10/12/2020 6:33:25

BVĐK tỉnh Lạng Sơn đưa vào sử dụng có đảm bảo an toàn cho người lao động?

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK tỉnh Lạng Sơn) được khởi công từ năm 2010 với tổng số vốn đầu tư lên tới 1.700 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, dự án này vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập và nhiều hạng mục chưa được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng nghiệm thu.

Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung của UBND tỉnh Lạng Sơn về dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn
Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bổ sung của UBND tỉnh Lạng Sơn về dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn

Dự án bệnh viện nghìn tỷ có dấu hiệu vi phạm Luật đấu thầu

Được biết, Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn được khởi công vào ngày 26/12/2010 với quy mô 700 giường bệnh gồm các công trình nhà chính 4 tầng, khám nội trú 15 tầng, khu kỹ thuật 5 tầng, khu đào tạo 9 tầng, nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân 5 tầng, các công trình phụ trợ và xử lý chất thải. Dự án có diện tích 25 ha ở thôn Phai Trần của TP Lạng Sơn và đầu tư tổng số vốn đầu lên tới 1.700 tỷ đồng do Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu 999,9 tỷ đồng.

Theo đó, dự án  được đánh giá là công trình xây dựng dân dụng có quy mô lớn nhất tỉnh Lạng Sơn từ trước đến nay. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015.

Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2015 (theo phê duyệt ban đầu phải hoàn thành) dự án thực hiện chậm tiến độ, các hạng mục thi công dang dở, trong khi ngân sách trung ương đã bố trí đủ vốn trái phiếu chính phủ là 891 tỷ 907 triệu đồng, ngân sách địa phương mới bố trí 10 tỷ đồng và còn thiếu 97 tỷ 974 triệu đồng.

Ngoài ra, dự án xây dựng BVĐK tỉnh Lạng Sơn đã bộc lộ nhiều dấu hiệu UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bệnh viện không đúng quy định, vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến phải điều chỉnh dự án, đầu tư không đồng bộ, có nguy cơ gây lãng phí lớn.

Cụ thể: Dự án được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt lần đầu theo Quyết định số 2122/QĐ-UBND ngày 20/10/2009, với quy mô 700 giường bệnh, tổng mức đầu tư 999 tỷ 881 triệu đồng.

Ngày 29/11/2013, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND, tăng tổng mức đầu tư lên 1.548 tỷ 606 triệu đồng, vượt quy mô vốn trái phiếu chính phủ của Dự án theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ (điều chỉnh hạng mục các khoa nội trú tăng từ 12 tầng lên 15 tầng, bổ sung khu nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân, điều chỉnh diện tích các phòng, khoa).

Đến nay, UBND tỉnh Lạng Sơn nhiều lần phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Do không có vốn UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư là 1.760 tỷ 917 triệu đồng, tăng so với phê duyệt lần đầu là 761 tỷ 036 triệu đồng.

Toàn bộ máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho toàn dự án đến tháng 12/2016 chưa được phê duyệt do chưa cân đối được nguồn vốn.

Đồng thời, toàn bộ các hạng mục đã được phê duyệt theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND nhưng nay chuyển sang giai đoạn 2, gồm: Thiết bị Trung tâm y tế có phòng khám, phòng điều trị, văn phòng; thiết bị phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm; Thang máy nhà E cao 15 tầng; chống thấm toàn bộ công trình; cấp thoát nước ngoài nhà, hệ thống điện ngoài nhà; Thiết bị xây lắp còn lại các hạng mục nhà A, B, C, E, G…

Không những vậy, công tác tổ chức Đấu thầu tại Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn có dấu hiệu vi phạm luật đầu thầu.

Đơn cử: Tại Quyết định số 1866/QĐ-UBND ngày 25/11/2010 phê duyệt kế hoạch đấu thầu thực hiện Dự án BVĐK tỉnh, trong đó các gói thầu chỉ định thầu không đúng quy định gồm: gói thầu số 6- lô số 1 (có giá trị là 36 tỷ 300 triệu đồng) và gói thầu số 7-lô số 4 (giá gói thầu 7 tỷ 040 triệu đồng). Bởi lẽ, theo Khoản 1, Điều 54 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa trọn nhà thầu “Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: không quá 500 triệu đồng đối với cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công”.

Dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn tồn tại nhiều bất cập

Mặc dù tháng 9/2019 dự án được đưa vào sử dụng,  tuy nhiên ngày 3/11/2020, ông Dương Xuân Nghiêm – Phó chủ tịch UBND tỉnh có buổi kiểm tra dự án Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn (giai đoạn 1) cho thấy, dự án này vẫn còn khá nhiều  bất cập và tồn tại.

Cụ thể, tại nội dung kiểm tra, ông Dương Xuân Nghiêm nêu rõ: Đến nay vẫn còn một số hạng mục phụ trợ chưa được hoàn thiện dứt điểm. Cũng do thời gian thi công kéo dài, nên một số hạng mục có thời gian thi công, lắp đặt từ lâu nay đã có hiện tượng xuống cấp.

Bên cạnh đó, chất lượng thi công một số hạng mục công việc cũng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, cần được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng (Cục Giám định).

Để đẩy nhanh quá trình khắc khục tồn tại nêu trên: PCT Dương Xuân Nghiêm yêu cầu: Chủ đầu tư khắc phục theo đúng yêu cầu của Cục Giám định đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án;

Khẩn trương làm việc với các bên liên quan để rà soát, xác định chính xác nhiệm vụ quan trắc, xuất trình báo cáo kết quả quan trắc lún nghiêng nhà E;

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc khẩn trương thực hiện thử nghiệm 11/14 chỉ tiêu mẫu nước sinh hoạt còn thiếu theo yêu cầu của Cục Giám định, hoàn thành trong tháng 11/2020;

Chỉ đạo tư vấn thiết kế dự án trước ngày 15/11/2020 phải hoàn thành việc đề ra các giải pháp kỹ thuật che bịt lỗ thông tầng để phòng chống cháy lan, chống dầu lan cho bồn chứa dầu phòng máy phát điện dự phòng theo Nội dung số 6, 7 theo yêu cầu của Cục Giám định.

Về các đơn vị liên quan: Sở Y tế  cần chỉ đạo nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Phương Đông thi công hoàn thiện trước ngày 25/12/2020.

Trong tháng 11/2020, hoàn thành việc rà soát, phê duyệt thiết kế điều chỉnh các hạng mục liên quan tại Khu tái định cư số 1 theo chủ trương về chia lại diện tích lô đất tái định cư đã được UBND tỉnh chỉ đạo để nhà thầu có cơ sở ký phụ lục hợp đồng, thi công theo quy định.

Đối với các nhà thầu tham gia dự án (Trung tâm Tư vấn kiến trúc và đầu tư xây dựng, Công ty cổ phần Máy xây dựng và công trình công nghiệp – Coninco, Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Phương Đông, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật và thương mại Quốc Khánh, Công ty TNHH MTV Nga Phong): yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, tích cực phối hợp thực hiện, hoàn thiện các nội dung công việc theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ như đã nêu.

Trước việc BVĐK tỉnh Lạng Sơn còn tồn tại nhiều cập, chưa được hoàn thiện, dư luận cho rằng đưa vào sử dụng liệu có đảm bảo an toàn cho người lao động? (tức là cán bộ nhân viên đang công tác tại đây – PV) và người dân đến khám chữa bệnh?

Trước đó ngày 17/7/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình số 82/TTr-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị cho phép được thực hiện ứng trước 170 tỷ từ thuộc kế hoạch năm 2020 vốn dự phòng 10% kế hoạch trung hạn vốn cân đối ngân sách địa phương của tỉnh để thực hiện phần bổ sung dự án.

Về nội dung này, Bộ nêu rõ: Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn 700 giường đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định phê duyệt Dự án giai đoạn 1. Hiện nay không còn chương trình hỗ trợ ngân sách Trung ương cho bệnh viện tỉnh nữa nên việc tỉnh thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Dự án (giai đoạn 2) thuộc trách nhiệm của địa phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!.

Nguyễn Long