20/12/2024 2:15:16

“Chìa khóa” mở tương lai của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại Vĩnh Châu

Từ những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số tại Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã sớm tiếp cận với cơ hội việc làm thông qua các chương trình đào tạo nghề.

Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, trong khi anh chị lớn đều đi học cao đẳng, đại học tại Cần Thơ thì Thạch Thị Si Ne (SN 2009, dân tộc Khmer) lại chọn con đường học nghề. Ngay khi vừa kết thúc chương trình trung học cơ sở, Thạch Thị Si Ne đã theo học nghề làm tóc và nail tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) thị xã Vĩnh Châu.

Em Thạch Thị Si Ne đã học tại Trung tâm GDNN – GDTX Thị xã Vĩnh Châu được 1 năm

“Em chọn học nghề tóc và làm nail vì có thể ra nghề nhanh để đi làm. Ở đây em được các cô hướng dẫn rất tỉ mỉ, được thực hành nhiều nên có thể tự tin vào tay nghề của mình. Sau khi học xong, em dự tính xin đi làm ở các cửa tiệm trong thị xã, khi tích lũy đủ vốn sẽ mở cơ sở riêng”, Thạch Thị Si Ne chia sẻ.

Là con một trong gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ của em Lâm Gia Huy (dân tộc Hoa, ngụ xã Châu Văn Đơ, Vĩnh Châu) không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy. Vì thế học xong lớp 9, Huy cũng quyết định vào học nghề tóc và làm nail tại Trung tâm GDNN – GDTX Thị xã Vĩnh Châu.

“Ở đây bọn em được học đầy đủ các kỹ năng trong nghề tóc và làm nail, cũng được cấp chứng chỉ để có thể làm việc được ở những cơ sở uy tín”, Huy tâm tình.

Cũng như Thạch Thị Si Ne và Lâm Gia Huy, đa số các em vào học nghề tại Trung tâm GDNN – GDTX Thị xã Vĩnh Châu đều là con em của những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vì vậy, học nghề là con đường nhanh nhất để các em có thể nhanh chóng kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Từ nhu cầu thực tế đó, Trung tâm GDNN – GDTX Thị xã Vĩnh Châu được xem là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực trình độ sơ cấp, trung cấp, góp phần vào sự phát triển cân đối về cơ cấu lao động của Thị xã Vĩnh Châu.

Bà Lê Thị Cẩm Đương – Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Thị xã Vĩnh Châu – cho biết thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có sự đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế. Qua đó, góp phần chuyển biến tích cực cho lao động nông thôn nâng cao tay nghề.

Bà Lê Thị Cẩm Đương – Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Thị xã Vĩnh Châu – cho biết công tác đào tạo nghề hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.

“Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Châu đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND Thị xã để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân tại Trung tâm GDNN – GDTX Thị xã Vĩnh Châu. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số về cơ bản phù hợp với nhu cầu lao động tại địa phương. Nhìn chung người lao động sau khi đào tạo đã áp dụng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ mất đất nông nghiệp đi làm việc tại nước ngoài hoặc tham gia chương trình vừa học, vừa làm được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội”, bà Lê Thị Cẩm Đương nói thêm.

Lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu khẳng định sang năm 2025, đơn vị sẽ tăng cường giám sát và triển khai đồng bộ các chương trình giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo nghề giúp thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tiếp cận với các kỹ năng nghề nghiệp, tạo ra cơ hội việc làm ổn định, nâng cao chất lượng đời sống.

Nhật Linh