16/01/2022 10:35:23

CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu: Đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, tạo cơ hội liên thông cho người học

“Phát triển chương trình đào tạo GDNN theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện” là chủ đề Hội thảo khoa học trực tuyến do Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu tổ chức hôm 14/1/2022, với mục tiêu đổi mới căn bản GDNN của nhà trường, hướng đến thực hiện cơ chế tự chủ, chủ động thích ứng, linh hoạt trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cũng nhưng dự báo nguồn nhân lực của thị trường lao động rộng mở trong và ngoài nước.

Thông qua các tham luận, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các giảng viên, đại biểu tham dự đã đưa ra những đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng GDNN hướng đến lợi ích của người học, đáp ứng nhu cầu “học tập suốt đời” của người học. Đặc biệt, chú trọng đến việc tạo cơ hội cho người học được học liên thông lên các cấp trình độ trong hệ thống GDNN và cả giáo dục Đại học. Cùng đó là sự cần thiết đào tạo những kỹ năng mềm cho người học để hòa nhập, thích ứng phù hợp với thị trường lao động.

GDNN và GĐ Đại học phải là đối tác của nhau

Đề cập đến công tác xây dựng, chiến lược phát triển chương trình đào tạo, NGƯT.TS Trần Công Chánh, Hiệu trưởng CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu cho biết: Bên cạnh phát triển và mở rộng một số ngành nghề mới ở các cấp trình độ, đào tạo thường xuyên dạy nghề cho lao động nông thôn, nhà trường đã phát triển 4 chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên trình độ Cao đẳng gồm các ngành: Kế toán, Thú y, Nuôi trồng thủy sản và Công nghệ thông tin.

Các chương trình đào tạo liên thông được điều chỉnh, cập nhật các chương trình đào tạo truyền thống theo triết lý tăng cường tính liên thông giữa các ngành, nghề đào tạo; từng bước tạo điều kiện cho người học được học tập suốt đời. Đổi mới mô-đun thực hành, thực tập nghề nghiệp với thời lượng 75 – 80% thực hành và 20- 25% lý thuyết, đảm bảo yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp.

Ông Trần Công Chánh, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Chương trình đào tạo liên thông, tạo cơ hội thuận lợi cho người học là xu hướng tất yếu nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng toàn diện. Tuy nhiên, để đảm bảo chương trình đào tạo liên thông từ GDNN lên giáo dục Đại học phải có sự đối chiếu ngay từ đầu, đúng với ngành nghề đào tạo theo từng cấp trình độ liên thông (từ Sơ cấp liên thông lên Trung cấp, từ Trung cấp liên thông lên Cao đẳng, Đại học). Nội dung chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, dịch vụ. Chương trình đào tạo nghề ở các cấp trình độ phải đạt chuẩn đầu ra và đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Nếu như GDNN đào tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, thì giáo dục Đại học là môi trường để người học phát triển tư duy sáng tạo trên nền tảng kế thừa những kỹ năng nghề nghiệp. Bởi vậy, tạo cơ hội cho người học được học liên thông ở các cấp trình độ từ GDNN lên giáo dục Đại học trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, giúp người học luôn luôn được tiếp cận với kiến thức rộng mở, đòi hỏi tư duy sáng tạo và thích ứng nhanh với công nghệ là điều cần thiết.

Khi đó, GDNN và GD Đại học chính là “đối tác” của nhau, cùng hỗ trợ cho nhau để người học được lĩnh hội, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo, thế mạnh về chuyên môn nghề nghiệp để có thể cải thiện vị trí việc làm tốt hơn trong vai trò là nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự, đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của thị trường lao động trước xu hướng hội nhập để phát triển.

Đề cập đến một số phương thức triển khai chương trình đào tạo liên thông, Thạc sĩ Vương Ngọc Bảo Hà, Trưởng khoa KT – QTKD của nhà trường cho rằng: Nhà trường cần có một hệ thống đào tạo mở, với các chương trình liên thông mềm dẻo để tận dụng ưu thế, phát huy sức mạnh của nhà trường. Hệ thống mở với cơ chế thích hợp sẽ tạo hướng đi giúp người học có cơ hội được học mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời để lập thân, lập nghiệp.

Thạc sĩ Lương Hoàng Phong, Viện Phát triển nguồn nhân lực – Trường Đại học Trà Vinh khẳng định: Tạo cơ hội cho người học được học liên thông ở các cấp trình độ đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người học và xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa trong các chương trình đào tạo liên thông, các cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, CĐ và ĐH cần phải chung tay, góp sức để có sự phối hợp cụ thể trong việc xây dựng chương trình đào tạo liên thông cao… đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập của cộng đồng.

Quan tâm đào tạo kỹ năng mềm cho HSSV

Trước xu hướng của cuộc CMCN 4.0, thị trường lao động luôn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như người học muốn trở thành “công dân toàn cầu”, không chỉ dừng lại ở kiến thức, kỹ năng chuyên môn, bên cạnh đó còn là những kỹ năng mềm để luôn có lợi thế cạnh tranh.

NGƯT.TS Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng GDNN và GD Đại học là đối tác của nhau, cùng tạo ra nguồn nhân lực có tri thức, sáng tạo và kỹ năng nghề nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn – Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, PCT Hội GDNN TP.HCM đề cập đến sự quan tâm, chú trọng đào tạo kỹ nẵng mềm cho HSSV như: kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, văn hóa ứng xử doanh nghiệp, tinh thần làm việc đội nhóm, đặc biệt là thái độ, đạo đức nghề nghiệp và khả năng hài hòa áp lực công việc. Đây cũng là một trong những yếu kém, tồn tại của rất nhiều HSSV trong hệ thống GDNN nói chung cần sớm có giải pháp để HSSV không bị “đói kỹ năng mềm”.

Ông Tuấn nhận định: Thị trường việc làm hiện nay và tương lai, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp… sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị đào thải, thay vào đó là nguồn lực có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Vì vậy, người lao động trong tất cả các ngành nghề cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp.

Để phù hợp với thị trường lao động phát triển theo yêu cầu công nghiệp 4.0 và hội nhập, phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp. Trong đó, năng lực nghề nghiệp yêu cầu am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao; Kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ bao gồm công nghệ thông tin; sử dụng tốt 01 ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật bao gồm pháp luật lao động…, là những kỹ năng quan trọng mà các cơ sở GDNN cần chú trọng, trang bị cho người học để họ dễ dàng hòa nhập được với công việc thực tế ngay sau khi tốt nghiệp.

Đồng tình với ý kiến này, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu, Ông Trần Công Chánh coi đây là một trong những giải pháp trong chương trình đào tạo, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN toàn diện của nhà trường trong thời gian tới. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bạc Liêu và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thu Thủy