nguy cơ gây mất an toàn nghiêm trọng cho công trình bao gồm việc cắt đứt một số các thanh thép chịu lực tại vị trí 03 chân cột hiên của công trình.
Đặc biệt trong quá trình thi công công trình, Nhà Thầu cũng không đảm bảo được về chất lượng thi công cũng như đảm bảo an toàn khi thi công. Có thể thấy, dự án xây dựng công trình tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội trách nhiệm thuộc về Nhà Thầu.
Theo Luật sư Trần Đức Sơn, liên quan đến vấn đề chất lượng và tiến độ thi công công trình xây dựng, pháp luật Việt Nam có các quy định cụ thể như sau:
Nghĩa vụ của nhà thầu thi công được quy định tại Điều 113 Luật Xây dựng 2014 như sau:
“Điều 113. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng
…..
2. Nhà thầu thi công xây dựng có các nghĩa vụ sau:
) Chỉ được nhận thầu thi công xây dựng, công việc phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của mình và thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết;
b) Lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình;
c) Thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và bảo vệ môi trường;
d) Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và thiết lập hồ sơ quản lý chất lượng công trình;
đ) Tuân thủ yêu cầu đối với công trường xây dựng;
e) Chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình;
g) Quản lý lao động trên công trường xây dựng, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường;
h) Lập bản vẽ hoàn công, tham gia nghiệm thu công trình;
i) Bảo hành công trình;
k) Bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, không bảo đảm yêu cầu theo thiết kế được duyệt, thi công không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và hành vi vi phạm khác do mình gây ra;
l) Chịu trách nhiệm về chất lượng thi công xây dựng theo thiết kế, kể cả phần việc do nhà thầu phụ thực hiện (nếu có); nhà thầu phụ chịu trách nhiệm về chất lượng đối với phần việc do mình thực hiện trước nhà thầu chính và trước pháp luật;
m) Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.”
Về việc quản lý tiến độ thi công công trình, Điều 32 Nghị định 59/2015/ND-CP có quy định như sau:
“Điều 32. Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình:
1. Công trình xây dựng trước khi triển khai phải có tiến độ thi công xây dựng. Tiến độ thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập phải phù hợp với tiến độ tổng thể của dự án được chủ đầu tư chấp thuận.
2. Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm.
3. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.
4. Trường hợp xét thấy tiến độ tổng thể của dự án bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án.”
Theo quy định nêu trên, để đảm bảo về khả năng thi công, tiến độ thi công và chất lượng công trình, nhà thầu xây dựng chỉ được nhận thầu thi công các dự án và công trình phù hợp với năng lực của mình và cần phải tuân thủ theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chất lượng thi công, đặc biệt là tuân thủ một cách tuyệt đối về tiến độ thi công. Nếu vi phạm các nghĩa vụ của mình thì nhà thầu phải khắc phục các vi phạm.
Nếu không khắc phục hoặc các vi phạm quá nghiêm trọng và gây thiệt hại, chủ đầu tư có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng xây dựng, phạt hợp đồng và yêu cầu bồi thường các thiệt hại của chủ đầu tư do việc nhà thầu xây dựng vi phạm nghĩa vụ.
Việc chấm dứt hợp đồng xây dựng, phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
Nghị định 37/2015/ND-CP quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng quy định:
“Điều 41. Chấm dứt hợp đồng xây dựng
1. Các tình huống được chấm dứt hợp đồng, quyền được chấm dứt hợp đồng; trình tự thủ tục chấm dứt, mức đền bù thiệt hại do chấm dứt hợp đồng phải được các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và phải phù hợp với quy định của Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan.
2. Mỗi bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp quy định tại các Khoản 7 và 8 Điều này.
3. Trường hợp đã tạm dừng thực hiện hợp đồng mà bên vi phạm hợp đồng không khắc phục lỗi của mình trong khoảng thời gian năm mươi sáu (56) ngày kể từ ngày bắt đầu tạm dừng theo thông báo, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác và không có lý do chính đáng thì bên tạm dừng có quyền chấm dứt hợp đồng.
