06/04/2022 3:06:58

Công tác xã hội tại Bệnh viện TWQĐ 108: Hiệu quả nhờ sáng tạo mô hình chuyên môn sâu

Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhân viên Ban Công tác Xã hội (CTXH) và nhân viên y tế tại các khoa lâm sàng đã kiện toàn và phát huy mạnh mẽ hoạt động của mạng lưới CTXH tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện TWQĐ 108), đạt hiệu quả cao trong sứ mệnh hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Trăn trở từ hoạt động thực tiễn

Ban CTXH Bệnh viện TWQĐ 108 chính thức đi vào hoạt động ngày 25/12/2017 với nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động khám chữa bệnh như: Hướng dẫn bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị, động viên giúp cải thiện tinh thần cho bệnh nhân và gia đình, liên kết phối hợp với các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ bệnh nhân gặp khó khăn, tham gia tác nghiệp truyền thông, giới thiệu tính ưu việt của công tác điều trị và các dịch vụ của bệnh viện.

Tập thể cán bộ, nhân viên Ban Công tác xã hội, Bệnh viện TWQĐ 108

Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện, hoạt động CTXH được định hướng phù hợp với thực tế xã hội, mô hình chuyên môn hóa sâu đã có được những kết quả đáng khích lệ. Hiện tại, Ban CTXH của Bệnh viện đã có 58 nhân viên cùng mạng lưới hoạt động rộng khắp tại các phòng, khoa, ban trong Bệnh viện. Trong đội ngũ có 3 biên chế của Bộ Quốc phòng, Ban đã thành lập Chi bộ cơ sở.

Thượng tá Nguyễn Tuấn Quận – PT Trưởng Ban CTXH

Thượng tá Nguyễn Tuấn Quận, phụ trách Trưởng Ban CTXH chia sẻ: “Mặc dù, công việc này còn mới và non trẻ nhưng chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt từ Đảng ủy, Ban Giám đốc trong các chủ trương, chính sách, chiến lược hoạt động cũng như nhân sự và kinh phí hoạt động. Điều đó có ý nghĩa to lớn, khích lệ, thôi thúc chúng tôi làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa”.

Đến mô hình chuyên môn hóa hiệu quả

Với quy mô lớn của Bệnh viện, nếu chỉ có các nhân viên của Ban cung cấp các dịch vụCTXH sẽ là vất vả, khó khăn, không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của người bệnh và người nhà. Trăn trở về điều này, lãnh đạo Ban đã tìm hiểu nhiều mạng lưới CTXH hiệu quả tại các bệnh viện trong nước và quốc tế với mong muốn tìm ra mô hình phù hợp cho Bệnh viện.

 

Sau những nghiên cứu và học hỏi, Ban CTXH đã nhận định, cần có sự phối hợp giữa những nhân viên chuyên môn của Ban và các khoa lâm sàng để hiểu rõ hơn tình hình và nhu cầu thực tế của người bệnh ở các khoa khác nhau. Ban CTXH chính thức đề xuất mô hình hoạt động mới với Ban Giám đốc nhằm xây dựng và kiện toàn mạng lưới CTXH bệnh viện.

Tính đến nay, Ban CTXH đã phân chia thành 5 bộ phận chính gồm: Bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh; bộ phận truyền thông; bộ phận vận động tài trợ; bộ phận điện thoại chăm sóc người bệnh và nhà lưu trú. Trong đó, bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh có những nhân viên chuyên trách hoạt động ổn định tại các Khoa lâm sàng và cận lâm sàng.

Nhân viên CTXH phối hợp cùng nhân viên y tế hỗ trợ toàn diện cho người bệnh

Các cán bộ, nhân viên của Ban phối kết hợp chặt chẽ với các hành chính trưởng, điều dưỡng trưởng tại đây để nắm bắt và xử lý mọi thông tin nhanh gọn và kịp thời hơn bởi mỗi khoa sẽ có nhóm bệnh nhân với nhu cầu, tình trạng bệnh lý và tâm lý đặc thù.

Sự phân công chuyên môn hóa này tạo điều kiện cho các nhân viên CTXH thấu hiểu hơn về đặc điểm bệnh lý, tâm lý và nhu cầu riêng của từng nhóm bệnh nhân.Từ đó, mạng lưới sẽ có giải pháp cung cấp các dịch vụ CTXH phù hợp nhất, nâng cao hiệu quả công tác.

