Phát biểu tại hội nghị hôm 24/4 về đề án “ Phát triển nguôn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng mặc dù đề án khá hoàn chỉnh nhưng không nên chỉ tập trung phát triển nguồn lực từ các trường đại học mà bỏ phí nguồn lực từ các trường cao đẳng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030. Để đạt mục tiêu trên nhanh nhất, đề án đưa ra giải pháp đào tạo tập trung vào các trường đại học, viện nghiên cứu và một số trung tâm bán dẫn sẽ được thành lập.
Cần bổ sung giải pháp đầu ra cho nhân lực ngành bán dẫn gắn với cơ chế tiền lương
Tại hội nghị bên cạnh nhận diện những cơ hội lớn đến từ nhu cầu nhân lực bán dẫn trên thế giới và cơ hội đối với Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án cần làm rõ thêm về đối tượng tham gia đào tạo nhân lực bán dãn; đầu ra cho nhân lực bán dẫn; chính sách thu hút nguồn nhân lực bán dẫn không chỉ học phí mà còn tiền lương…
Quan tâm đến tính khả thi của đề án, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm nhân lực cho tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp này chứ không chỉ riêng công đoạn chip bán dẫn.
Bên cạnh việc chuẩn bị nhân lực nên dựa trên dư báo tầm nhìn dài hạn nhưng vẫn phải dựa trên nhu cầu thị trường; việc ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước, tức là tạo đầu ra cho người học thì sẽ bảo đảm cho Đề án thành công.
Bộ trưởng Hùng đề nghị, Ban Soạn thảo Đề án nên đầu tư nhiều hơn cho giải pháp đầu ra, theo đó cần chú ý đến thu nhập của lĩnh vực này, như tiền lương của nhân lực công nghiệp bán dẫn phải cao hơn lương công nghệ thông tin, nếu không sẽ không thu hút được.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích thêm: Nhiều khi mình nói thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao nhưng không phải mà là do lương thấp. Nếu công việc được trả lương cao thì sẽ không có việc thiếu nguồn nhân lực. Nếu chúng ta trả lương cho kỹ sư công nghệ thông tin 10 triệu thì không có nhân lực, 20 triệu thì sẽ có ít nhân lực, 30 triệu có nguồn nhân lực, 40 triệu thì tốt hơn và 50 triệu trở lên thì bắt đầu thừa. Do đó chúng ta nói chuyện thiếu nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn nói chung nhưng phải ở các công đoạn và ở mức độ nào.
Đồng quan điểm về ‘đầu ra” với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cũng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch cần chia ra làm mấy cấp độ và đặc biệt là liên quan đến tìm đầu ra.
Cấp độ đầu tiên cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay, phục vụ mục tiêu đầu ra lớn nhất đó là phục vụ các doanh nghiệp nước ngoài đang có ở Việt Nam, cũng như sẽ chuyển về Việt Nam. Nhóm thứ hai là “outsourcing” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như FPT hiện nay đang làm, chúng tôi thấy rất phù hợp, tức là đào tạo, thiết kế để outsourcing. Cái này rất phù hợp với kinh nghiệm đã khá thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam, nhấn mạnh trong công nghiệp bán dẫn có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi một công đoạn có yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau. Vì vậy bên cạnh chiến lược chung, đề án cần có kế hoạch riêng, đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực mà chúng ta cần phát triển, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.
Ông Hùng Trần, Giám đốc điều hành Got It băn khoăn, Đề án với tầm nhìn đến năm 2045, có nghĩa là ngay từ bây giờ chúng ta phải có những chương trình đào tạo cho học sinh từ cấp 1, cấp 2. Khi muốn có những người giỏi, những kỹ sư có thể thiết kế được, chúng ta phải có học sinh thật tốt ngay từ khi còn bé chứ không thể đến khi cần mới bắt đầu đào tạo.
Không nên bỏ phí nguồn nhân lực từ các trường cao đẳng khối GDNN
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đặt câu hỏi, về chuỗi giá trị và công nghệ bán dẫn, cơ bản có 3 công đoạn như báo cáo nêu, thứ nhất là thiết kế, thứ hai là sản xuất, thứ ba là phân loại, đóng gói và kiểm thử . Vấn đề là chúng ta lựa chọn gì? Về đạo tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất, đề án phải tính toán phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở cung – cầu, để tính toán cho phù hợp. Vấn đào tạo và đối tượng đào tạo trong Đề án là đại học và trên đại học, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là chưa phù hợp. “Thực tiễn chúng ta đang có nhiều trường cao đẳng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực bán dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài, đề nghị không nên bỏ phí nguồn nhân lực này” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.
Hoàng Quân