…
5. Trước khi một bên chấm dứt hợp đồng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trước một khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không ít hơn hai mươi tám (28) ngày, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác và trong đó phải nêu rõ lý do chấm dứt hợp đồng. Nếu bên chấm dứt hợp đồng không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia, thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.
6. Hợp đồng xây dựng không còn hiệu lực kể từ thời điểm bị chấm dứt và các bên phải hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng trong khoảng thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá năm mươi sáu (56) ngày kể từ ngày thông báo chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác. Ngoài thời gian này nếu một bên không làm các thủ tục thanh lý hợp đồng thì bên kia được toàn quyền quyết định việc thanh lý hợp đồng.
7. Bên giao thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Bên nhận thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên giao thầu.
b) Bên nhận thầu từ chối thực hiện công việc theo hợp đồng hoặc năm mươi sáu (56) ngày liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng, dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp được phép của bên giao thầu.
8. Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Bên giao thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên nhận thầu.
b) Sau năm mươi sáu (56) ngày liên tục công việc bị dừng do lỗi của bên giao thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
c) Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu sau năm mươi sáu (56) ngày kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Điều 42. Thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng
Việc thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 146 Luật xây dựng số 50/2014/QH13.”
Luật Xây dựng 2014 quy định:
“Điều 146. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
1. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.
3. Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp sau:
a) Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;
b) Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.
…
5. Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia.
…
7. Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên xâm hại tới thân thể, quyền lợi, tài sản của bên kia, bên bị tổn hại có quyền yêu cầu bên kia gánh chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
8. Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định như sau:
a) Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
b) Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nếu chấm dứt hợp đồng đã ký Poliland, Chủ Đầu Tư có quyền:
• Yêu cầu Poliland thanh toán lại khoản đã tạm ứng còn lại;
• Phạt hợp đồng với Poliland theo quy định tại khoản 2 điều 146 Luật Xây dựng 2014 với mức phạt không quá 12% phần giá trị hợp đồng bị vi phạm (nếu có quy định trong hợp đồng);
• Yêu cầu Poliland bồi thường thiệt hại gây ra việc thi công không đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định tại khoản 3 điều 146 Luật Xây dựng 2014.
Trường hợp Poliland chây ỳ không thanh lý hợp đồng xây dựng đã ký kết, theo quy định tại Khoản 6 Điều 41 Nghị định 37/2015/ND-CP, Chủ Đầu Tư có quyền tự mình quyết định việc thanh lý hợp đồng sau 56 ngày kể từ ngày thông báo chấm dứt hợp đồng.
Đối với các nghĩa vụ khi chấm dứt hợp đồng, nếu Poliland không thực hiện thì chủ đầu tư có quyền khởi kiện Poliland ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, về phía Chủ Đầu Tư chỉ gửi văn bản yêu cầu Nhà Thầu đẩy nhanh tiến độ mà không căn cứ theo Luật pháp hiện hành để có biện pháp mạnh tay xử lý.
Đáng nói tình trạng này đã kéo dài một thời gian dài có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động của trung tâm khiến dư luận thắc mắc, tại sao lãnh đạo Trung tâm lại để sự việc kéo dài mà thiếu những biện pháp kiên quyết với nhà thầu.
Trước đó như Tạp chí điện tử Nghề nghiệp và Cuộc sống đã phản ánh, mặc dù Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội nhiều lần có văn bản yêu cầu đơn vị nhà thầu là Công ty Cổ phần Poliland đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành khối lượng công việc còn lại và nghiệm thu công trình xây dựng nhà phục hồi chức năng, nhà điều trị bệnh nhân và cải tạo nhà ở B1 cho bệnh nhân tâm thần, nhưng đơn vị này cố tình tỏ ra chây ì, không thực hiện đúng theo cam kết.
Trong khi, công trình đã quá thời hạn bàn giao hơn một năm, nhưng vẫn còn khối lượng chưa hoàn thành, chất lượng công trình không đảm bảo khiến hoạt động của Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội khốn đốn. |
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Nguyễn Long