 

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức CTXH

Nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện công việc, Ban CTXH thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn cùng chuyên gia giúp nâng cao chuyên môn cho lực lượng nòng cốt của Ban và toàn bộ mạng lưới CTXH bệnh viện theo tuần, theo tháng và định kỳ năm.

Trong thực tế phục vụ vẫn có những bất cập, nhân viên y tế có kiến thức y học và pháp luật cơ bản để hỗ trợ các hoạt động y tế cộng đồng nhưng thiếu chuyên môn về CTXH.Ngược lại, nhân viên có chuyên môn về CTXH lại thiếu hụt kiến thức ngành y. Để kiện toàn hệ thống, điều không thể thiếu với các cán bộ nhân viên CTXH là thường xuyên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và cùng hoàn thiện kiến thức cho nhau.

Chị Phạm Thị Phượng, Nhân viên Ban CTXH chuyên trách tại Viện Thần kinh, Khoa Mắt và Khoa Tai Mũi Họng giãi bày: “Tôi học chuyên ngành CTXH nhưng thời điểm đó vẫn chưa có ngạch CTXH bệnh viện mà thực tế thì luôn đổi mới mỗi ngày. Do vậy, tôi vừa làm vừa học hỏi từ các nhân viên đi trước và trau dồi kiến thức cho bản thân mỗi ngày. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Ban CTXH luôn sát sao và thấu hiểu nên đã hỗ trợ và hướng dẫn nhiều cũng như có kế hoạch tập huấn chuyên môn”.

Nỗ lực và sáng tạo mỗi ngày

Chị Dương Thị Thu Hương nhân viên CTXH bộc bạch: “Thông thường, chúng tôi sẽ đến gặp từng bệnh nhân để thăm hỏi và hỗ trợ họ. Tuy nhiên, ở khoa Đông y có buổi tập dưỡng sinh mỗi ngày nên chúng tôi đến đây để gặp gỡ, giao lưu được với nhiều bệnh nhân hơn. Đồng thời, đây cũng là dịp chia sẻ kiến thức giáo dục sức khỏe, lắng nghe, thấu hiểu và động viên người bệnh. Sự kết hợp này sẽ giúp mọi việc trở nên tự nhiên và thuận lợi hơn”.

 

Bên cạnh đó, những bệnh nhân thể nặng hoặc bệnh tái diễn nhiều lần thường gặp khó khăn về kinh tế và tâm lý có phần nặng nề. Người làm CTXH còn cần hiểu tâm lý và khéo léo xử lý tình huống giúp người bệnh và gia đình.

Nhân viên CTXH thăm hỏi, hỗ trợ người bệnh

Chị Phạm Thị Phượng, nhân viên CTXH kể lại: “Đầu năm 2022, có một bệnh nhân cao tuổi, thắc mắc và bức xúc về các thủ tục để hưởng quyền lợi chế độ quân nhân. Tôi và các nhân viên y tế trong khoa đã phối hợp để giải thích chi tiết với bác. Tuy nhiên bác vẫn chưa cảm thấy thoải mái”.

“Tôi đã ngồi lại lắng nghe, an ủi và động viênkhi bác trải lòng về quá trình điều trị như thế nào, gặp khó khăn ra sao và cùng thảo luận về những vấn đề cần giải quyết. Một lúc lâu sau, khuôn mặt bác mới bớt căng thẳng, bình tĩnh và vui vẻ hơn”.

 

“Tôi nhận ra, khi người bệnh đang bức xúc về bất kỳ điều gì, việc giải thích là cần thiết nhưng quan trọng hơn cả là mang đến cho họ sự lắng nghe, thấu hiểu  và chân thành. Có như vậy, mới giúp người bệnh cảm thấy được đồng cảm, giải tỏa cảm xúc. Đó là sự khác biệt trong vai trò của một nhân viên CTXH và một nhân viên y tế”.

Có thể nói, thành công của tập thể mạng lưới CTXH Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là nhờ bước đi đúng hướng từ lãnh đạo Ban và sự nỗ lực mỗi ngày của từng thành viên trên cơ sở một mô hình CTXH đổi mới hiệu quả.

Ban Công tác xã hội cùng đội ngũ cán bộ nhân viên trong toàn Bệnh viện luôn đồng sức đồng lòng, đoàn kết và không ngừng nỗ lực, sáng tạo để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh, phấn đấu là đơn vị cung cấp dịch vụ CTXH hàng đầu trong nước và đạt chuẩn quốc tế.

Ngô Diệp