18/10/2021 9:42:43

Cần lưu ý gì khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em?

Hiện nay, mặc dù số lượng trẻ em bị nhiễm COVID-19 ít hơn so với người lớn nhưng đây vẫn là đối tượng có khả năng mắc và truyền bệnh COVID-19 cho những người khác.

Sở Y tế TP HCM đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cho phép triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi từ ngày 22/10.

Sở Y tế dự kiến tiêm tất cả trẻ trong độ tuổi này đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn, học sinh đang đi học từ lớp 6 đến 12, số lượng khoảng 780.000. Theo dự thảo, trẻ em trên toàn thành phố sẽ được tiêm mũi một trong 5 ngày. Thời gian tiêm mũi hai sẽ tùy vào hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine.

Thành phố đề xuất tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở cố định và điểm tiêm lưu động, trường học trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, với loại vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Vaccine được sử dụng hai liều cơ bản và tiêm cùng loại vaccine.

Trước đó, Bộ Y tế ngày 14/10 cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, ưu tiên lứa 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện cho trẻ 12-17 tuổi.

Bộ Y tế không nói rõ loại vaccine nào được phép tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Trên thế giới, hiện có vaccine của Pfizer được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn cấp dùng cho lứa tuổi này. Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp vaccine của hãng dược Zydus Cadila cho người từ 12 tuổi trở lên. Giới chức Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 của Sinovac cho trẻ 3-17 tuổi.

Theo các chuyên gia, trước khi triển khai tiêm chủng các cơ sở phải chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Sau đó, thực hiện khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm chủng, mục đích là để buổi tiêm đảm bảo an toàn. Bác sĩ khám sàng lọc cần phải hỏi bố mẹ trẻ thông tin về lịch sử chủng ngừa của trẻ, tình trạng của trẻ những ngày gần đây như thế nào, có sốt, hay đang uống thuốc điều trị bệnh lý gì không,… Đặc biệt, cần phải khai thác thông tin thêm trẻ có dị ứng thức ăn, thuốc hay có tiền sử dị ứng với các loại vaccine trước đây hay không… Ngoài ra, cần đánh giá sức khỏe của trẻ như tri giác, đo thân nhiệt, quan sát nhịp thở, nhịp tim… sau đó, đạt tiêu chuẩn trẻ sẽ được tiêm chủng.

Tuy nhiên, sau tiêm cũng cần phải theo dõi sau tiêm chủng 30 phút để xem trẻ có bất thường gì không như tri giác, chỗ tiêm, thân nhiệt, màu da… Bên cạnh đó, sau khi về nhà cần phải theo dõi, chăm sóc trẻ kỹ hơn 3 tuần sau khi tiêm. Cụ thể, mặc đồ thoáng mát, nếu trẻ sốt thì uống paracetamol hạ sốt, giảm đau. Ngoài ra, có thể chườm đá vào nơi tiêm để giảm sưng đau cho trẻ. Đặc biệt, không bôi dầu gió, đắp khoai tây… vào chỗ tiêm sẽ dễ bị nhiễm trùng.

Đặc biệt, khám sàng lọc cho trẻ phải kỹ hơn, chăm chút hơn, hay nói đúng hơn là nhiều hơn các bước so với người lớn. Đặc biệt, với nhóm trẻ thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý nền, dị ứng nên đến tiêm tại các bệnh viện và nên ưu tiên cho nhóm trẻ này được tiêm trước.

Bảo Minh